Indonesia chiếm lĩnh
Trước đây các hãng ô tô thế giới vẫn đánh giá Việt Nam là điểm đến đầy tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan. Nhưng giờ đây vị trí này đã về với Indonesia. Theo hãng tin AFP, Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia M.S Hidayat vừa cho hay kinh phí nâng cấp Nhà máy Renault-Nissan ở Cikampek (Tây Java) của Nissan sẽ cao hơn dự tính ban đầu 100 triệu đô la Mỹ. “Nhà máy sẽ tăng năng lực sản xuất từ 100.000 xe lên 250.000 xe mỗi năm vào năm 2014”, ông Hidayat nói và cho biết dự án này sẽ được triển khai trong năm nay.
Thông báo này được đưa ra ngay sau khi Honda cũng vừa công bố việc xem xét xây dựng một nhà máy xe hơi mới tại Jakarta với vốn đầu tư khoảng 337 triệu đô la Mỹ, gấp ba công suất nhà máy hiện tại của Honda tại Indonesia, lên 180.000 xe. Nhà máy này nhắm sản xuất dòng xe nhỏ như Brio phục vụ cho thị trường Asean.
Trong khi đó, ở thị trường Việt Nam, Honda cho rằng họ chưa khai thác hết dây chuyền nhà máy ô tô 60 triệu đô la Mỹ của mình tại Vĩnh Phúc nên chưa có kế hoạch gì cho việc đầu tư thêm. Và hiện tại Nissan cũng chưa có được một nhà máy chính thức tại Việt Nam mà chỉ lắp ráp xe của mình tại Công ty liên doanh Sản xuất ô tô Hòa Bình (VMC) hoặc nhập một số xe nguyên chiếc về phân phối.
Công nghệ phụ trợ yếu kém và chính sách bất cập
Ông Akito Tachibana, nguyên Tổng giám đốc Toyota Việt Nam (TMV), nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cho biết việc Toyota chọn Indonesia là điểm đầu tư là bởi thị trường ở đây lớn hơn rất nhiều so với thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Tachibana một lý do khác là ngành công nghiệp phụ trợ của Indonesia rất phát triển, thuận lợi hơn cho việc phát triển ngành công nghiệp ô tô. Mà điều này thì Việt Nam lại đang rất yếu.
Một nguyên nhân khác, theo các hãng ô tô, là họ nhìn thấy các nhà làm chính sách ở quốc gia đông dân Indonesia rất quan tâm phát triển những ngành công nghiệp tạo nhiều việc làm cho người dân. Trong khi đó, công nghiệp ô tô là một ngành thu hút rất nhiều nhân lực bởi nó kéo theo sự phát triển của công nghiệp phụ trợ và các ngành sản xuất khác như thép, điện tử, hóa chất, nhựa... Không những vậy đây là ngành sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao.
Ngược lại, tại Việt Nam, trong số 18 thành viên của VAMA, có 12 đơn vị là liên doanh giữa doanh nghiệp trong nước với các hãng Toyota, Ford, Honda, Mercedes-Benz, Suzuki, Mitsubishi... với tổng vốn đăng ký không đến 1 tỉ đô la Mỹ. Mặc dù nguồn vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đổ vào ngành công nghiệp ô tô từ những năm 1995 nhưng đến nay, hầu hết các dự án đầu tư chỉ mới dừng lại ở mức lắp ráp sản phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa. Chưa có nhà sản xuất ô tô nước ngoài nào tỏ ý muốn đầu tư sâu hơn vào ngành ô tô vì cho rằng công nghiệp phụ trợ trong nước yếu kém cũng như chính sách và chiến lược phát triển ngành chưa rõ ràng và không ổn định.
Trước đây, Toyota đã có ý định phát triển mẫu xe Innova tại Việt Nam. Song, chính sách tại Việt Nam liên tục thay đổi đã làm nhà đầu tư này nản lòng. Hơn 10 năm trước, Ford cũng coi Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn nhưng nay họ cũng không có kế hoạch gì ở Việt Nam mà tập trung vào Thái Lan, Philippines...
