Xe ế vội xả hàng
Chị Đặng Hoàng Lan ở khu đô thị Văn Phú, Hà Đông (Hà Nội), cho biết có đặt mua chiếc Honda CR-V bản L từ tháng 6/2018, tuy nhiên, nhiều lần đại lý cứ hẹn mà không giao xe. Tháng 11/2018, nhân viên bán hàng gợi ý chị nên mua bộ phụ kiện giá 70 triệu đồng thì được lấy xe trước Tết. Chị nhất quyết không đồng ý.
Sang đầu tháng 1/2019, chị cũng không thấy thông tin gì từ phía đại lý, gọi điện hỏi thì nhân viên bán hàng trả lời chị phải chờ sang tháng 2, tức là sau Tết âm mới có xe giao. Xe ít mà khách lại xếp hàng chờ, những ai chấp nhận mua bộ phụ kiện mới được ưu tiên.
Tuy nhiên, ngày 25/1 vừa qua, nhân viên bán hàng gọi điện mời chị đến đại lý nhận xe, giá như công bố là 1,093 tỷ đồng, không cần mua bộ phụ kiện. Nửa tin nửa ngờ, chị phải hỏi lại mấy lần và được nhân viên bán hàng khẳng định chắc chắn, chị mới tin đó là sự thật.
Cũng giống như chị Dung, anh Lê Phong Thanh sống ở Việt Trì (Phú Thọ) kể rằng, do đặc thù công việc, phải đi lại vùng núi Tây Bắc thường xuyên nên anh chọn mua chiếc Toyota Fortuner 2 cầu, máy dầu. Nhưng suốt 3 tháng qua anh không thể nào mua được. Mua đúng giá công bố đại lý nào cũng lắc đầu nói không có xe giao ngay, chấp nhận trả thêm 140 triệu đồng mua bộ phụ kiện thì có xe trước Tết âm lịch. Với khoản tiền chênh quá cao, anh không chấp nhận.
Nhưng sáng 23/1 vừa qua, nhân viên bán hàng đại lý Toyota gọi điện hỏi anh có muốn lấy xe ngay không. Giá bán đúng bằng giá công bố là 1,354 tỷ đồng. Xe giao ngay trong ngày, không bắt buộc mua bộ phụ kiện kèm theo. Anh Thanh ngỡ ngàng. Mấy ngày sau, cậu nhân viên còn bảo nếu đồng ý mua, anh sẽ được hỗ trợ chi phí đi lại để làm thủ tục nhận xe.
Càng đến sát Tết, nhu cầu về ô tô càng giảm mạnh. Một số đại lý bán xe Honda cho hay từ 15/1/2019, giá xe CR-V bán ra chỉ còn chênh 10 triệu đồng so với 50-70 triệu đồng cách đó nửa tháng. Nếu đầu tháng 1/2019, khách hàng lũ lượt đổ đi tìm mua xe thì sau đó lại thưa thớt. Thời điểm này, mọi người quay vào lo chuẩn bị Tết, những khách hàng có nhu cầu thực sự đã mua xe rồi, vì vậy nhu cầu giảm mạnh.
Trong khi đó, cả xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu vẫn tiếp tục đổ về các đại lý theo kế hoạch. Không bán được, xe sẽ phải để tới sau Tết. Tuy nhiên, sau Tết nhu cầu về ô tô thường rất thấp, xe tồn nhiều sẽ phải giảm giá. Vì vậy, thời điểm này đại lý cố gắng đẩy nhanh hàng, bán đúng giá vẫn tốt hơn sau Tết có thể phải giảm giá và tốn thêm chi phí bảo quản hàng tồn kho.
Chính vì vậy, nhiều người trước mòn mỏi đi tìm mua ô tô, nhất là với những mẫu xe ăn khách như Honda CR-V, Toyota Fortuner, Rush,... giờ có cơ hội mua được trước Tết mà không tốn thêm một xu nào chênh giá. Thậm chí, nhiều mẫu xe còn giảm giá hàng chục triệu đồng.
Nỗi đau “bia kèm lạc”
Tuy nhiên, vẫn có người bị ép lấy xe kèm bộ phụ kiện do trước đó ký hợp đồng trot đặt cọc số tiền lớn.
