“Than” khó nhập khẩu để xin ưu đãi
Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2017 (VBF 2017) diễn ra mới đây, các nhóm công tác về ôtô và xe máy, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu và Hiệp hội Doanh nghiệp Bắc Âu đã đồng loạt kiến nghị sửa đổi một số quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, các doanh nghiệp cho rằng quy định doanh nghiệp nhập khẩu ôtô phải cung cấp cho cơ quan quản lý chất lượng bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu được được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài từ ngày 1/1/2018 là chưa phù hợp thực tiễn. Trong khi đó, liên quan đến yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu, các doanh nghiệp cho rằng quy định này không hề có ý nghĩa về mặt quản lý chất lượng mà "chỉ làm lãng phí thêm thời gian và làm tăng chi phí" của doanh nghiệp.
Trước đó, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 116 hồi giữa tháng 10/2017, nhiều doanh nghiệp đã "than" khó và e ngại sẽ phải tạm dừng hoạt động nhập khẩu. Trong trường hợp vẫn tiếp tục nhập khẩu, các hãng cho rằng sẽ phải tốn thêm chi phí và mất thời gian “chờ đợi rất lâu” cho người tiêu dùng.
Với hàng loạt những lý do trên, như thường lệ, các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô kiến nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ. Theo đó, nhóm doanh nghiệp này cho rằng, cần có thêm lựa chọn được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra và cấp chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo chất lượng tại nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô tại nước ngoài.
Đối với quy định về thử nghiệm xe theo từng lô, các doanh nghiệp kiến nghị "cân nhắc bổ sung quy định chỉ thử nghiệm khí thải và an toàn cho lô hàng đầu tiên và chấp nhận báo cáo thử nghiệm cho các lô hàng tiếp theo như quy định hiện hành mà không cần thử nghiệm lại".
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ tiếp tục áp dụng các quy định nhập khẩu và đăng kiểm hiện hành cho những xe nhập khẩu đã được đặt hàng trước thời điểm ban hành Nghị định 116 (ngày 17/10/2017) nhưng sang năm 2018 mới về đến Việt Nam.
“Đổ vạ” Nghị định?
Trên thực tế, từ cuối tháng 11, nhiều doanh nghiệp ô tô có vốn đầu tư nước ngoài đang nhập khẩu xe từ Thái Lan và Indonesia như Ford Việt Nam, Toyota Việt Nam hay Honda Việt Nam đã “viện” lý do vướng Nghị định 116 nên việc bán một số mẫu xe được nhập khẩu nguyên chiếc trong tháng 1 và tháng 2/2018 sẽ gặp khó khăn bởi chưa thể nhập khẩu được xe trong thời gian này.
Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là không phải chờ tới tháng 11 mà từ trước đó, lượng xe nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất thuộc khối ASEAN là Thái Lan và Indonesia về Việt Nam có xu hướng giảm sút đáng kể.
Số liệu thống kê cho thấy, nếu như lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong tháng 8/2017 từ Indonesia và Thái Lan là 2.053 chiếc và 2.967 chiếc thì sáng tháng 9 chỉ còn 320 chiếc và 2.765 chiếc tương ứng. Sang tháng 10, con số này tiếp tục giảm xuống còn 261 chiếc và 2.291 chiếc được nhập khẩu; và tới tháng 11, con số tương ứng là 550 chiếc và 1.300 chiếc.
Ở một góc nhìn khác, giới chuyên gia am hiểu thị trường ô tô cho rằng, lý do thực sự khiến nhiều hãng ô tô dừng nhập khẩu có thể là để chờ đợi giảm thuế từ đầu năm sau chứ thực chất không phải do bị “kìm kẹp” bởi quy định hiện tại. Hiện mức thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN là 30% và theo lộ trình, từ đầu năm 2018, mức thuế sẽ giảm về 0%.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) cho rằng: “Năm 2018 là cột mốc mà thuế nhập khẩu xe từ ASEAN (đáp ứng đủ 40% nội địa hóa) sẽ về 0%. Việc một số doanh nghiệp hiện tạm dừng nhập hàng trong những tháng cận kề cuối năm cũng dễ hiểu. Ngay Thaco cũng không cớ gì đi nhập khẩu xe trong năm 2017 để đóng thuế 30%, sau đó qua năm 2018 lại cạnh tranh với chính mình khi chỉ chịu thuế nhập khẩu 0%”.