Ông Sakae Yoshida, Giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TPHCM, thừa nhận trận lũ lụt lịch sử tại Thái Lan vào tháng 10 và 11-2011 dẫn đến nhiều cơ sở sản xuất ô tô cũng như phụ tùng Nhật tại Thái Lan bị ảnh hưởng nặng nề, phải mất rất nhiều tiền lẫn công sức để phục hồi, nhưng theo quan sát và tìm hiểu của ông thì các nhà sản xuất ô tô của Nhật tại Thái Lan không có ý định dời đến Việt Nam. Theo ông Yoshida, đó là do Thái Lan đã phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ ô tô rất vững chắc cũng như chính sách phát triển ô tô của chính phủ nước này rất tốt.
Chuyển sang nhập khẩu?
Nhận định về thị trường ô tô Việt Nam vào năm 2018 - thời điểm giảm thuế hoàn toàn, cựu Chủ tịch VAMA Akito Tachibana dự báo rằng thị trường nhiều nhất chỉ còn khoảng ba doanh nghiệp ô tô có vốn đầu tư nước ngoài trụ lại Việt Nam. Lúc đó, cũng giống như lĩnh vực điện tử thời gian qua, khi hàng rào thuế quan bảo hộ sản xuất trong nước không còn, các hãng điện tử ngay tức khắc rút khỏi Việt Nam và chuyển sang nhập khẩu hàng nguyên chiếc về phân phối. Câu chuyện Sony rút khỏi nhà máy sản xuất ở Việt Nam, chuyển sang nhập khẩu phân phối sản phẩm là một bài học được các chuyên gia cho rằng cần phải rút kinh nghiệm.
Với thuế suất thuế nhập khẩu ô tô chỉ còn 50% vào năm 2014 và giảm còn 0-5% vào năm 2018, xe nhập khẩu nguyên chiếc, theo các doanh nghiệp trong ngành, sẽ có lợi thế hơn so với xe sản xuất trong nước. Điều này lý giải vì sao hầu hết các liên doanh đều đã bổ sung chức năng phân phối xe nhập khẩu vào hoạt động của mình kể từ khi Việt Nam chính thức mở cửa thị trường phân phối cho nhà đầu tư nước ngoài.
Một số hãng đã ngưng lắp ráp hoàn toàn nhiều dòng xe tại Việt Nam, chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Thái Lan, hoặc Indonesia về phân phối. Nhờ ưu thế bán hàng nhập khẩu chính hãng, có hệ thống dịch vụ sau bán hàng tốt và không phải cạnh tranh với các nhà nhập khẩu thương mại thuần túy, thị trường ô tô Việt Nam trong tương lai được dự báo vẫn thuộc về các liên doanh, nhưng là xe nhập khẩu.
Trong thời gian tới, công nghiệp ô tô Việt Nam được cho là khó có thể phát triển mạnh và đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Các hàng rào kỹ thuật cũng không thể ngăn cản lượng xe nhập đổ vào, bởi Việt Nam là quốc gia đi sau với khoa học công nghệ chậm phát triển. Do vậy, các tiêu chuẩn kỹ thuật đưa ra cũng không ngăn nổi các quốc gia có công nghệ hiện đại hơn. Theo các chuyên gia trong ngành, từ nay đến năm 2018 chỉ còn chưa đầy bảy năm nữa, thời gian không còn nhiều nếu nhìn lại những gì đã làm được trong hơn 15 năm qua kể từ khi các nhà sản xuất ô tô nước ngoài vào Việt Nam. Chắc chắn một số hãng xe sẽ chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc thay vì lắp ráp như hiện nay.
Từ ngày 15/8/2023, biển số ô tô, xe máy sẽ được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe. Vì vậy, nhiều người băn khoăn không biết nếu đang sở hữu nhiều biển số thì sẽ như thế nào?
Làn sóng ô tô điện Trung Quốc bắt đầu tràn về Việt Nam với các mẫu xe cỡ nhỏ. Sau Wuling Hongguang Mini EV, một mẫu ô tô điện cỡ nhỏ khác cũng theo chân về Việt Nam nhưng không rõ nhãn hiệu.
Hơn 150 nghìn biển số ở 63 tỉnh, thành phố đã được cục CSGT phê duyệt, và được đăng tải công khai trên cổng thông tin đấu giá trực tuyến.
Sau loạt sản phẩm bị ngừng bán, chỉ còn 3 mẫu xe máy nhỏ đang được các đại lý Suzuki Việt Nam phân phối trên thị trường.
Hầu hết những mẫu xe góp mặt trong danh sách 10 ô tô bán chậm nhất Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 là các dòng xe của các thương hiệu ô tô Nhật Bản. Có hãng chỉ bán được 14 xe.