Thị Trường, - 16/05/2017 03:16 PM
Đây là nhận định của ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Hyundai Thành Công trước tình hình cạnh tranh của thị trường ô tô Việt Nam trong thời gian tới.

Trong khi thị trường ô tô đang trong tình trạng ảm đạm và chững lại thì Hyundai Thành Công lại liên tục mở rộng quy mô sản xuất. Nhiều người cho rằng, Thành Công đang có bước đi mạo hiểm. Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Hyundai Thành Công, nếu không mở rộng đầu tư, tăng tỷ lệ nội địa hóa thì chắc chắn Thành Công sẽ mất thị trường tại Việt Nam và không thể cạnh tranh với các mẫu xe được nhập khẩu từ các nước ASEAN vào năm 2018 (từ 1/1/2018, xe ô tô từ các nước ASEAN sẽ có thuế nhập khẩu 0%).

PV: Trong khi các hãng xe đang tìm cách “đối phó” với việc giảm thuế nhập khẩu xuống 0% vào năm 2018 từ các nước ASEAN thì Thành Công lại đầu tư mở rộng sản xuất. Vậy, Thành Công đã lường trước những rủi ro?

Ông Lê Ngọc Đức: Trong kinh doanh có rủi ro, nhưng nếu chúng ta phân tích, đánh giá và chuẩn bị một cách cụ thể thì rủi ro sẽ được giảm thiểu.

muon-gia-o-to-giam-thi-phai-tang-ty-le-noi-dia-hoa

Ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công

Chúng tôi dám làm vì thời cơ đã đến. Thời điểm 2017 là thời điểm cận kề cho sự chuyển giao khi từ ngày 1/1/2018, theo cam kết của Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA), các mẫu xe nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ là 0%. Chúng tôi xác định nếu không mở rộng đầu tư sản xuất, tăng cường tỉ lệ nội địa hóa là đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội ở thị trường Việt Nam.

Khác với Vinaxuki, phương pháp và cách làm của Hyundai Thành Công là tạo dựng niềm tin, thị phần của doanh nghiệp, có sản lượng, số lượng để làm tiền đề cho những đàm phán, mời chào những nhà sản xuất, thương hiệu ô tô mà chưa có trung tâm sản xuất tại ASEAN để chuyển giao công nghệ. Chúng tôi tiếp nhận công nghệ của họ để có thể tiến hành từ những việc đầu tiên như phân phối, lắp ráp và dần dần chuyển thành sản xuất.

Từ ngày 1/1/2018, các mẫu xe nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ là 0%. Điều này sẽ giúp giá thành xe của các thương hiệu được sản xuất tại ASEAN đưa về Việt Nam giảm mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Những thương hiệu chưa có trung tâm sản xuất tại ASEAN bắt buộc phải có phân tích để quyết định tiếp tục theo đuổi thị trường Việt Nam nói riêng cũng như ASEAN nói chung. Và Tập đoàn Hyundai Motor đã quyết định lựa chọn Tập đoàn Thành Công là đối tác trong khu vực để chính thức liên doanh lắp ráp các dòng xe du lịch mang thương hiệu Hyundai. Khu vực ASEAN luôn được Tập đoàn Hyundai Motor đánh giá là một thị trường quan trọng và rất nhiều tiềm năng phát triển trong giai đoạn tới, khi các thị trường khác đang dần bị bão hòa.

Thành Công đã có được sự đồng hành, hỗ trợ của Hyundai với bản quyền và kinh nghiệm, kỹ thuật. Và quan trọng nhất là mở ra cơ hội xuất khẩu xe ra ASEAN.

Tương tự đối với Trường Hải, tập đoàn Mazda cũng đã đồng ý cùng sát cánh đầu tư và mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Đó là một trong những lý do tại sao, trong khi các hãng ô tô khác lên kế hoạch rút khỏi Việt Nam thì Thành Công và Trưởng Hải lại đầu tư mở rộng sản xuất.

