Một số doanh nghiệp nhập khẩu hoặc đang có sản xuất ở ASEAN và nhập hàng về Việt Nam cho rằng quy định mới với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô chặt chẽ và khó khăn cho các nhà nhập khẩu.
VAMA “phản ứng”, kêu khó
Mới đây Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ô tô đã chính thức có hiệu lực từ 17/10/2017. Liên quan đến một số nội dung tại Nghị định, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã gửi kiến nghị lên các cơ quan chức năng và cho rằng những vướng mắc mới có thể sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, tốn kém chi phí, người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Cụ thể, VAMA cho biết, với quy định doanh nghiệp nhập khẩu phải cung cấp bản sao Giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở nước ngoài là “vấn đề lớn” đối với doanh nghiệp vì Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu không tồn tại ở nhiều quốc gia. Góp ý trước đó của VAMA từng cho biết, quy định này sẽ vi phạm quy định của WTO về thuận lợi thương mại khi có thể được hiểu là hàng rào phi thuế quan nhằm hạn chế xe nhập khẩu.
Theo đó, VAMA kiến nghị nên quy định “Ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra theo quy định đối với từng lô xe nhập khẩu (không cần thử nghiệm). Mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại ô tô nhập khẩu phải được kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật theo quy định”.
Tại điểm a, Khoản 2, Điều 6 của Nghị định cũng quy định, ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu, phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra, thử nghiệm đối với từng lô. Mỗi lô xe nhập về sẽ phải lấy mẫu đem đi kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. VAMA cho rằng, điều này dẫn đến các xe cùng kiểu loại sẽ phải thử nghiệm lại vì nằm ở các lô khác nhau, quy định không có ý nghĩa về mặt chất lượng, chỉ làm kéo dài thời gian thông quan và làm lãng phí chi phí của xã hội.
VAMA cũng kiến nghị nội dung Nghị định 116 yêu cầu phải có đường chạy thử dài tối thiếu 800m với doanh nghiệp sản xuất lắp ráp vì cho rằng quy định sẽ khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn khi tìm đất để làm đường thử mới hoặc đường thử mở rộng.
Do đó, VAMA đề nghị Chính phủ chấp nhận phương pháp thử thay thế, dành cho các nhà sản xuất không đủ đất và không hồi tố yêu cầu mới, với các nhà đầu tư đã hoạt động ở Việt Nam trước khi Nghị định này có hiệu lực…
Không muốn sản xuất, chỉ muốn nhập khẩu
Trong khi VAMA với các thành viên như Ford, Honda, Mercedes-Benz… cho rằng các quy định trong Nghị định 116 khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, người tiêu dùng bị ảnh hưởng, ý kiến một số doanh nghiệp sản xuất trong nước lại ngược lại, họ cho rằng, Nghị định đã thoả mãn được phần nào mong muốn của nhà nước, lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.
Liên quan đến Giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại ô tô nhập khẩu, ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty Ô tô Hyundai Thành Công cho biết, với xe nhập khẩu nếu không có yêu cầu chứng nhận kiểu loại thì cơ quan đăng kiểm không thể kiểm tra để kiểm tra, thử nghiệm được tất cả các vật tư dùng trên xe, vì thiết kế đó đăng kiểm Việt Nam sẽ không làm lại việc của cơ quan của nước sản xuất xe đó, họ chỉ làm công việc kiểm định phù hợp tại Việt Nam.
“Để xuất khẩu sang một quốc gia khác thì phải chấp nhận các yêu cầu của nước đó, doanh nghiệp có thể mang xe đến các trung tâm tổ chức thử nghiệm quốc tế được công nhận để làm và lý do VAMA đưa ra không thuyết phục. Hyundai Thành Công nếu xuất khẩu cũng xác định đối mặt với các quy định của nước xuất khẩu để bán được hàng”, ông Đức nói.
Trước quan điểm của doanh nghiệp FDI cho rằng có sự phân biệt đối xử, chính sách là chỉ dành cho các doanh nghiệp lắp ráp ô tô Việt Nam, phân ra là nhập khẩu và lắp ráp, đại diện Huyndai Thành Công nói: “Các doanh nghiệp FDI hãy đầu tư đi, làm nhà máy, mở rộng sản xuất để lấy ưu đãi. Bản chất là họ không muốn sản xuất và chỉ muốn nhập khẩu, và điều đó không ưu tiên vì bám theo chiến lược phát triển sản xuất tại Việt Nam”.
Đồng quan điểm ông Bùi Kim Kha, Phó Tổng giám đốc Thaco cũng cho biết, doanh nghiệp cần cung cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu khi làm thủ tục kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô chưa qua sử dụng để đảm bảo chất lượng của xe nhập khẩu, hạn chế ô tô kém chất lượng từ nước ngoài,nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng và đồng thời cũng tạo sự bình đẳng với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Về việc kiểm tra chất lượng đối với từng lô, ông Kha cho biết việc này là cần thiết vì nếu chỉ kiểm tra, thử nghiệm các lô xe đầu tiên và không kiểm tra các lô xe tiếp theo thì không thể kiểm soát được chất lượng của các lô xe tiếp theo đó (linh kiện, kết cấu thùng hàng, kết cấu xe có thể sẽ thay thế linh kiện kém chất lượng, không đảm an toàn, không đáp ứng được quy định).
“Việc chạy thử xe sau khi sản xuất, lắp ráp là một việc rất quan trọng, đảm bảo cho xe đạt chất lượng trước khi xuất xưởng, nếu đường thử xe không đáp ứng được tiêu chuẩn, không bố trí được các địa hình thử theo quy định sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của xe xuất xưởng”, ông Kha nêu quan điểm.
Cũng theo ông Kha, việc đầu tư làm đường thử mới hoặc mở rộng quy mô đường thử thể hiện việc gắn bó lâu dài của doanh nghiệp đối với hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong tình hình thuế nhập khẩu giảm, các doanh nghiệp sẽ hướng đến nhập khẩu nguyên chiếc hơn là chú trọng sản xuất lắp ráp, ảnh hưởng đến công việc của người lao động, nguồn thu của ngân sách.
Theo Trí thức trẻ
Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam và Doanh nghiệp Dịch vụ Logistic Việt Nam vừa kiến nghị với thủ tướng có làn kiểm định riêng với xe dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải thuộc diện được giãn chu kỳ đăng kiểm.
Cục Đăng kiểm Việt Nam đã nhắc nhở Trung tâm đăng kiểm 29-25D về sự cố khi đề nghị khách hàng phải ký cam kết chịu trách nhiệm nếu động cơ bị hư hỏng.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Gruzdev đã trao đổi một số nội dung liên quan đến việc thúc đẩy thực hiện Nghị định thư hợp tác về ôtô và giải pháp xử lý một số vướng mắc về việc sớm cấp cho Liên doanh GAZ Thành Đạt giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ôtô cũng như phê duyệt kế hoạch sản xuất năm 2021 của Liên doanh.
Trong dự thảo sử đổi nghị định 100/2019, mức phạt đối với hành vi người điều khiển xe ô tô không mang theo giấy phép lái xe (GPLX), đăng ký xe tăng lên mức 500 nghìn đồng.
Quên không mang theo hoặc cố ý điều khiển xe khi chưa có bằng lái cùng một số trường hợp vi phạm khác đều bị xử phạt với mức phạt dao động có thể lên tới 12 triệu đồng.