Khám Phá, - 31/01/2020 12:21 AM
Máy bay di chuyển trên trời còn xe hơi chạy trên mặt đất. Tuy nhiên, đất trời vẫn luôn có điểm giao hòa.

Dù là hai loại phương tiện khác nhau gần như hoàn toàn song máy bay và xe hơi ngày nay lại chia sẻ không công nghệ. Trong đó, rất nhiều công nghệ được phát triển cho máy bay trước khi được áp dụng trên những chiếc xe 4 bánh. Không chỉ mới gần đây, xu hướng này đã xuất hiện từ gần trăm năm trước. Trong bài này, chúng ta sẽ cùng điểm qua một số công nghệ nổi bật trên ô tô có nguồn gốc từ ngành hàng không.

1. Chống bó cứng phanh ABS

Ngày nay, ABS đã trở thành trang bị bắt buộc trên xe hơi tại Mỹ và EU. Hệ thống này được phát minh bởi kỹ sư hàng không người Pháp Gabriel Voisin. ABS nguyên thủy từng được tích hợp trên chiếc máy bay ném bom hạng nặng do công ty của ông sản xuất vào cuối thế chiến I. Đến năm 1966, ABS chính thức xuất hiện trên xe hơi và Jensen FF là chiếc xe đầu tiên. Đến năm 1970, Chrysler bắt đầu trang bị ABS trên một số sản phẩm của hãng này. 8 năm sau đó, Mercedes-Benz ra mắt một hệ thống ABS tiên tiến hơn dành cho chiếc S-Class W116.

2. Màn hắt kính HUD

HUD nguyên thủy đã bắt đầu xuất hiện trên máy bay ném bom từ trước thế chiến II nhằm gia tăng độ chính xác cho việc thả bom. Trong cuộc chiến này, HUD đã bắt đầu tiến hóa khi không quân hoàng gia Anh muốn đưa hình ảnh radar lên kính chắn gió. Sau chiến tranh, hệ thống này không ngừng được cải tiến và được áp dụng đối với cả máy bay dân sự. Đến tận cuối thập niên 80, HUD mới bước chân lên ô tô khi chiếc Oldsmobile Cutlass Supreme Convertible Indy 500 Pace Car, một model thuộc tập đoàn GM. Được biết, GM sở hữu công nghệ này sau khi mua lại công ty kỹ thuật hàng không Howard Hughes vào năm 1985.

3. Vật liệu titan

Titan là một vật liệu siêu nhẹ, siêu cứng, chống ăn mòn tốt và cực kỳ phù hợp cho ngành hàng không vũ trụ. Nhờ có vật liệu này, tập đoàn Lockheed Martin đã tạo nên chiếc máy bay siêu âm nhanh nhất thế giới SR-71 Blackbird với 92% có nguồn gốc từ titan. Nếu không nhờ tốc độ thần thánh của mình, SR-71 có lẽ đã bị bắn hạ trên bầu trời Việt Nam và Liên Xô. Với những đặc tính vượt trội của mình, titan tất nhiên cũng được áp dụng trên xe hơi, dù cho chi phí còn rất đắt đỏ. Ngày nay, chúng ta thường được nghe đến các hệ thống ống xả titan nhưng chế tạo một chiếc xe từ titan lại khá lạ lẫm. Icona Vulcano (2015) được coi là chiếc xe titan đầu tiên trên thế giới nhưng có giá bán lên tới hơn 2 triệu Bảng.

4. Động cơ V8

Động cơ V8 được phát minh bởi kỹ sư người Pháp Levavasseur vào năm 1902. Có tên gọi khác là Antoinette, cỗ máy này ban đầu được sử dụng trên thuyền đua cao tốc và máy bay, đặc biệt là các chiến đấu cơ từ hồi thế chiến I. Không lâu sau khi ra đời, động cơ V8 cũng đã được mang lên xe hơi. Rolls-Royce là thương hiệu ô tô đầu tiên sử dụng loại máy này, dù cho chỉ là số lượng hạn chế. Nhưng ngay sau đó, ngày càng có nhiều hãng xe lựa chọn động cơ V8 để rồi cỗ máy này ngày càng trở nên phổ biến.

