Tin xe, - 02/03/2017 03:34 PM
Bộ Công Thương đang kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô

Từ ngày 1/1/2018, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước ASEAN về Việt Nam sẽ giảm từ mức 30% hiện nay xuống mức 0%. Khi đó, phân khúc ô tô giá rẻ sẽ giảm mạnh và tạo sức ép rất lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp xe trong nước.

Các nhà sản xuất sẽ buộc phải đặt mình trước quyết định mới: Tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất trong nước hoặc chấp nhận rút khỏi thị trường Việt Nam và chuyển sang nhập khẩu xe về bán vì không cạnh tranh nổi với ô tô nhập khẩu giá rẻ.

o-to-viet-lo-‘that-thu’-khi-thue-bang-0

Áp lực lớn, thu hẹp sản xuất

Ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam cho biết, thời gian qua, Toyota Việt Nam đã cố gắng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong quá trình sản xuất, bao gồm nội địa hóa “tự thân” và mua linh kiện, phụ tùng các nhà cung ứng trong nước.

Tuy nhiên, với những mẫu xe hiện tại thì chi phí mua những mặt hàng mới tăng sẽ làm đội chi phí các sản phẩm xe của Toyota. Để giải quyết khó khăn này, lãnh đạo Toyota Việt Nam cho biết, sẽ phải thu hẹp từ 5 xuống còn 4 dòng xe. “Chúng tôi làm thế để tập trung vào sản xuất những dòng xe có chất lượng hơn”, đại diện Toyota Việt Nam chia sẻ.

Theo đại diện Toyota, từ năm 2018, thuế nhập khẩu từ ASEAN sẽ về 0% và đây là điều có lợi cho người mua, nhưng sẽ là áp lực rất lớn với nhà sản xuất trong nước. “Tôi tin rằng, cơ quan quản lý của Việt Nam sẽ có giải pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với dòng xe lắp ráp và nhập khẩu hợp lý”, ông Toru Kinoshita nói.

Để phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam, đại diện Honda đề xuất Chính phủ cần ban hành các văn bản nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô một cách bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chênh lệch giá xe trong và ngoài nước bằng cách điều chỉnh thuế TTĐB một cách phù hợp.

Trong khi đó, đại diện General Motor (GM) cho rằng, việc đa dạng hóa các thương hiệu và sản phẩm mới là quan trọng. Theo chiến lược của GM, đơn vị này vẫn muốn được sản xuất ở Việt Nam nhưng nhập linh kiện từ Hàn Quốc. Tuy rằng, đây là vấn đề rất khó khăn, nhưng có thể được giải quyết nếu thuế nhập khẩu linh kiện từ Hàn Quốc về Việt Nam giảm.

o-to-viet-lo-‘that-thu’-khi-thue-bang-0

Điều chỉnh cách tính thuế TTĐB

Ông Trần Bá Dương, Tổng giám đốc Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) cho rằng, mặc dù thuế nhập khẩu linh kiện trong khu vực chỉ còn 5% nhưng một số hãng xe vẫn chọn nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Indonesia về bán với mức thuế nhập khẩu 30%. Lý do là, sản xuất ô tô tại Indonesia vẫn rẻ hơn 20% so với Việt Nam. Khi thuế xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN giảm về 0% vào đầu năm tới thì sản xuất trong nước càng khó khăn hơn.

“Các cơ quan quản lý cần xác định nền công nghiệp ô tô có nên tiếp tục phát triển hay không. Nếu có, thì nên như thế nào”, ông Dương đề nghị.

Đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, Bộ Công Thương cần kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ. Nếu không, các nhà sản xuất sẽ đối mặt với nguy cơ không thể cạnh tranh nổi, thậm chí là không thể tồn tại.

Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) nhận xét, giá ô tô ở Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực.

Để phát triển ngành ô tô, Bộ Công Thương đề xuất các nhóm giải pháp như khuyến khích sử dụng ô tô sản xuất trong nước; điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng theo nguyên tắc nhỏ hơn mức thuế nhập khẩu ô tô thành phẩm theo cam kết đã ký.

“Đặc biệt, các bộ, ngành cần nghiên cứu khả năng áp dụng mức thuế TTĐB đối với xe có tỷ lệ nội địa hóa cao, không đánh thuế TTĐB đối với phần giá trị tạo ra trong nước”, ông Hoài đề xuất.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, điều quan trọng là hỗ trợ các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô có điều kiện giảm giá thành sản phẩm. “Bộ Công Thương đang kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh thuế TTĐB, nhất là thuế đối với các linh kiện nhập khẩu”, ông Hải cam kết.

Kỳ vọng được mua ô tô giá rẻ

Không đợi đến năm 2018, ngay từ đầu năm nay, khi mà thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN giảm 10% (từ mức 40% xuống 30%), lượng ô tô nhập từ Indonesia, Thái Lan… đã ùn ùn đổ về Việt Nam. Đáng chú ý, dù không được ưu đãi thuế, nhưng xe Ấn Độ cũng tràn vào Việt Nam với giá cập cảng chỉ 84 triệu đồng/chiếc (chưa bao gồm thuế, phí).

Như vậy, khi thuế tiếp tục giảm về mức 0% vào đầu năm tới, người Việt Nam kỳ vọng giá ô tô sẽ giảm nhiều hơn so với hiện nay.

Xuất khẩu ô tô sang Lào, Campuchia…

Hiện Việt Nam có 12 hãng có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước. Đó là: Toyota, Hyundai, Kia, Mazda, Honda, Chevrolet, Ford, Mitsubishi, Nissan, Suzuki, Isuzu và Mercedes-Benz. Thời gian qua, một số loại sản phẩm cũng đã xuất khẩu sang một số thị trường như Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ…

 

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Gửi thông tin

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến MXH ô tô - xe máy và golf tại Việt Nam xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.