Khám Phá, - 29/02/2012 04:15 PM
Bây giờ nhắc lại, không ít người trẻ tuổi sẽ phì cười về “đẳng cấp ăn chơi” của các đại gia mũ cối (thời bao cấp, người có tiền mới đội mũ cối).

Nhưng, những chiếc “siêu xe” thời ấy lại là sự ghi dấu cả một giai đoạn lịch sử của đất nước.

Cùng điểm qua một vài “siêu xe” tiêu biểu:

Xe Favorite

Ở cái thời mà xe đạp còn là cả một gia tài thì xe Favorite (một loại xe của Pháp) xứng đáng đứng ở vị trí đầu bảng trong hệ thống các “vũ khí” của dân chơi thời bao cấp. Những người già kể lại: đi xe đạp ở miền Bắc thời kỳ ấy phải có biển số, xe đạp được kiểm soát bằng giấy chứng nhận sở hữu của cơ quan chức năng. Người nào có xe đạp đi ngoài đường thì không thể gọi là nghèo.

Một nhà báo người Pháp trong một lần tác nghiệp tại Việt Nam vào tháng 6/1964 đã thốt lên trong phóng sự của mình rằng: “Hà Nội, ngã tư đường Paul Bert và đường Petit Lac (cũ) vào giờ tan tầm, không một chiếc ô tô nhưng có rất nhiều xe đạp di chuyển chậm rãi”.

Và trên đường phố của những chiếc xe đạp ấy, Favorite giữ vị trí top đầu về sự sang trọng với câu truyền miệng nổi tiếng:

"Làm trai cho đáng nên trai

Có Pha vơ rít, có đài dắt lưng”

Xe Peugeot

Là “thứ dữ” trong đế chế xe đạp nhưng so với xe máy Peugeot , đẳng cấp của Favorite còn kém một bậc. Nếu nói về mức độ “nguy hiểm” của các dân chơi thời kỳ trước khi “tấn công” các thiếu nữ thì xe Peugeot xứng đáng đứng vào hàng “vũ khí hạng nặng”. Xe Peugeot còn gọi là xe Lơ đã đi vào dân gian một cách rất hóm hỉnh nhưng cũng đầy thực tế.

“Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi Lơ”

Hoặc

“Một yêu anh có Sen kô

Hai yêu anh có Pơ giô cá vàng”

“Sen kô” là đồng hồ Seiko, còn “Pơ giô” là cách phiên âm của xe Peugeot. May mắn cho loại xe gắn máy này, là hiện nay, nó vẫn được nhiều người sử dụng như một thú chơi ở Hà Nội với giá một chiếc Peugeot cổ có thể lên tới hàng ngàn USD/chiếc.

Xe Babetta

Có lẽ ngay cả những nhà sản xuất người Tiệp Khắc (cũ) nếu không có dịp chứng kiến cũng sẽ không thể tưởng tượng được Babetta  vẫn còn được sử dụng ở Việt Nam cho đến ngày nay. Theo nhiều người, vào những năm 80 ở thế kỷ trước, chỉ có những gia đình được liệt vào hàng danh giá mới được sở hữu chiếc xe này. Hiện nay, loại xe tay ga này đã bị cấm lưu thông nhưng vẫn còn có người sử dụng chủ yếu trong tình trạng quá cũ nát.

Có một điều đáng buồn là sau khi kết thúc thời hoàng kim của mình, Babetta được gán người sử dụng “tặng” thêm biệt danh “Ba-bét-nhè” vì sự dở chứng do tuổi tác.

Honda 67

Honda 67 gắn với chiến công của đội săn bắt cướp SBC của sĩ quan công an Lý Đại Bàng sau năm 1975. Honda 67 cũng xứng đáng là niềm tự hào của Honda tại Việt Nam. Xe được chế tạo năm 1962 khi nước Nhật còn đang khủng hoảng, để thay thế việc đi lại bằng ô tô. Honda 67 được sử dụng chủ yếu ở miền Nam thời chế độ cũ.

Dù chỉ là niềm mơ ước của lứa thanh niên cách đây đã nửa thế kỷ nhưng hiện nay, có rất nhiều người trẻ vẫn sử dụng loại xe này.

Xe Simpson

Là một loại xe của Đông Đức cũ, niềm mơ ước của các “tay chơi mũ cối”, Simpson (hay còn có tên gọi khác là Mô kích) có giá khoảng hơn 1 cây vàng, với 4 màu cơ bản là: đỏ, xanh đu đủ, xanh nõn chuối, và trắng. Có điều, thời ấy, xe Simpson được gắn một loại khóa điện không an toàn, một khóa xe Simpson có thể mở được rất nhiều xe Simpson khác. Do đó, dân chơi xe Simpson lại phải mua khóa dây để cho chắc ăn.

Xe Minsk

Một “siêu xe” khác không thể kể đến về sự ‘làm mưa làm gió” ở thời kỳ ấy là Minsk. Giai đoạn thập niên 70, các chuyên gia Liên Xô mang loại xe này sang nước ta để sử dụng trong địa hình đồi núi và nó trở nên phổ biến vào thập niên 80, trở thành niềm mơ ước của các thanh niên nông thôn, miền núi.

Xe Minsk xứng đáng được gọi là “siêu xe hạng nặng” khi uống xăng như …uống bia hơi, bù lại, xe có thể vượt được hầu hết các loại địa hình đồi núi trong khi cõng trên mình khối lượng lên đến 200-300kg.

Xe Honda Cub

Là một "huyền thoại" của Honda, xe Cub nổi tiếng đến mức ngày nay nhiều người Việt vẫn gọi xe gắn máy bằng cái tên “xe Honda”. Mẫu xe Cub đầu tiên xuất hiện vào năm 1958, và khi đến Việt Nam, nó đã tạo nên một “lịch sử oai hùng” khi “thống trị” đường phố Việt Nam gần nửa thế kỷ.

Đến tận những năm 1990, gia đình nào có một chiếc Cub trong nhà là cả một gia tài lớn. Chiếc xe Cub đi vào đời sống người Việt ở vai trò “siêu xe” phổ biến đến nỗi trong dân gian truyền miệng câu nói nổi tiếng: “Trăm lời anh nói không bằng làn khói Honda”. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng phải thốt lên:

“Bây giờ yêu nghĩa là vèo xe Cub

Xe đạp anh xịt lốp cả tư mùa.”

Xe Cub 82 “kim vàng giọt lệ” là thứ “vũ khí” mang tính “sát thương hàng loạt" đối với các cô gái mới lớn.

Thậm chí, đã qua thời kỳ đỉnh cao, người ta vẫn không dễ gì mà quên được Honda Cub. Gần đây, Honda đã cho sản xuất chiếc Super Cub 110 cho thị trường nội địa với kiểu dáng gần như những chiếc Cub “huyền thoại”. Mỗi năm, chỉ có khoảng 1.000 chiếc Super Cub 110 ra đời và khi nhập về Việt Nam có giá lên đến hơn 120 triệu đồng.

Ở mức giá đó, với một chiếc xe gắn máy bình thường, thì cũng vẫn có thể gọi là một “siêu xe”.

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Gửi thông tin

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến MXH ô tô - xe máy và golf tại Việt Nam xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.