5. Radar

Như chúng ta đã biết, radar là một trang bị không thể thiếu trong ngành hàng không. Xét về nguồn gốc, radar được phát minh ra để bắt sống máy bay và giúp các đơn vị phòng không mặt đất đáp trả các cuộc không kích một cách hiệu quả hơn. Anh được cho là quốc gia đầu tiên sử dụng thành công radar để dẫn hướng cho máy bay của mình chống lại cuộc tấn công của người Đức trong thế chiến II.

Trong khi đó, Toyota được coi là nhà sản xuất ô tô đầu tiên trang bị radar cho xe hơi, cụ thể là trên chiếc Corona vào đầu thập niên 1980. Theo thời gian, công nghệ này ngày càng trở nên phổ biến trên ô tô. Một cột mốc quan trọng đã được xác lập vào năm 1998 khi Mercedes-Benz trình làng hệ thống kiểm soát hành trình dựa trên radar với chiếc S-Class W220. Với sự bùng nổ của công nghệ tự lái, radar càng khẳng định tầm quan trọng của mình.

6. Định vị GPS

Rất nhiều vụ tai nạn đã xảy ra do phi công không thể biết được vị trí cần đến cũng như vị trí của chính chiếc máy bay. Để đối phó với điều này, chính phủ Mỹ đã phát triển một hệ thống có tên TRANSIT, dựa trên một mạng lưới vệ tinh. Nhờ hệ thống này, người ta có thể định vị toàn cầu đối với những chiếc máy bay, tàu mặt nước và cả tàu ngầm. Về sau, một hệ thống hoàn thiện hơn đã ra đời, đó chính là GPS.

Với việc cho phép truy cập dân sự, GPS bắt đầu đặt chân lên những chiếc ô tô. Và Mazda Eunos Cosmos là chiếc xe đầu tiên tích hợp GPS. Đến năm 1994, BMW 7 Series (E38) trở thành chiếc xe châu Âu đầu tiên sở hữu công nghệ này. Trong khi đó, công ty đầu tiên của Mỹ ứng dụng GPS lên xe hơi là Oldsmobile thậm chí còn chậm hơn BMW 1 năm.

7. Phun nhiên liệu

Hệ thống phun nhiên liệu được phát triển để gia tăng độ tin cậy, hiệu quả và công suất của động cơ. Hệ thống này ban đầu xuất hiện trên động cơ V8 Antoinette sau đó được sử dụng rộng rãi trên động cơ máy bay trong thế chiến II, đặc biệt là các phi cơ của Phát Xít Đức. Một trong những cỗ máy phun nhiên liệu nổi tiếng nhất chính là Daimler-Benz DB 601 V12.

Nhưng sau chiến tranh, Daimler-Benz không còn mặn mà với máy bay mà muốn hướng đến những chiếc xe thể thao hiệu suất cao. Thế là, một dự án nâng cấp đã được thực hiện. Cụ thể, DB 601 đã được giản lược, từ 12 xuống còn 6 xi-lanh và dung tích giảm từ 33,9 xuống còn 3 lít. Dù vậy, động cơ mới vẫn cho công suất 240 mã lực và trở thành trái tim của mẫu xe huyền thoại 300SL Gullwing (1954). Khi ấy, hệ thống phun nhiên liệu là loại cơ khí. Đến năm 1958, công nghệ phun nhiên liệu điện tử cũng bắt đầu xuất hiện trên một số dòng xe của Chrysler.

8. Tăng áp

Như chúng ta đã biết, tăng áp là một công nghệ giúp nâng cao hiệu suất hoạt động của động cơ. Được phát minh từ năm 1905 nhưng phải đến 10 năm sau, hệ thống này mới được tích hợp lên động cơ đốt trong, cụ thể là trên một chiếc phi cơ chiến đấu của Pháp. Nhờ có tăng áp, áp suất trong buồn đốt luôn được đảm bảo dù máy bay đang di chuyển ở độ cao nào. Ngày nay, hệ thống tăng áp đã trở nên quá phổ biến trên xe hơi, đặc biệt là dưới sức ép từ các tiêu chuẩn khí thải.

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Gửi thông tin

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến MXH ô tô - xe máy và golf tại Việt Nam xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.