Giá rẻ hơn biệt thự Sài Gòn, Hà Nội
Căn biệt thự Henry Ford cùng vợ sống từ năm 1908 tới năm 1915 được rao bán với giá tầm chỉ 1 triệu USD - khoảng 24 tỷ đồng, tức rẻ hơn nhiều căn biệt thự ở Sài Gòn hay Hà Nội hiện nay.
Tọa lạc tại số 140 phố Edison, ngôi nhà được xây dựng vào năm 1908. Ngôi nhà là nơi ông bà Henry Ford từng đến năm 1915.
Sau đó ông bà quyết định chuyển đến sống tại khu bất động sản Fair Lane ở Dearborn để có thêm sự riêng tư khi chỗ này đã quá nổi tiếng theo danh tiếng của ông chủ hãng xe Ford. Thời điểm đó “mọi người liên tục gõ cửa trước để xin việc”.
Ngôi nhà do bà Clara Ford thiết kế trên mảnh đất 1.100m2, có 5 phòng ngủ, 4 phòng tắm, 1 nhà bếp và phòng khách.
Khuôn viên bao gồm một khu vườn, một nhà kính và một nhà để xe ngựa.
Nhà có một thư viện tư nhân với tủ sách bằng kính, khu ở cho người hầu và một tầng hầm kiêm nhà bếp thứ hai.
Ông bà Jerald và Marilyn Mitchell mua lại ngôi nhà vào năm 1985 và đã dành nhiều năm để bảo trì cũng như khôi phục lại tình trạng nguyên thủy.
Ngôi nhà vừa được ông bà chủ sở hữu hiện tại rao bán.
Nhớ lại kỳ tích Henry Ford
Bằng nỗ lực cách tân, kể từ khi thành lập Ford đã hiện thực hoá ước mơ sở hữu ôtô cho hàng triệu người dân Mỹ.
Henry Ford không phát minh ra ôtô nhưng thế giới gọi Henry Ford là ông trùm của ngành công nghiệp Mỹ. Henry Ford đã thành công trong việc đưa ý tưởng về chiếc ôtô dành riêng cho người giàu thành chiếc ôtô dành cho hàng triệu người dân Mỹ.
Niềm đam mê với hệ thống cơ khí của Henry đưa ông tới thành phố Detroit năm 16 tuổi. Tại đây, ông bắt đầu làm việc với vai trò thợ máy tập sự. Một trong những công việc đầu tiên của ông là ở xưởng cơ khí Flowers Brothers, nơi ông kiếm 2,5 USD một tuần bằng việc gia công van đồng trên máy phay.
Năm 1888, ông kết hôn với Clara Bryant, cô gái cùng quê ở nông trại kề bên. Năm 1891, Ford là kỹ sư làm thuê cho Công ty Điện Thắp sáng Edison của nhà phát minh ra bóng đèn điện Thomas Edison. Công việc này là cơ hội để học hỏi thêm nhiều điều mới mẻ.
Chỉ trong hai năm, Ford được đề bạt lên chức kỹ sư trưởng ở công ty của Edison. Những lúc không làm việc, ông dành thời gian phát triển nguyên mẫu đầu tiên của chiếc xe hơi chạy xăng trong xưởng máy của mình, chiếc Quadricycle động cơ hai xi-lanh, 4 mã lực, chạy xăng được gia cố trong chiếc khung kim loại nhẹ kèm 4 bánh xe trông như bánh xe đạp.
Henry chế tạo cỗ xe thứ hai năm 1898 và bắt đầu thu hút được sự quan tâm của giới doanh nhân.
Tháng 6/1903, Henry Ford và Alexander Malcomson, một người buôn than giàu có ở Detroit, sáng lập ra công ty ôtô Ford với số vốn 28.000 USD. "Tôi sẽ chế tạo ôtô cho đông đảo nhân dân. Giá của nó sẽ thật thấp để bất cứ ai cũng có thể sở hữu".
Ông không chỉ quan tâm đến việc chế tạo những chiếc ôtô hạng sang chỉ người nổi tiếng và giàu có mới có thể chi trả. Ông muốn bán ôtô cho cả những người Mỹ bình thường.
Ngày 1/10/1908, lúc này Ford đang xây dựng ý tưởng chế tạo mẫu xe nổi tiếng nhất của ông, Model T. Chiếc "Tin Lizzie", biệt danh cho loại ôtô rẻ tiền này của Ford, là thành công bất ngờ tới chỉ sau một đêm. Nó dễ điều khiển, có thể đi trong điều kiện đường sá gập ghềnh, và việc bảo dưỡng rất đơn giản. Quan trọng hơn hết, giá của nó phù hợp với túi tiền của tầng lớp người Mỹ trung lưu.
Model T
Chẳng bao lâu sau, Ford nhận được nhiều đơn đặt hàng cho Model T đến nỗi ông không kịp sản xuất. Henry và đội ngũ của ông bắt đầu nghiên cứu kỹ thuật sản xuất của những ngành công nghiệp khác.
Họ quan sát khu làm việc bên trong của những người thợ sửa đồng hồ, thợ làm súng, thợ làm xe đạp và thợ chế biến thịt. Sau đó họ góp nhặt tất cả những ý tưởng đó và tổng hợp lại thành một quy trình sản xuất. Quy trình đó sẽ cách mạng hoá cách họ chế tạo không chỉ ôtô, mà gần như vạn vật ở nước Mỹ.
Lập luận của Ford vào thời đó khá uyên thâm. Ông cho rằng nếu một công nhân ở nguyên một vị trí và thực hiện nguyên một nhiệm vụ, họ có thể chế tạo ôtô với năng suất cao hơn.
Vào tháng 8/1913, ông dùng sợi dây thừng kéo khung của một chiếc Model T ngang qua sàn nhà ở nhà máy tại Michigan, và lắp ráp chiếc ôtô thành công với phương pháp mới. Hệ thống chế tạo mới này không chỉ cắt giảm thời gian sản xuất xuống một nửa. Từ việc làm một chiếc Model T trong 12,5 giờ, nay họ chỉ mất 93 phút.
Tới năm 1922, một nửa số ôtô ở Mỹ là Model T và chúng được bán với giá rất rẻ, chỉ 269 USD. Henry Ford đã thành công!
Henry sau này đã giao quyền điều hành công ty của ông cho cháu nội, Henry II. Ford dành phần còn lại của cuộc đời ông ở đồn điền của gia đình tại Dearborn, Michigan, nơi ông mất ngày 7/4/1947, thọ 83 tuổi.
Henry Ford chưa bao giờ học qua đại học, mãi đến tận cuối đời ông vẫn còn viết sai chính tả. Nhưng nếu đưa cho ông bất kể một đồ vật gì, ông sẽ tháo đến con ốc cuối cùng. Nhiều người thầm cảm ơn cuộc “gặp gỡ” định mệnh với chiếc đầu máy hơi nước. Điều này đã đặt nền móng thay đổi nền công nghiệp xe hơi thế giới.
William Clay Ford, nguyên phó chủ tịch của hãng xe Ford Motor Company và là cháu trai cuối cùng của nhà sáng lập Henry Ford, đã qua đời vào ngày 9/3/2014.