Anh Nguyễn Quế Phương ở Phù Ninh, Phú Thọ cho biết đặt mua chiếc Honda CR-V từ tháng 9/2018. Theo quy định của đại lý thì chỉ cần đặt cọc tối thiểu 20 triệu đồng, nhưng nhân viên khuyên anh nên đặt nhiều hơn, khoảng 50 triệu đồng, thể hiện “thiện chí” mua xe, như vậy sẽ được xem xét giao xe sớm. Vừa rồi đại lý gọi đến giao xe, vẫn bắt phải mua bộ phụ kiện với giá 50 triệu đồng, nếu không sẽ hợp đồng hủy thì mất tiền đặt trước.
Với nhiều khách hàng mua ô tô trước đó, theo diện “bia kèm lạc”, giờ mang nặng tâm lý bị thiệt thòi. Anh Trần Thế Hoan, ở Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy (Hà Nội) kể, đầu tháng 1/2019 mua chiếc Fortuner 2 cầu số tự động, xe bán đúng giá nhưng phải chi thêm 100 triệu đồng để mua bộ phụ kiện, xuất xứ hàng trôi nổi. Bộ phụ kiện này mua bên ngoài giá chỉ khoảng 30 triệu đồng.
“Lúc tôi lấy xe nhân viên bán hàng kêu xe nhập khẩu về rất khó trong lượng khách xếp hàng chờ rất đông, sẽ không có chuyện sau Tết giảm giá. Không ai ngờ mọi chuyện lại quay ngoắt thay đổi trong vòng hơn 2 tuần. Nếu giờ mà mua xe thì chẳng mất đồng phụ kiện nào”, anh than thở.
Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, năm 2018, doanh số bán xe Honda CR-V đạt gần 9.000 chiếc, còn Toyota Fortuner đạt hơn 6.000 chiếc. Chỉ tính bình quân mỗi chiếc khách hàng phải trả thêm 40 triệu đồng, các đại lý đã bỏ túi số tiền 600 tỷ đồng.
Các DN cho hay xe nhập khẩu đang đổ về với số lượng lớn và ổn định. Ước tính năm 2019, mỗi tháng xe nhập về khoảng trên 10.000 chiếc, chưa kể hơn 14.000 xe lắp ráp trong nước tung ra thị trường. Vì vậy, thời điểm sau Tết nguyên đán khi nhu cầu giảm mạnh thì cung vượt cầu và giá xe sẽ giảm.
Đại diện Toyota và Ford Việt Nam đều khẳng định nguồn cung xe nhập như Everset, Fotuner, Rush,... đều khá dồi dào và đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng. Từ tháng 2/2019, người mua không còn phải chờ đợi nữa, xe sẽ được giao ngay trong vòng một tháng. Với các đại lý, nếu vẫn còn những xe sản xuất năm 2018 thì càng phải tính chuyện giảm giá, nếu không để càng lâu càng lỗ nặng.
Theo một số đại lý bán lẻ ô tô, từ đầu quý 4/2018, nhiều mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước tiêu thụ chậm, tồn kho tăng, trong khi xe nhập khẩu về nhiều. Nếu như từ quý 3 trở về đầu năm 2018, mẫu xe nào bán cũng có lãi, thì sang quý 4 nhiều mẫu đã phải bán hòa vốn. Đại lý chỉ thu về số tiền bỏ ra mua xe, hoa hồng cắt hết cho khách hàng. Còn đến thời điểm này, có những mẫu xe phải bán lỗ.
Theo Vietnamnet
Từ ngày 15/8/2023, biển số ô tô, xe máy sẽ được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe. Vì vậy, nhiều người băn khoăn không biết nếu đang sở hữu nhiều biển số thì sẽ như thế nào?
Làn sóng ô tô điện Trung Quốc bắt đầu tràn về Việt Nam với các mẫu xe cỡ nhỏ. Sau Wuling Hongguang Mini EV, một mẫu ô tô điện cỡ nhỏ khác cũng theo chân về Việt Nam nhưng không rõ nhãn hiệu.
Hơn 150 nghìn biển số ở 63 tỉnh, thành phố đã được cục CSGT phê duyệt, và được đăng tải công khai trên cổng thông tin đấu giá trực tuyến.
Sau loạt sản phẩm bị ngừng bán, chỉ còn 3 mẫu xe máy nhỏ đang được các đại lý Suzuki Việt Nam phân phối trên thị trường.
Hầu hết những mẫu xe góp mặt trong danh sách 10 ô tô bán chậm nhất Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 là các dòng xe của các thương hiệu ô tô Nhật Bản. Có hãng chỉ bán được 14 xe.