Năm 2011, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 20, trong đó yêu cầu nhập khẩu xe ôtô 9 chỗ chưa qua sử dụng muốn nhập vào Việt Nam phải có giấy ủy quyền của nhà sản xuất và giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng.
Sau 5 năm triển khai, đến ngày 1/7 vừa qua, Thông tư 20 đã hết hiệu lực. Và hiện tại, các doanh nghiệp kinh doanh ôtô tại Việt Nam đang chờ chỉ đạo của Thủ tướng về việc gia hạn hay gỡ bỏ thông tư này.
Và, hiện có hai trường phái vẫn đang tranh cãi quyết liệt, một bên muốn tiếp tục gia hạn Thông tư 20, một bên muốn gỡ bỏ, mở cửa thị trường.
“Cho người tiêu dùng quyền lựa chọn”
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về những bất cập của Thông tư 20.
VCCI nhận định, trong hai yếu tố cấu thành thị trường ôtô trong nước (cung và cầu), quy định của Thông tư 20 chỉ tác động đến phần cung, mà không ảnh hưởng đến cầu về ôtô của người tiêu dùng Việt Nam.
Theo lập luận của VCCI, khi cung giảm mà cầu giữ nguyên thì giá sẽ tăng, và người tiêu dùng phải trả tiền cho sự tăng giá này. Nếu khoảng chênh lệch giá này được chuyển vào ngân sách Nhà nước (dưới dạng thuế nhập khẩu, phí sử dụng xe…) thì vẫn đạt được mục tiêu kiểm soát lượng xe nhập khẩu, mà lại có tác dụng tăng thu, có thêm tiền đầu tư cho hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, quy định của Thông tư 20 lại khiến cho các doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu ôtô có ủy quyền được hưởng khoản chênh lệch tăng giá này.
Do đó, nếu khẳng định Thông tư 20 có tác dụng trong việc kiểm soát nguồn cung ôtô trong nước, thì hệ quả của nó là các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp nhập khẩu ôtô có ủy quyền sẽ được hưởng lợi nhuận lớn hơn.
Còn nếu cho rằng các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu ôtô có ủy quyền không được hưởng lợi nhuận lớn hơn, thì đồng nghĩa với việc Thông tư 20 không có tác dụng trong việc kiểm soát nguồn cung ôtô trong nước.
“Thông tư 20 đang tạo ra động lực ngược, khiến cho các liên doanh sản xuất ôtô trong nước tập trung nhập khẩu xe từ nước ngoài, thay cho việc nỗ lực sản xuất và nội địa hoá”, VCCI đánh giá.
Cơ quan này cho rằng, Thông tư 20 đã phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp (có uỷ quyền và không có uỷ quyền), qua đó gián tiếp buộc người tiêu dùng chỉ được mua hàng hoá với một lượng doanh nghiệp nhất định, gây hạn chế cạnh tranh.
Đồng thời, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước về cạnh tranh nhưng lại dựng hàng rào, trao quyền cho một số doanh nghiệp nhất định đủ điều kiện được làm, đẩy các doanh nghiệp khác vào thế hoặc bị loại bỏ khỏi thị trường, hoặc muốn buôn xe phải tìm cách lách luật như biến xe mới thành xe cũ, nhập theo đường quà biếu tặng...
“Bãi bỏ Thông tư 20 là cách thức quan trọng để thị trường cạnh tranh lành mạnh, xoá bỏ độc quyền. Hiện thị trường nhập khẩu xe đang nằm trong tay các doanh nghiệp lớn và liên kết với nhau rất chặt chẽ. Bãi bỏ Thông tư 20 làm giảm nguy cơ hình thành các thoả thuận hạn chế cạnh tranh”, VCCI nêu quan điểm.
“Cách tốt nhất để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trao cho họ quyền được lựa chọn. Luật không nên buộc người dân phải vào siêu thị mua sắm vì chất lượng thực phẩm trong siêu thị cao hơn. Người ta có thể mua ở hàng xén, cửa hàng tiện lợi gần nhà”, văn bản của VCCI khẳng định.
“Cái cớ ép doanh nghiệp Việt”
“Thông tư 20 vô lý đến thế sao vẫn tồn tại. Đồng ý là thắt chặt kinh doanh, nhưng đã quản lý thì phải đồng đều, nếu chỉ siết quản lý với trong nước còn doanh nghiệp liên doanh hay dành thị trường cho nước ngoài thì đó là độc quyền, không thể chấp nhận được”, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) bình luận tại một hội thảo mới đây.
Ông nói, điều các doanh nghiệp mong chờ đó là cải thiện môi trường kinh doanh, cởi bỏ các quy định vô lý giúp các doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững.
Trong khi đó, đại diện nhóm 200 doanh nghiệp nhập khẩu ôtô vừa và nhỏ cũng vừa “kêu cứu” với Thủ tướng về Thông tư 20, xem đây như cái cớ cho các hãng xe ép các doanh nghiệp này.
“Đã có những doanh nghiệp trong số chúng tôi làm ủy quyền cho một số hãng, nhưng họ ép về doanh số, giá, chất lượng sản phẩm. Họ cho gì chúng tôi được nhập đấy, không có sự lựa chọn”, đại diện nhóm doanh nghiệp nói.
Trong trường hợp làm tốt, các hãng xe sẽ yêu cầu góp vốn. Nếu nhà nhập khẩu không đồng ý, các hãng có thể cắt uỷ quyền và cấp cho người khác.
Mua xe mới rồi làm cũ, nhập về chịu chi phí cao, đắt hơn xe mới cả trăm triệu đồng, nhưng nhiều khách hàng Việt vẫn mê - đó là nghịch lý trên thị trường ô tô đã tồn tại gần 5 năm qua.
Những thông tin đầu tiên rò rỉ từ Bộ Tài chính cho thấy không chỉ một số đơn vị phân phối thương mại mà cả đại gia xe chính hãng cũng dùng chiêu trò để gian lận thuế. Và việc hai nhãn xe hạng sang chính hãng có khả năng bị truy thu hàng trăm tỉ tiền thuế phần nào cho thấy thông tư 20 về nhập khẩu xe không phải là rào chắn hoàn hảo để ngăn gian lận thuế như nhiều người lầm tưởng.
Như phân tích của Cafeauto trước đây, thị trường xe nhập khẩu sẽ không có thay đổi nhiều, ngay cả khi Thông tư 20 bị bãi bỏ.
Liệu ai sẽ thực sự được hưởng lợi khi tiếp tục duy trì Thông tư 20 về nhập khẩu và kinh doanh ô tô khi mà một chiếc xe có giá trị thực hơn 6 tỷ đồng nhưng qua bảo hiểm định giá do hư hỏng và được hãng nhập về với giá 3 tỷ đồng.
Bà Huỳnh Thị Kim Liên, một doanh nhân ở Nghệ An vừa gửi một bức thư tới Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, tâm sự về những đau khổ của doanh nghiệp với Thông tư 20.