Thị Trường, - 20/07/2016 05:36 PM
Mỗi khi các “ông lớn” trong lĩnh vực ô tô vận động chính sách, doanh nghiệp nhỏ liên tục bị chỉ trích. Viễn cảnh về một môi trường kinh doanh ô tô công bằng vẫn còn khá xa.

Kinh doanh ô tô - môi trường không công bằng

Còn nhớ, 5 năm về trước, khi Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công thương ra đời, một cuộc tranh cãi bùng nổ giữa các nhà nhập khẩu ô tô không chính hãng và các doanh nghiệp lắp ráp trong nước, doanh nghiệp nhập khẩu xe lớn.

Kết quả trong 5 năm qua ai cũng thấy rõ, chiến thắng thuộc về “phe mạnh” khi Thông tư 20 quy định rằng, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô mới nguyên chiếc phải có giấy uỷ quyền là nhà nhập khẩu, phân phối của chính hãng sản xuất, nếu không thì phải có hợp đồng đại lý chính hãng. Ngoài giấy tờ trên, các doanh nghiệp phải có Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp.

Nhập-khẩu-xe-Mũi-dùi-lại-chĩa-vào-doanh-nghiệp-nhỏ?

Quy định này đồng nghĩa với việc, một loạt các doanh nghiệp nhỏ phải bỏ cuộc chơi vì họ không có cách nào đáp ứng được quy định của Thông tư 20. Theo thông báo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hà Nội hồi giữa tháng 6/2016, đã có 90% doanh nghiệp nhỏ lẻ tham gia kinh doanh xe nhập khẩu mới phải dừng kinh doanh do sự bất bình đẳng mà Thông tư 20 tạo ra.

Sau 5 năm, với sự ra đời của Luật Đầu tư 2014, Thông tư 20 đã hết hiệu lực vào ngày 1/7/2016 và tới nay chưa có văn bản thay thế. VCCI, đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, cho rằng không nên có một thông tư tương tự như vậy về quản lý xe nhập khẩu, bởi hai quy định nói trên thực chất là “điều kiện kinh doanh dưới luật”- điều mà cấp bộ không được phép quy định.

Mặt khác, cũng theo cơ quan này, bên cạnh việc tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh, Thông tư 20 đã khiến số doanh nghiệp tham gia thị trường nhập khẩu ô tô mới bị giảm đi, và giá xe nhập khẩu trong 5 năm qua liên tục bị đẩy lên cao. Người tiêu dùng trong nước chính là người chịu thiệt thòi nhất.

Doanh nghiệp nhỏ dễ bị “bóp”

Trùng vào thời điểm Thông tư 20 hết hiệu lực cũng là giai đoạn Chính phủ đang chỉ đạo rà soát loại bỏ điều kiện kinh doanh khiến cho nhiều doanh nghiệp lại “ngóng” có cơ hội tham gia một thị trường công bằng hơn. Nhưng khi doanh nghiệp nhỏ đang hồi hộp chờ đợi một sự thay đổi chính sách thì một loạt đại diện các ông lớn trong ngành sản xuất kinh doanh ô tô tại Việt Nam đã phản ứng gay gắt.

Gần như ngay lập tức, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội các nhà nhập khẩu ô tô (VIVA), Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, Trường Hải… thậm chí còn gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ để đề nghị giữ lại các quy định của Thông tư 20, và đề nghị phải có một Nghị định để quy định về vấn đề này.

Lý do mà các ông lớn này đưa ra, vẫn giống hệt thời điểm 5 năm trước đây: Lo ngại các doanh nghiệp nhỏ tham gia sân chơi sẽ khiến quy hoạch sản xuất ô tô bị phá vỡ, lo ngại chất lượng xe, lo ngại hành vi gian lận thương mại, lo ngại nhập siêu, lo ngại cơ sở hạ tầng không đáp ứng được, lo ngại quyền lợi của người tiêu dùng không được đảm bảo…

Cơ quan quản lý về chính sách xuất nhập khẩu hàng hoá cũng ủng hộ quan điểm này. Theo đại diện của Bộ Công thương, nếu các điều khoản của Thông tư 20 bị  bãi bỏ, xe nhập khẩu về ồ ạt trong khi đây là mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu sẽ dẫn tới quy hoạch sản xuất bị phá vỡ và sức ép lên cơ sở hạ tầng giao thông ngày một lớn. Đó là chưa kể tới thời điểm năm 2018, khi thuế nhập khẩu xe ô tô từ các nước trong khu vực được giảm về 0%, lượng xe nhập khẩu sẽ còn nhiều hơn nữa.

