Tiện ích, - 15/08/2017 06:28 PM
Theo một khảo sát gần đây của Ford, có tới 38% lái xe tại Việt Nam thừa nhận rằng không thể từ bỏ thói quen sử dụng điện thoại di động kể cả khi đang cầm lái.

Cũng theo khảo sát trên, 75% lái xe cho rằng việc sử dụng điện thoại khi đang di chuyển cùng người thân là việc hoàn toàn bình thường.

Trong số những người sử dụng điện thoại khi đang lái xe, 61% người lái xe dùng để gọi điện thoại cho bạn bè và người thân, 57% để nhận các cuộc gọi và email liên quan đến công việc và 46% để giết thời gian khi tắc đường hoặc dừng chờ đèn đỏ.

Sự buồn chán cũng được coi là một nguyên nhân chủ chốt gây ra tình trạng này, 17% số người được khảo sát thừa nhận họ chỉ sử dụng điện thoại vì “quá chán và chẳng có việc gì khác để làm”.

Đa số người tham gia khảo sát quả quyết sẽ không sử dụng điện thoại khi lái xe trong thời tiết xấu hoặc khi trong xe có trẻ em. Đáng tiếc rằng, họ lại thiếu cảnh giác trong những tình huống còn nguy hiểm hơn, ví dụ như khi nhập làn giao thông (34%) hoặc di chuyển với tốc độ cao trên đường cao tốc (36%).

nhieu-nguoi-viet-dung-dien-thoai-khi-lai-xe-vi-qua-chan

Dù thừa nhận từng nhiều lần xao nhãng khi lái xe, có đến 83% người tham gia khảo sát nghĩ rằng mức phạt đối với hành vi này còn chưa đủ tính răn đe và 79% trong số họ thực sự hi vọng những mức phạt nghiêm khắc sẽ giúp họ cầm lái tập trung và an toàn hơn.

82% các bậc phụ huynh và hơn 87% giới trẻ tại Việt Nam thừa nhận rằng bản thân hoặc người quen của mình đã từng gặp phải tai nạn giao thông do mất tập trung khi đang lái xe. Nữ giới là đối tượng có tần suất sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông lớn nhất với 49% trong số họ không sử dụng các thiết bị kết nối rảnh tay, 31% sử dụng mạng xã hội và 33% thường xuyên bị xao nhãng bởi người đi đường.

Đây là những con số rất đáng báo động, bởi so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có đến 99% người Việt Nam tham gia khảo sát cho biết họ từng tham gia các khóa đào tạo và biết rất rõ tác hại của việc lái xe mất tập trung.

nhieu-nguoi-viet-dung-dien-thoai-khi-lai-xe-vi-qua-chan

Cuộc khảo sát được thực hiện nhằm thu thập dữ liệu phục vụ cho các nghiên cứu về hành vi và thói quen lái xe thiếu tập trung của người tham gia giao thông. Cynthia Williams, Giám đốc – Kỹ sư về An toàn, Môi trường và Phát triển Bền vững của Ford khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho biết: “Điện thoại di động không chỉ gây xao nhãng, chúng thực sự là mối đe dọa đối với sự an toàn của người lái xe khi tham gia giao thông.”

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 1,25 triệu người thiệt mạng và từ 20 đến 50 triệu người khác bị thương bởi tai nạn giao thông. Những người thường xuyên sử dụng điện thoại có nguy cơ gặp tai nạn cao gấp 4 lần so với những người tập trung điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Sử dụng điện thoại di động sẽ làm giảm tốc độ phản ứng của người lái xe, đặc biệt là khả năng thực hiện thao tác phanh và phản ứng với đèn tín hiệu. Điều này sẽ khiến lái xe gặp khó khăn trong việc giữ đúng làn đường và duy trì khoảng cách an toàn với xe phía trước. Nếu lái xe với vận tốc 100km/h, và xao nhãng 10s để gửi một tin nhắn, trong thời gian đó, chiếc xe đã đi một quãng đường lên tới 280m và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tại nạn.

Theo kết quả của cuộc khảo sát, điện thoại di động hiện là nguyên nhân hàng đầu gây xao nhãng cho người tham gia giao thông. Những nguyên nhân tiếp theo lần lượt là những người tham gia giao thông khác và trang điểm. 

  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: bichhang82@gmail.com; Đường dây nóng: 0903.762.768.