Với sự khởi sắc của thị trường ôtô trong những tháng cuối năm 2018, giới chuyên môn kỳ vọng ngành ôtô Việt Nam sẽ khởi sắc hơn.
Dù đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung do vướng phải những yêu cầu khắt khe từ Nghị định 116 nhưng kết thúc năm 2018, doanh số bán hàng của toàn thị trường ôtô Việt Nam vẫn tăng trưởng nhẹ ở mức 5,8% so với năm 2017, với 288.683 xe được bán ra. Với sự khởi sắc của thị trường ôtô trong những tháng cuối năm 2018, giới chuyên môn kỳ vọng ngành ôtô Việt Nam sẽ khởi sắc hơn trong năm 2019.
Đà tăng trưởng quay trở lại
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp trong ngành, ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc Ford Việt Nam, cho biết, khi nguồn cung xe nhập khẩu được đảm bảo, thị trường ôtô Việt Nam sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ trong năm 2019. Cụ thể, sau 2 quý gián đoạn về nguồn cung xe nhập khẩu do những tác động từ Nghị định 116, thì từ quý 4/2018, nguồn cung xe nhập khẩu đã khôi phục lại. Đây sẽ là tín hiệu giúp thị trường ôtô khởi sắc hơn.
Sự phục hồi của thị trường ôtô Việt Nam trong năm 2019 còn được hỗ trợ từ nhu cầu tiêu dùng ôtô trên thị trường đang tăng mạnh. Số liệu được ông Phạm Văn Dũng đưa ra cho thấy, tỷ lệ sở hữu xe/1.000 dân vẫn chỉ ở mức 20 xe, trong khi đó, tỷ lệ này ở Thái Lan vào khoảng 80 xe, còn ở các quốc gia phát triển thì tỷ lệ nào từ 200 - 400 xe.
Còn phân tích từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng chỉ ra rằng, sức mua ôtô sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2019. Lý giải cho nhận định này, các chuyên gia của VDSC cho biết, việc nhập khẩu ôtô dường như bị gián đoạn tạm thời trong những tháng đầu năm 2018 nên tính chung cả năm, nguồn cung không thể đáp ứng được nhu cầu cao của thị trường.
Do đó, khách hàng phải chờ đợi thêm hai đến ba tháng để có thể sở hữu xe. Nhiều khách hàng đồng ý sớm đặt cọc vào năm 2018 và chờ đợi đến đầu năm 2019 mới có thể nhận xe.
"Ngành bán lẻ ôtô Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng", các nhà phân tích của VDSC nhận định. Cơ sở cho nhận định này là thu nhập của người Việt đang không ngừng tăng lên. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập khả dụng bình quân đầu người của Việt Nam đã cải thiện nhanh chóng trong 5 năm qua và vẫn đang trên đà tăng trưởng trong năm 2019. Vì thế, sức mua ôtô kỳ vọng vẫn duy trì ở mức cao trong năm 2019.
Những con số trên cho thấy, dư địa để thị trường ôtô Việt Nam phát triển còn rất lớn. Giới chuyên môn dự báo, năm 2019 và những năm tiếp theo, thị trường ôtô Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh.
Vậy đâu sẽ là yếu tố dẫn dắt thị trường trong năm 2019? Trả lời câu hỏi này, Tổng giám đốc Ford Việt Nam Phạm Văn Dũng cho rằng, yếu tố dẫn dắt thị trường sẽ nằm chủ yếu về phía cầu. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, ngay từ cuối năm 2018, nhiều hãng xe đã liên tục cho ra mắt các dòng xe mới, cùng với đó nguồn cung của xe nhập khẩu cũng được dự báo ổn định hơn. Đó là tiền đề để thị trường ôtô Việt Nam có sự bứt phá trong năm 2019.
"Tôi kỳ vọng, trong năm 2019 các chính sách điều tiết ngành sẽ ổn định hơn, khi đó cung và cầu trên thị trường sẽ gặp được nhau. Từ đó dẫn đến tăng trưởng chung của toàn thị trường sẽ đi vào mức ổn định như thời kỳ năm 2012 - 2015", ông Phạm Văn Dũng dự báo.
