2022 là năm mà xu hướng cào cào địa hình và cào cào đường phố lên ngôi, tiếp nối xu hướng đó, một loạt các ông lớn làng xe đã cho ra mắt các mẫu xe cào cào thuộc tầm trung và cao.
Điều này đồng nghĩa với những phiên bản cào cào cũ ắt hẳn sẽ phải có những nâng cấp cải thiện về cả ngoại hình cũng như động cơ. Kawasaki KLX230 là một trong số đó với những sự nâng cấp về trang bị, tính năng lẫn động cơ so với thế hệ trước đó.
Kawasaki KLX230 hoàn toàn mới có giá bán từ 145 triệu đồng (ở bản KLX230R) và 151 triệu đồng ở hai phiên bản còn lại là KLX230S và KLX230SM. Hiện tại, phân khúc cào cào 250 phân khối chỉ có duy nhất KLX230 được phân phối chính hãng và đó cũng có thể được xem là lợi thế của mẫu xe nhà Kawasaki.
Sự khác nhau giữa các phiên bản chủ yếu nằm ở dàn chân, như Kawasaki KLX230S và KLX230R được trang bị bộ lốp địa hình cùng vành nan hoa có kích thước trước 21 và 18 inch ở sau. Trong khi bản KLX230SM dùng lốp chuyên về đường trường và cặp vành cùng cỡ 17 inch.
Bên cạnh đó, động cơ của KLX230 là loại xi-lanh đơn, dung tích 233 phân khối, sản sinh công suất cao nhất 20 mã lực tại 8.000 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 21 Nm tại 6.000 vòng/phút đối với mô hình KLX230R.
Trong khi hai phiên bản còn lại là KLX230S và KLXSM có sức mạnh tương đương nhau (19 mã lực tại 7.600 vòng/phút và 19.8 Nm tại 6.100 vòng/phút) nhưng thấp hơn một chút so với KLX230R. Nếu so về sức mạnh với các mẫu xe đối thủ như Honda CRF250 (24.4 mã lực và 22.6 Nm) hay Yamaha WR250R (30 mã lực và 23.7 Nm) thì đây là một điểm yếu của Kawasaki KLX230.
Màn hình tốc độ trên Kawasaki KLX230 mới có thiết kế nhỏ gọn, tương tự trên nhiều dòng xe cào cào khác trên thị trường. Tuy nhiên, dù là dòng xe địa hình, KLX230 vẫn được trang bị đèn pha LED và đây là điểm nhấn so với các đối thủ chỉ dùng đèn chiếu sáng halogen.
Kawasaki KLX230 không được trang bị hệ thống chống bó cứng phanh ABS. Chiều cao yên dao động từ 830 đến 925 mm, tùy phiên bản. Giảm xóc sau là loại Uni Trak có thể điều chỉnh. Riêng phiên bản KLX230R dùng giảm xóc không thể điều chỉnh.