Một trong những quốc gia có hệ thống xếp hạng an toàn ô tô khắt khe là Mỹ với hai cơ quan thử nghiệm chính là Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) và Viện Bảo hiểm an toàn đường cao tốc Mỹ (IIHS).
Với NHTSA thì sử dụng hệ thống chấm điểm bằng sao với mức cao nhất là 5 sao trong khi IIHS sử dụng mức đánh giá từ tệ đến tốt. Các bảng xếp hạng thường được công bố với sự áp đảo của các hãng xe hơi Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng tuyệt nhiên không có các thương hiệu nặng ký khác.
Toyota Camry thường có tên trên bảng xếp hạng an toàn của Mỹ sau các cuộc thử nghiệm va chạm.
Vậy có phải những mẫu xe này không an toàn hay không khi mà các mẫu xe muốn được bán ra tại thị trường này phải cung cấp thông tin từ những thử nghiệm va chạm do chính hãng thực hiện cho NHTSA nhằm đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn liên bang. Bên cạnh đó, các mẫu xe không được NHTSA hay IIHS thử nghiệm vẫn phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn tối thiểu của Mỹ.
Thực tế là một số thương hiệu không được 2 cơ quan này tiến hành thử nghiệm độ an toàn, ví dụ như Jaguar F-Pace, Land Rover Discovery và Porsche Macan…Chúng ta đều biết các thương hiệu này nổi tiếng thế nào với sản phẩm của mình nhưng tuyệt nhiên vắng bóng trên các bảng xếp hạng an toàn, lý do chính bởi các hãng xe này không được công khai điểm thử nghiệm an toàn.
Porsche Macan không tiến hành các cuộc thử nghiệm va chạm với những lý do riêng.
Thông tin cho biết, các mẫu xe không được 2 cơ quan nói trên tiến hành các thử nghiệm an toàn vì một số lý do riêng như là số lượng sản xuất hạn chế, xe thể thao, xe hạng sang và van cỡ lớn. Các ô tô thuộc đối tượng kể trên có có chi phí thử nghiệm quá cao, hãy đơn giản tưởng tượng ra viễn cảnh phá nát một chiếc Porsche có giá gần 100.000 USD so với các mẫu xe phổ thông được sản xuất hàng loạt sẽ ra sao.
Thống kê cho biết, gần nửa triệu xe con và SUV bán mỗi năm không được thử nghiệm an toàn bởi NTHSA và IIHS.
Ông Russ Rader, đại diện của IIHS cho biết, người mua có thể tham khảo về tỷ lệ tai nạn và những vụ khiếu nại bảo hiểm đối với các mẫu xe không được công bố xếp hạng an toàn để quyết định mua xe hay không. Những mẫu xe có tỷ lệ tai nạn cao hoặc bị khiếu nại bảo hiểm nhiều đương nhiên sẽ không có sự an toàn cần thiết.
Một điểm lưu ý nữa đối với các khách hàng quan tâm đến các ô tô không nên coi các quy chuẩn đánh giá an toàn của Mỹ là tối thượng bởi tiêu chuẩn an toàn ở mỗi quốc gia đều khác nhau và xe bán ra tại những khu vực khác nhau có thiết kế không hoàn toàn giống nhau. Đơn cử như ở Việt Nam trước đây, nhiều hãng xe đã cắt bớt khá nhiều trang bị an toàn trong đó túi khí là một bộ phận bị tiết giảm nhiều nhất nhằm hạ giá thành sản phẩm khi mà các tiêu chuẩn an toàn còn chưa chi tiết từ cơ quan quản lý.