Khoảng 4 triệu xe ô tô cá nhân tại Việt Nam buộc phải lắp đặt camera giám sát hành trình
Nếu đề xuất lần này của Bộ Công an được thông qua thì sẽ có khoảng 4 triệu ôtô cá nhân tại Việt Nam đang lưu thông sẽ phải lắp các thiết bị giám sát hành trình.
Cụ thể, tại Dự thảo lần 4 của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đang lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trước khi trình Quốc hội xem xét, Bộ Công an đề xuất xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông cần có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe.
Những thiết bị này đã có hiệu lực từ 1/7/2023 tuy nhiên chỉ áp dụng với ôtô kinh doanh vận tải. Còn trong đề xuất lần này có cả việc áp dụng cho ô tô cá nhân và nếu trở thành luật thì sẽ có khoảng 4 triệu xe cá nhân tại Việt Nam sẽ phải lắp các thiết bị này.
Quy định hiện hành cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải truyền dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát trên các xe đang lưu thông về hệ thống phần mềm của Cục Đường bộ Việt Nam để phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Hiện nay, gần như các chủ xe cá nhân đều đã lắp camera hành trình để theo dõi, ghi lại hình ảnh xe (phía trước, sau) trong quá trình vận hành và ngay cả khi đang đỗ. Đây được xem là các dữ liệu, cơ sở để giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp lý, bảo hiểm nếu xảy ra va chạm. Nhưng đây là các dữ liệu cá nhân và chủ xe không có trách nhiệm phải chia sẻ cho người khác.
Trên thị trường phụ kiện ô tô thì camera hành trình kha đá dạng với nhiều mức giá khác nhau đến và chục triệu đồng tùy thuộc vào dung lượng lưu trữ, chất lượng hình ảnh, tính năng đi kèm,…
Nếu áp dụng cho xe ô tô cá nhân có thể ảnh hưởng đến quyền tự do và bí mật cá nhân
Theo ý kiến cá nhân, anh Tiến cũng là người sở hữu xe ô tô cho rằng, chỉ thấy đa số các chủ xe ô tô đều lắp camera giám sát hành trình bên ngoài, còn nếu quy định lắp bên trong xe thì chỉ nên dừng ở việc khuyến cáo chứ không nên bắt buộc vì còn liên quan đến vấn đề kinh tế, sở thích, nhu cầu của mỗi người.
Ông Nguyễn Văn Quyền, chủ tịch Hiệp hội ô tô vận tải, cho biết hiện nay doanh nghiệp lắp đặt thiết bị giám sát hành trình chịu hai chi phí gồm: tiền mua thiết bị và tiền trả cho bên cung cấp dịch vụ bảo trì, truyền dẫn, khai thác dữ liệu dao động từ 80.000 - 100.000 đồng/tháng. Do vậy, cần làm rõ mục tiêu của đề xuất cũng như việc quản lý, tích hợp dữ liệu thu thập... đối với ô tô cá nhân.
Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), hiện đã có nhiều chủ phương tiện lắp camera để tự bảo vệ mình trong các tình huống xảy ra sự cố trên đường, có thể chứng minh được đúng hay sai trong các tình huống bất ngờ, lưu lại bằng chứng khi có kẻ gian xâm hại xe.
Bên cạnh đó, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), khẳng định cơ quan chức năng sẽ không thu thập dữ liệu từ các thiết bị này, mà chỉ đề nghị người dân hợp tác, cung cấp khi xảy ra các sự cố trên đường hoặc ghi nhận được các sự cố của xe khác.