Có lẽ không nhiều người biết rằng Ford đã từng nuôi tham vọng xe điện từ hơn 100 năm trước. Và dù đã giới thiệu không ít mẫu hybrid và xe điện (cả concept lẫn xe sản xuất hàng loạt) trong suốt giai đoạn vừa qua nhưng hãng này vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hiện thực hóa tham vọng xe điện của mình và dẫn dắt thị trường. Hãy cùng điểm lại xem Ford đã và đang làm được những gì trong quá khứ và hiện tại cũng như những động thái để hướng tới tương lai.
Quá Khứ
Ford đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển mẫu EV đầu tiên kể từ năm 1914 với mục tiêu là tạo ra một chiếc xe điện giá rẻ, chỉ 500 USD – cao hơn một chút so với Model T ở thời điểm đó. Henry Ford đã không giấu giếm tham vọng của mình khi cho biết hãng này muốn trở thành một nhà sản xuất xe điện ngay trong năm sau. Cũng theo người sáng lập Ford Motor, vấn đề lớn nhất của dự án này là phát triển những khối pin có mật độ năng lượng lớn nhưng sở hữu trọng lượng nhẹ.
Ban đầu, những khối pin của Ford cho phép các nguyên mẫu EV chạy liên tục 80-161km sau mỗi lần sạc. Ngoài ra, một số nguồn tin còn cho rằng hãng này cũng đã chuẩn bị kế hoạch xây dựng một nhà máy mới ở Detroit để sản xuất chiếc xe điện đầu tay mang logo ‘oval xanh’ dự kiến được giới thiệu vào năm 1915.
Ở thời đại đó, xe điện có một sức hút đặc biệt với phụ nữ. Bởi những chiếc xe chạy xăng khi đó cần tới trục khởi động tay quay và khá nhiều sức lực để nổ máy, trong khi EV thì không cần, đồng thời không thải ra những thứ mùi khó ngửi. Được biết, phu nhân của Henry Ford là một trong những phụ nữ đầu tiên ủng hộ loại phương tiện này.
Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà Henry Ford đã trở thành một người không biết giữ lời hứa khi chiếc xe điện Edison Ford của ông đã không bao giờ đến tay khách hàng. Một số người nhận định rằng nguyên nhân của vở kịch này nằm ở hệ thống khởi động bằng điện thay thế cho trục tay quay, giúp cho những chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong (ICE) trở nên dễ sử dụng. Đây cũng là ưu điểm duy nhất của EV được công nhận ở thời đại đó so với xe ICE.
Giấc ngủ đông dài
4 thập kỷ sau đó, những cuộc bán tán về EV lại trở nên xôn xao khi Ford đạt được nhiều đột phá trong công nghệ pin, đồng thời chính phủ liên bang đưa ra các quy định ban đầu để làm sạch không khí. Theo đó, những khối pin mới sử dụng natri sulfur để thay thế a-xít chì sẽ tích trữ được nhiều năng lượng hơn tới 15% so với công nghệ cũ, giúp gia tăng phạm vi hoạt động và khả năng tăng tốc.
Sau một số tin đồn về việc hãng xe của Mỹ đang nghiên cứu để cho ra một mẫu EV 5 chỗ vào năm 1966, Ford lại bất ngờ giới thiệu chiếc xe điện thử nghiệm mang tên Cormuta vào năm 1967 với kích cỡ của một mẫu minicar. Tại buổi lễ ra mắt, Ford tuyên bố rằng EV sẽ trở thành hiện thực trong 10 năm tiếp theo. Tuy nhiên, người ta đã không được chứng kiến những bước tiến đáng kể nào của Ford trong lĩnh vực này ở thập kỷ sau đó.
Lại thêm 20 năm sau đó
Sau khi chính quyền bang California tái khẳng định mục tiêu không phát thải vào năm 1996, Ford có nhiệm vụ phải sản xuất và bán ra ít nhất vài ngàn chiếc EV vào năm 2003. Và hai model chạy điện tiếp theo của hãng này đã ra đời, đó là Think City microcar và Ranger EV. Trong đó, Think City là thành quả từ việc Ford dùng 23 triệu USD để mua lại Think Global – một công ty xe điện đến từ Na Uy và 100 triệu USD khác để phát triển công nghệ pin. Được biết, mẫu microcar này có thể đạt vận tốc tối đa gần 90km/h và chạy liên tục 85km khi được nạp đầy điện.
Trong khi đó, mẫu bán tải Ranger EV được sản xuất trong giai đoạn 1998-2002 với sự hỗ trợ từ Think Global. Model này được hoán cải từ chiếc Ford Ranger XL 4X2 Regular Cab và có mức giá lên tới gần 53.000 USD. Ban đầu, Ranger EV sử dụng công nghệ pin a-xít chì và sau đó chuyển sang pin nikel hydrua kim loại với dung lượng 26kWh, cho phép nó chạy liên tục gần 130km. Tuy nhiên, chiếc xe đã gặp phải một số vấn đề khá nghiêm trọng, trong đó có việc phạm vi hoạt động bị giảm mạnh sau khi công-tơ-mét cán mốc 40.000 km.
