Phát triển ô tô điện không còn là câu chuyện của doanh nghiệp
Trong cuộc họp với Chính phủ và các bộ, ngành giữa tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Vingroup đã đề xuất thí điểm miễn thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ trong 5 năm với ô tô điện.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng đề xuất này của Vingroup là “rất nhỏ bé so với hỗ trợ của các quốc gia cho xe điện”. Theo nguyên Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, để một mũi tên trúng nhiều đích, vừa phát triển công nghệ cao, vừa thúc đẩy giao thông xanh, bảo vệ môi trường, các quốc gia đều có những chính sách rất mạnh tay, từ miễn, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp cho đến hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng.
“Đó là đề xuất của doanh nghiệp, từ phía Chính phủ thậm chí nên ưu đãi nhiều hơn, không chỉ là thuế, phí, nhất là cho các phương tiện công cộng chạy điện. Đặc biệt, Nhà nước rất cần hỗ trợ về hạ tầng sạc điện. Ở hầu hết các nước, hạ tầng đều do Nhà nước xây dựng”, bà Phạm Chi Lan nói.
Nói về sự cần thiết phải đầu tư cho xe điện, bà Phạm Chi Lan cho rằng một nền kinh tế muốn phát triển phải có ngành công nghiệp ô tô. Đây được xem là đầu tàu, kéo theo hàng loạt các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển.
Đặc biệt trong đó, hiện ô tô điện không chỉ đơn thuần là phương tiện giao thông mà đã trở thành sản phẩm công nghệ cao, hội tụ những công nghệ, phát minh tiên tiến nhất, như công nghệ tự lái, IoT kết nối vạn vật, công nghệ pin… Cũng chỉ ô tô điện mới có thể tích hợp không giới hạn các công nghệ tối tân. Việc hàng loạt “gã khổng lồ” công nghệ như Apple, Samsung, Xiaomi, Oppo… lấn sân sang lĩnh vực xe điện cũng là để tìm kiếm những đột phá mới.
“Cạnh tranh giữa các nước ngày nay là cạnh tranh công nghệ. Phát triển xe điện chính là đòn bẩy để đưa công nghệ Việt lên một tầm cao mới”, vị chuyên gia phân tích.
Từ một góc nhìn khác, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng ô tô điện là xu hướng tất yếu của toàn thế giới nhằm giải quyết bài toán cấp bách về môi trường. Việt Nam là quốc gia đã sớm bắt nhịp với xu hướng tăng trưởng xanh, trong đó, giảm phát thải và tái cơ cấu việc sử dụng năng lượng là rất quan trọng.
“Xe điện chính là cơ hội để đạt mục tiêu đó vì xe điện không phát thải. Phương tiện thông minh, ít phát thải đảm bảo đô thị xanh, sạch, đó là tương lai mà chúng ta mong muốn. Đây là cơ hội vàng cho Việt Nam mà chúng ta không thể bỏ qua”, PGS.TS Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo ông, xe điện là một lĩnh vực mới nên cần phải có sự hỗ trợ dành cho những người tiên phong, những người phải đối mặt nhiều khó khăn, thậm chí là thất bại. Muốn Việt Nam có vị trí trên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới thì phải có đòn bẩy chính sách, và không ai có thể làm tốt hơn vai trò này bằng Nhà nước.
“Sự hỗ trợ thể hiện vai trò kiến tạo của Nhà nước, cam kết đồng hành với doanh nghiệp để doanh nghiệp lớn lên, vươn ra thế giới, nâng tầm người Việt. Đằng sau chính sách này là ý nghĩa về chính trị chứ không chỉ đơn thuần là chuyện hỗ trợ kinh tế”, PGS. Tuấn khẳng định.
Cơ hội ghi dấu ấn cho nền sản xuất công nghệ cao của Việt Nam
Theo các chuyên gia, việc Vingroup bước chân vào lĩnh vực sản xuất xe điện cho thấy sự trưởng thành và bản lĩnh của doanh nghiệp Việt, bắt kịp xu thế phát triển công nghiệp, công nghệ toàn cầu. Nhưng một cánh én không thể làm nên mùa xuân, chỉ trông chờ vào nguồn lực của doanh nghiệp thì khó có thể làm nên chuyện lớn, nhất là khi chi phí đang là rào cản khiến người tiêu dùng chưa sẵn sàng chuyển đổi sang xe điện.