Một thực tế khác cũng được chỉ ra rằng, thị trường hiện tại không thực sự khan hàng, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn đang phải đua giảm giá để xả hàng tồn.
Theo ông Trần Bá Dương: “Năm 2016, thị trường ô tô quá khởi sắc, các doanh nghiệp đều xây dựng một kế hoạch tăng trưởng khá cao. Tuy nhiên, sang 2017, thị trường lại không tăng trưởng bởi người mua chờ thuế giảm và lý do lớn hơn là khả năng mua sắm của người dân giảm sút. Vì vậy, khi các doanh nghiệp nhập khẩu số lượng lớn, dẫn đến hàng tồn. Nếu không bán hết, sang năm giảm thuế, sẽ có nguy cơ lỗ nên các hãng xe thi nhau giảm giá, nhiều doanh nghiệp đã giảm giá đến mức bằng với giá khi tính thuế nhập khẩu 0%”.
Quay trở lại với Nghị định 116/2017, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, Chính phủ cần phải kiên định với chính sách nhằm người tiêu dùng khi yêu cầu sản phẩm phải có xuất xứ, tiêu chuẩn rõ ràng, công nghệ không lỗi thời.
Bên cạnh đó, yêu cầu kiểm định theo từng lô đối với xe nhập khẩu chưa qua sử dụng có thể gây cản trở nhất định tới doanh nghiệp kinh doanh nhưng thực tế việc kiểm định theo từng lô không đến mức quá phức tạp và tốn kém. Đổi lại, người tiêu dùng có thể yên tâm khi mua xe bởi quyền lợi sau đó luôn được đảm bảo và đặt lên hàng đầu.
Theo chủ một hãng xe nhập chia sẻ, việc kiểm định từng lô vô cùng đơn giản, không phải chạy thử 3.000-5.000 km. Họ lấy một chiếc chạy thử một quãng đường vài trăm mét, rồi kiểm định khí thải, tổng chi phí 30 triệu đồng. Thời gian chờ chỉ nằm trong khoảng 2 tuần tới một tháng. Như vậy, đối với những hãng xe về mỗi lô hàng trăm, hàng nghìn xe, chi phí cộng vào giá bán không đáng kể.
“Việc các hãng xe liên tục có những văn bản nghị nêu khó khăn về nhập khẩu cũng chính là phép thử, để xem sự kiên định và khả năng điều hành của Chính phủ về chính sách có bị lung lay hay không. Thực tế, yếu tố cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô là điều mà bất kỳ đơn vị nhập khẩu nào đều phải làm. Quy định này giúp giải quyết vấn đề tồn tại lâu nay trên thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh tình trạng nay mua xe ở đại lý này, ngày mai họ đóng cửa”, một vị chuyên gia cho hay.
Nếu được, có thể sắp tới sẽ giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô kéo dài đến hết năm 2023 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đang được Bộ Tài chính nghiên cứu để đề xuất xuất tiếp tục giảm thuế suất cho ô tô điện và hybrid.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam - VAMA đã kiến nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ với dòng xe HEV, PHEV.
Bước sang năm 2023, dự kiến Porsche Taycan sẽ có giá bán niêm yết thấp hơn khoảng 700 triệu đồng so với bản hiện tại đang bán, tuy nhiên thời gian giao xe vẫn là ẩn số.
Cùng với việc được giảm 50% lệ phí trước bạ, bắt đầu từ tháng 12.2021 ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước tiếp tục được gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo nội dung Nghị định 104/2021/NĐ-CP.