Nhưng cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn
Năm 2019, ôtô nhập khẩu nguyên chiếc có xuất xứ từ các nước nội khối kỳ vọng tiếp tục được hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Sau khi loại bỏ thuế nhập khẩu, mức giá của ôtô đến từ các quốc gia này dao động trong khoảng 300 - 500 triệu đồng, phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân Việt Nam.
Bên cạnh mức giá "mềm", người tiêu dùng cũng có nhiều lựa chọn hơn với các dòng xe từ Indonesia và Thái Lan. Do đó, doanh số của các dòng xe bình dân và trung cấp vào năm 2019 được kỳ vọng sẽ tăng mạnh ở mức 20% so với cùng kỳ năm trước. Với diễn biến này, các nhà phân tích của VDSC cho rằng, các đại lý phân phối những phân khúc này sẽ được hưởng lợi.
Không chỉ vậy, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nhiều khả năng sẽ có hiệu lực vào giữa năm 2019. Điều này hứa hẹn sẽ mang lại tín hiệu tốt cho dòng xe hơi cao cấp. Bởi theo thỏa thuận, thuế nhập khẩu đối với ôtô có xuất xứ từ châu Âu sẽ được cắt giảm dần từ mức 70% về 0% trong vòng 10 năm tới. Sự cắt giảm này hứa hẹn kích thích sức mua đối với ôtô hạng sang trong dài hạn.
Với sự "trỗi dậy" của xe nhập khẩu, giới chuyên môn dự báo cạnh tranh trên thị trường sẽ khốc liệt hơn. "Thị trường ôtô năm 2019 được kỳ vọng sáng sủa hơn nhưng đồng thời mức độ cạnh tranh cũng gay gắt hơn. Các đại lý phân phối xe có thể buộc phải giảm giá bán để duy trì thị phần", VDSC nhận định.
Trong khi đó, không đề cập trực diện đến mức độ cạnh tranh trên thị trường ôtô Việt Nam trong năm 2019, ông Phạm Văn Dũng cho biết, phát triển sản xuất lắp ráp trong nước hay nhập khẩu xe nguyên chiếc về bán tại Việt Nam sẽ tùy thuộc vào chiến lược của từng hãng. Tuy nhiên với thực tế hiện nay, nên có một cơ cấu hợp lý giữa sản xuất lắp ráp trong nước và nhập khẩu, để làm sao đáp ứng được nhu cầu đa dạng trên thi trường.
"Một hãng, hay một quốc gia thì không thể sản xuất được tất cả các dòng xe cho người tiêu dùng. Do đó, cần có một cơ cấu hợp lý hơn giữa xe sản xuất lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu. Để từ đó thúc đẩy công nghiệp ôtô Việt Nam phát triển", ông Dũng nhấn mạnh.
Theo VnEconomy
Từ ngày 15/8/2023, biển số ô tô, xe máy sẽ được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe. Vì vậy, nhiều người băn khoăn không biết nếu đang sở hữu nhiều biển số thì sẽ như thế nào?
Làn sóng ô tô điện Trung Quốc bắt đầu tràn về Việt Nam với các mẫu xe cỡ nhỏ. Sau Wuling Hongguang Mini EV, một mẫu ô tô điện cỡ nhỏ khác cũng theo chân về Việt Nam nhưng không rõ nhãn hiệu.
Hơn 150 nghìn biển số ở 63 tỉnh, thành phố đã được cục CSGT phê duyệt, và được đăng tải công khai trên cổng thông tin đấu giá trực tuyến.
Sau loạt sản phẩm bị ngừng bán, chỉ còn 3 mẫu xe máy nhỏ đang được các đại lý Suzuki Việt Nam phân phối trên thị trường.
Hầu hết những mẫu xe góp mặt trong danh sách 10 ô tô bán chậm nhất Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 là các dòng xe của các thương hiệu ô tô Nhật Bản. Có hãng chỉ bán được 14 xe.