Theo chuyên gia ô tô Lê Thọ Phú, đề xuất của Vingroup hoàn toàn không phải là sự đòi hỏi vì quyền lợi riêng bởi các chính sách nếu được thông qua cũng sẽ được áp dụng cho tất cả nhà sản xuất, kể cả hãng xe nước ngoài. Hưởng lợi cuối cùng vẫn là người dùng khi chi phí sở hữu xe giảm xuống. Sự lên tiếng của Vingroup cho thấy trách nhiệm của doanh nghiệp với sự phát triển chung của đất nước khi thời cơ “ngàn năm có một” đang mở ra phía trước.
Việt Nam điền tên mình trên bản đồ công nghiệp ô tô toàn cầu khi thế giới đã đi rất xa với lịch sử hơn 100 năm. Nhưng riêng ô tô điện, lĩnh vực mới chỉ thực sự nổi lên khoảng 10 năm trở lại đây, những hãng tên tuổi nhất cũng vẫn đang trong giai đoạn “khởi động” thì sự nhập cuộc của Việt Nam là rất kịp thời và đúng lúc.
Tuy nhiên, xe điện cũng đang là lĩnh vực có tính cạnh tranh khốc liệt với sự gia nhập của cả các hãng xe truyền thống và các “ông lớn” công nghệ. Sự phát triển và đổi mới của công nghệ trên ô tô điện cũng thực sự thần tốc. Chậm chân một ngày, doanh nghiệp nói riêng và cả nền sản xuất và công nghệ của một quốc gia có thể bị bỏ lại phía sau.
“Chuyến tàu xe điện đã khởi hành với tốc độ rất nhanh. Bỏ lỡ chuyến tàu duy nhất này, Việt Nam sẽ mãi tụt hậu và không bao giờ còn cơ hội sửa sai”, ông Phú nhận định.
Chung quan điểm, TS. Đàm Hoàng Phúc, Phó trưởng Bộ môn Ô tô và Xe chuyên dụng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng xe điện là cơ hội vàng để Việt Nam viết lại kịch bản ngành công nghiệp ô tô thế giới, tránh bị trở thành vùng trũng đi sau các nước như công nghiệp ô tô xăng, dầu. Tiềm năng của ngành công nghiệp xe điện là rất lớn, nhưng chỉ có chính sách đủ mạnh mới kích hoạt được tiềm năng, biến nó trở thành hiện thực.
Theo TS. Phúc, chính phủ các nước như Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan... đang hỗ trợ rất mạnh tay cho ô tô điện bằng các chính sách tạo ra thị trường, khuyến khích tiêu dùng và hỗ trợ nhà sản xuất, hỗ trợ nghiên cứu phát triển. Sự trỗi dậy của ngành công nghiệp sản xuất ô tô điện Trung Quốc, bí quyết không gì khác chính là một chính sách hoàn hảo.
“Chúng ta không có đủ nguồn lực để đổ vào làm ô tô điện như Trung Quốc, nhưng có thể học họ cũng như Thái Lan cách hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển thị trường. Việc này cần phải làm ngay, làm nhanh với những chính sách quyết đoán nếu không sẽ lỡ nhịp”, TS. Phúc kiến nghị.
Sau 10 tuần khai trương tại một số tỉnh thành, hãng taxi Xanh SM đã công bố thông tin khi có hơn một triệu chuyến xe được thực hiện.
Chủ tịch Vingroup đã hé lộ khá nhiều thông tin về VinFast, trong đó có kế hoạch sản xuất một mẫu xe điện siêu nhỏ, nhưng đây chưa phải là mẫu xe duy nhất mà hãng đang nghiên cứu.
Ngày 28/4, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup ban hành nghị quyết về việc giải thể Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix, một công ty con do Vingroup sở hữu 100% vốn điều lệ.
Cụ thể, vừa mới đây trên một hội nhóm trên mạng xã hội FB, một tài khoản tên Nguyễn Kiều Trinh đã đăng bình luận về việc chồng của mình đã có một buổi phỏng vấn với hi vọng sẽ trở thành tài xé lái xe của Taxi Xanh SM nhưng kết quả không như mong đợi.
Từ ngày 14/4, dịch vụ taxi điện với thương hiệu Taxi Xanh SM sẽ đi vào hoạt động đầu tiên tại Hà Nội, đây cũng là bước khởi đầu cho kế hoạch phủ sóng Taxi Xanh SM trong thời gian tới.