Audi gần đây đã tham gia vào một dự án thử nghiệm để đưa kính tái chế vào sử dụng trong quá trình sản xuất cửa sổ của chiếc xe điện Q4 e-tron. Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, công nghệ tái chế được triển khai trên kính ô tô và điều này sẽ giúp nhà sản xuất cắt giảm hàng tấn CO2 thải ra ngoài môi trường mỗi năm.
Nhà sản xuất ô tô nước Đức đang hợp tác với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất kính như Reiling Glas Recycling, Saint-Gobain Glas và Saint-Gobain Sekurit, trong một dự án thử nghiệm nhằm xác định tính khả thi của việc sử dụng sản phẩm tái chế cho cửa kính xe.
Daniel Rottwinkel, Giám đốc Nhà máy tại Reiling Glass Recycling đã đưa ra lời giải thích: “Vật liệu tái chế hầu hết được chuyển đổi thành vỏ chai nước giải khát đơn giản. Tuy nhiên, kính ô tô phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt nhất, chẳng hạn như về độ an toàn khi xảy ra va chạm. Và đương nhiên, một chai nước giải khát không thể nào đạt được những yêu cầu đó”.
Hiện nay, kính chắn gió và cửa sổ bị hỏng hóc tại một số đại lý của VW Group sẽ được gửi đến Reiling Glas để đưa vào xử lý. Chúng sẽ bị nghiền nát thành những mảnh nhỏ và tấm nhựa dẻo, các bộ phận làm nóng và các vật liệu không liên quan khác sẽ được tách ra.
Sau khi trải qua khâu xử lí, những mảnh kính sẽ được vận chuyển đến Saint-Gobain Glass, nơi mà hình dạng tấm kính được hoàn thiện và gửi đến Audi. Hiện tại, các cửa sổ của nhà máy đều có cấu tạo 30 – 50% làm từ vật liệu tái chế.
Nhà sản xuất thủy tinh Saint-Gobain có kế hoạch đưa vào sản xuất 30.000 tấn mảnh vụn thủy tinh tái chế trong vòng 3 năm tới. Điều đó sẽ là động lực giúp họ giảm lượng CO2 thải ra môi trường mỗi ngày từ nhà máy xuống con số chưa đến 75 tấn.
Các công ty sẽ cùng nhau bắt tay vào kiểm tra khả năng tồn tại của kính tái chế xuyên suốt một năm để đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, chi phí và độ ổn định của hệ thống. Nếu mọi tiêu chí đề ra đều được đáp ứng, vật liệu này sẽ được đưa vào sử dụng trong quá trình sản xuất Audi Q4 e-tron.