Hiện tại
Sau khi chứng kiến sự thành công của Toyota Prius ở những năm 2000, các nhà sản xuất xe hơi bắt đầu chuyển hướng sang công nghệ hybrid, trong đó là có Ford. Song song với việc phát triển những mẫu xe lai, hãng này vẫn tiếp tục nuôi giấc mơ EV của mình. Đến năm 2009, Ford lại giới thiệu mẫu xe điện tiếp theo mang tên Focus Electric – phiên bản hoán cải từ một trong những model cỡ nhỏ được đánh giá là hấp dẫn nhất trên thị trường.
Hai năm sau đó, Focus Electric đi vào sản xuất với dung lượng pin chỉ 23kWh, giúp chiếc xe đạt cự ly di chuyển hơn 120km. Ngoài ra, mô-tơ điện mạnh 134 mã lực cung cấp sức mạnh ở mức khá, đem đến sự thú vị khi cầm lái. Và với hệ thống quản lý pin tiên tiến, phạm vi di chuyển của chiếc xe luôn được đảm bảo trong cả vòng đời. Đặc biệt, so với những model EV cùng thời thì đây là mẫu xe điện có thiết kế và cảm giác lái tiệm cận nhất với những chiếc xe truyền thống. Điểm trừ lớn nhất của chiếc xe này có lẽ nằm ở khoang chứa đồ hạn chế do phải nhường một phần không gian cho khối pin.
Đáng tiếc là Focus Electric đã không mang về thành công như kỳ vọng và đã bị khai tử vào tháng 4 năm ngoái. Bên cạnh sản phẩm nêu trên, Ford cũng đã trình làng một số mẫu EV khác trong giai đoạn này. Đó là vào năm 2010 khi Ford cung cấp vài trăm chiếc Transit Connect chạy điện.
Tương lai
Vào năm 2015, Ford đã công bố kế hoạch chi 4,5 tỷ USD để đầu tư cho các giải pháp điện hóa, bao gồm xe hybrid, EV, xe tự lái và các dịch vụ di chuyển, qua đó thúc đẩy chương trình xe điện của mình, Ford cam kết 40% các model của hãng này vào năm 2020 sẽ là xe điện hóa. Đến năm 2016, một số thông tin cho biết Ford sẽ cho ra mắt một mẫu EV giá mềm mang tên Model E có phạm vi hoạt động 320km để cạnh tranh với Tesla Model 3.
Tuy nhiên, bất ngờ nhất là vào cuối năm 2017 khi ông lớn của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ hé lộ rằng một thương hiệu con chuyên về xe điện sẽ được thành lập với tên gọi Team Edison. Đến tháng 9 năm ngoái, Ford đã lại gây chú ý khi tung ra bức ảnh về một mẫu crossover chạy điện mang cảm hứng thiết kế của Ford Mustang. Chiếc xe được đặt tên là Mach 1, có khả năng chạy liên tục hơn 480km sau mỗi lần sạc và dự kiến lên kệ vào năm 2020.
Được biết, Ford cũng đã duyệt chi tới 16 tỷ USD để hướng tới mục tiêu cho ra 16 mẫu EV vào năm 2022. Trong đó, Trung Quốc nổi lên như là thị trường hàng đầu. Ngoài xe điện, các model hybrid cũng được chú trọng và sẽ tăng lên đáng kể về mặt số lượng.
Mới đây nhất, hãng này đã hé lộ thông tin về model chạy điện tiếp theo. Đó là phiên bản EV của dòng bán tải F-Series, mẫu xe bán chạy nhất tại thị trường Mỹ trong hơn 40 năm qua.
Làn sóng ô tô điện Trung Quốc bắt đầu tràn về Việt Nam với các mẫu xe cỡ nhỏ. Sau Wuling Hongguang Mini EV, một mẫu ô tô điện cỡ nhỏ khác cũng theo chân về Việt Nam nhưng không rõ nhãn hiệu.
VinFast công bố khởi công nhà máy sản xuất xe điện tại bang Bắc Carolina vào ngày 28/7. Đây sẽ là cơ sở sản xuất xe điện đầu tiên tại Bắc Carolina, đóng góp vào nguồn cung xe điện cho thị trường Bắc Mỹ, thúc đẩy cuộc cách mạng giao thông xanh toàn cầu.
Gần đây, các diễn đàn mạng xã hội lan truyền thông tin, hình ảnh loạt xe máy điện VinFast được chuẩn bị để hoạt động dịch vụ xe công nghệ tại Hà Nội.
Việc so sánh chi phí thuê pin và mua pin xe máy điện VinFast giúp người dùng dễ dàng đưa ra sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính.
Sau khi chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ có hiệu lực, kết quả kinh doanh của thị trường ô tô trong tháng 6 đã có những chuyển biến mang tính tích cực, tuy nhiên vẫn chưa mạnh như những lần áp dụng trước.