Cần môi trường minh bạch

Tuy nhiên, ngược lại với mong muốn của các nhà sản xuất kinh doanh lớn trong nước, các chuyên gia kinh tế, cộng đồng người tiêu dùng lại rất hoan nghênh việc Thông tư 20 bị bãi bỏ. Tiến sĩ Ngô Trí Long, Nguyên viện trưởng Viện Khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nói rằng, trước khi nói tới những lo lắng của các doanh nghiệp lớn, thời điểm này Việt Nam cần có một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, không bị chồng chéo bởi các điều kiện kinh doanh.

Nhập-khẩu-xe-Mũi-dùi-lại-chĩa-vào-doanh-nghiệp-nhỏ?

“Nhiều người lo ngại việc bỏ Thông tư 20 sẽ khiến cho xảy ra điều này điều nọ. Nhưng họ quên rằng, bối cảnh ra đời Thông tư 20 và hiện nay đã khác nhau, quy mô thị trường đã khác. Không thể tập trung quyền nhập khẩu chỉ vào một số doanh nghiệp, dễ gây ra lũng loạn giá, bóp méo thị trường. Bức tranh về giá ô tô khi thị trường rơi vào một số doanh nghiệp nhập khẩu đã cho thấy điều đó”, Tiến sĩ Long nói.

Chuyên gia này còn đặt câu hỏi liên quan tới việc doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa nhập khẩu thì  chính sách có kích thích họ nội địa hoá được không? Hơn nữa, theo các chuyên gia, việc các doanh nghiệp lớn “vẽ đường” cho các cơ quan quản lý là thừa, bởi hơn ai hết các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có phương pháp để quản lý việc sử dụng ngoại tệ,  hành vi trốn thuế, hành vi gian lận thương mại, kiểm tra chất lượng sản phẩm…

Việc các doanh nghiệp lớn “hăng hái” bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là việc đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, khi người tiêu dùng bỏ tiền ra mua sản phẩm của một doanh nghiệp, họ sẽ biết đồng tiền của mình đã được sử dụng hợp lý hay không.

Một giả thiết đặt ra, những nhà nhập khẩu không chính hãng nếu cung cấp sản phẩm chất lượng dở, hậu mãi kém, thì dù sản phẩm giá rẻ cũng không hấp dẫn được người tiêu dùng nên họ đâu phải là mối lo?

Còn về phần người tiêu dùng, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý dường như đang lo lắng hơi… thừa, bởi họ sẽ biết cân nhắc mua xe nhập khẩu chính hãng hay không chính hãng.

Xét cho cùng, khi có tiền và có nhu cầu, không mua được xe nhập khẩu thì người tiêu dùng vẫn mua xe lắp ráp trong nước. Lúc đó đường vẫn tắc, chẳng lẽ doanh nghiệp nhập khẩu ô tô không chính  hãng lại bị mang ra làm đối tượng để… đấu tố? 

Phản ứng từ các phía trong  suốt 1 tháng qua cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ đang có xu hướng “lép vế” khi chẳng có một diễn đàn nào để nói lên tiếng nói của mình, y hệt thời điểm Bộ Công thương có dự thảo Thông tư 20 hồi năm 2011. Đã đến lúc doanh nghiệp nhỏ cần được coi trọng hơn, thay vì chỉ nghĩ họ là những người làm rối thị trường hay chỉ nhăm nhăm trốn thuế.

Vấn đề quan trọng ở thời điểm này không chỉ dừng lại ở việc thị trường ô tô nhập khẩu cạnh tranh ra sao, giá cả thế nào mà làm thế nào để tạo một môi trường kinh doanh công bằng, không bị các điều kiện phi thị trường ràng buộc.  

 

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.