Thị Trường, - 03/05/2019 03:06 PM
Là một trong 4 nước có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tương đối phát triển trong khu vực nhưng Việt Nam lại có tỷ lệ nội địa hoá thấp nhất.

Nghị định 116 sau đó là giảm thuế tiêu thụ đặc biệt được cho là những chính sách thúc đẩy tỷ lệ nội địa hoá, thế nhưng đều có mặt trái. 

Tỷ lệ nội địa hoá thấp

Tại báo cáo cập nhật ngành ô tô vừa được công bố gần đây, Công ty chứng khoán VietinBank (CTS) cho biết, hiện tại Việt Nam là một trong 4 nước có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tương đối phát triển trong khu vực nhưng lại là nước có tỷ lệ nội địa hóa thấp nhất, chỉ đạt khoảng 10 – 15% tùy hãng. Trong khi đó các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều có tỷ lệ nội địa hóa lớn hơn 70% nhờ có thị trường lớn hơn.

Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhập linh kiện từ các nước trong khu vực, Trung Quốc và các nước gốc của thương hiệu xe.

Nếu như Thái Lan có tới 710 nhà cung cấp cấp 1 và 1.700 nhà cung cấp cấp 2 thì Việt Nam chỉ có 33 nhà cung cấp cấp 1 và 200 nhà cung cấp cấp 2. Con số này quá khiêm tốt và thậm chí không có sự xuất hiện của các nhà cung cấp tên tuổi.

Lòng tự tôn dân tộc có thể sẽ là yếu tố hỗ trợ đáng kể các hãng xe nội.

Việc phát triển chuỗi giá trị trong nước cũng khó có thể chỉ dựa vào các doanh nghiệp trong nước. Ở Thái Lan, các nhà cung cấp cấp 1 nước ngoài chiếm tới 58% với các tên tuổi lớn như Bosch, Magna, Denso, Toyota Soshoku, Toyota Gosei,...

Cũng theo CTS, những bộ phận trên xe hơi được làm chủ yếu từ sắt thép trong khi Việt Nam vẫn chưa tự chủ được nguồn cung sắt thép phục vụ nhu cầu sản xuất. Ví dụ như những bộ phận phải chịu lực và chịu nhiệt nhiều trong xe hơi như động cơ, hộp số, trục khuỷu... được làm từ những loại vật liệu chuyên biệt như gang xám, gang dẻo, gang cầu, hợp kim nhôm...

Các sản phẩm gang có độ chịu lực gấp từ 3 – 5 lần độ bền của các sản phẩm thép xây dựng thông thường. Việc phải nhập khẩu từng loại vật liệu với số lượng nhỏ cũng làm giá thành tăng lên đáng kể.

Theo Toyota Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa thấp khiến cho giá thành sản xuất của ngành ô tô Việt Nam cao hơn 10% so với các nước khác trong khu vực. Còn nếu theo báo cáo của BMI, giá thành sản xuất xe Ford Fiesta ở Việt Nam cao hơn 20% so với các nước trong khu vực vì lý do tương tự.

Nghị định 116 có hiệu lực từ đầu năm 2018 được coi như là một hàng rào kỹ thuật để bảo hộ ngành ô tô trong nước. Theo nghị định này, các lô ô tô nhập khẩu vào Việt Nam đều phải trải qua khâu kiểm tra an toàn và khí thải thay cho việc chỉ kiểm tra lô đầu tiền của mỗi mẫu như trước kia. Trong khi Việt Nam chỉ có một cơ quan chức năng và việc kiểm tra thường xuyên kéo dài dẫn đến những khó khăn trong nhập khẩu.

Việc dùng biện pháp kỹ thuật để bảo hộ ngành đã vấp phải những phản ứng tiêu cực của các nước trên thế giới và làm ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán EVFTA. Phía EU bày tỏ lo ngại về việc Việt Nam cũng dùng những biện pháp tương tự để đối phó với xe nhập khẩu từ EU khi hiệp định có hiệu lực.

CTS cho rằng, Việt Nam sẽ khó duy trì được những biện pháp kỹ thuật như vậy và sẽ phải có những cách thức khác để tạo lợi thế cho ngành sản xuất trong nước.

Hai mặt của chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đang đề xuất với Thủ tướng về việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thành phần sản xuất trong nước trên xe ô tô của các nhà sản xuất.

CTS cho rằng, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt nếu được áp dụng sẽ là cách giúp gia tăng lợi thế cho doanh nghiệp có khả năng thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa. Sản lượng tăng cao lại tiếp tục giúp cho ngành đạt đủ quy mô đầu tư, sức cạnh của các doanh nghiệp sản xuất trong nước tăng lên.

Tuy nhiên, về phần rủi ro, vẫn có thể thấy rõ sự phụ thuộc của các doanh nghiệp vào cách thức bảo hộ của Chính phủ. Với việc hoạt động nhập khẩu ô tô đang diễn ra mạnh mẽ, đây sẽ là sự đe dọa tới các nhà lắp ráp trong nước trong thời gian sắp tới. Một số hãng lớn như Toyota thậm chí đã tính tới chuyện ngừng sản xuất ô tô tại Việt Nam mà chuyển sang nhập khẩu khi thuế giảm về 0%.

“Nếu như không sớm có những biện pháp kịp thời để giữ chân các nhà sản xuất thì ngành ô tô trong nước sẽ phải chịu những thiệt hại rất lớn” – CTS nhận xét.

Bên cạnh đó, khi nhìn lại những nước có nền công nghiệp ô tô phát triển và tương đối phát triển, có thể dễ dàng nhận thấy được sự ủng hộ của người dân đối với những thương hiệu ô tô trong nước.

Tại Malaysia, hai thương hiệu nội địa của quốc gia này là Proton và Perodua chiếm tới 47% thị phần tiêu thụ xe. Hai thương hiệu của Malaysia cũng thường xuyên được chính phủ dành cho những ưu ái và những chương trình hỗ trợ đặc biệt. Còn tại Hàn Quốc, hai thương hiệu Hyundai và Kia chiếm tới 66% thị phần tiêu thụ.

Do đó, CST cho rằng, hoàn toàn có cơ sở khi Vinfast truyền thông đánh mạnh vào lòng tự tôn dân tộc. Chính phủ cũng hoàn toàn có thể áp dụng những chính sách đặc biệt đối với thương hiệu ô tô trong nước như các nước vẫn thường làm.

(Theo Dân trí)

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.