Điều quan trọng nữa, chúng tôi đều là doanh nghiệp Việt Nam và có tự trọng khát khao của người Việt Nam. Chúng tôi có niềm tự hào dân tộc, vẫn khát khao và mong muốn ngành công nghiệp ô tô được duy trì trong nước mặc dù nó không dễ một chút nào.

Tóm lại, chúng tôi đã có chiến lược và đang cố gắng hạn chế tối đa những rủi ro do nguyên nhân chủ quan gây ra.

Chúng tôi cũng hy vọng, sự quyết liệt của Chính phủ sẽ giúp cho những nhà đầu tư có thêm quyết tâm, niềm tin để đầu tư và tạo dựng ngành công nghiệp ô tô trong nước mặc dù còn rất non trẻ và khó khăn.

PV: Ông có thể tiết lộ chiến lược của Hyundai Thành Công?

Ông Lê Ngọc Đức: Trong tương lai, Hyundai Thành Công không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu sản phẩm xe Hyundai sang các nước trong khu vực.

Để làm được điều này thì không có cách nào khác là phải đầu tư sản xuất để tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Nếu đáp ứng được tỷ lệ nội địa hóa tại khu vực nói chung và đặc biệt tại Việt Nam đạt trên 40%, những sản phẩm Hyundai khi xuất khẩu trong khối ASEAN đều được miễn thuế nhập khẩu (theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - ATIGA).

Để có thể đạt được mục tiêu nội địa hóa trên 40%, Hyundai Thành Công sẽ liên kết với rất nhiều doanh nghiệp trong nước. Chúng tôi đã phải mất 6 tháng để thuyết phục đối tác về việc sử dụng phụ kiện trong nước.

Nhiều phụ kiện Việt Nam có thể sản xuất được nhưng họ vẫn không mua mà lấy từ các nhà sản xuất nước ngoài bởi khi cấp bản quyền sản xuất một linh kiện cho bất kỳ một doanh nghiệp nào các hãng đều phải có sự thỏa thuận về số lượng tiêu thụ dự kiến. Vì vậy, nếu chúng ta không có chính sách bắt buộc phải sử dụng những linh kiện của nước đặt nhà máy thì chắc chắn họ sẽ vẫn sử dụng từ các nhà sản xuất đặt ở quốc gia khác.

Chúng tôi đã thuyết phục tập đoàn Hyundai Motor về vấn đề đó trong cam kết chuyển giao công nghệ. Vì điều khó nhất trong sản xuất ô tô không phải là đầu tư mà là bản quyền. Chúng tôi cũng chỉ ra rằng nếu không tăng cường việc nội địa hóa trong nước thì không có cơ hội giảm giá thành.

Theo đàm phán, các sản phẩm chiến lược của Hyundai sản xuất tại nhà máy Huyndai Thành Công ở Ninh Bình sẽ đạt được tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu là 40% đến năm 2019 hoặc chậm nhất là năm 2020…

muon-gia-o-to-giam-thi-phai-tang-ty-le-noi-dia-hoa

Từ ngày 1/1/2018, các mẫu xe nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ là 0%. Điều này sẽ giúp giá thành xe của các thương hiệu được sản xuất tại ASEAN đưa về Việt Nam giảm mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Thành Công sẽ tạo ra được những sản phẩm cạnh tranh với các nước trong khu vực ASEAN.

Đồng thời, chúng tôi cũng đang mong muốn Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu, sớm đưa ra các giải pháp cho việc phát triển công nghiệp phụ trợ ô tô, công nghiệp sản xuất ô tô trước thời gian hội nhập 2018. Đây là yếu tố rất quan trọng để giảm thiểu rủi ro do chính sách.

PV: Hiện tại, cùng một mẫu xe của Hyundai nhưng khi nhập về từ Ấn Độ thì có giá thành khá cạnh tranh. Vậy, khi xây dựng nhà máy và lắp ráp những mẫu xe này tại Việt Nam, giá thành mà Thành Công đưa ra liệu sẽ như thế nào?

Ông Lê Ngọc Đức: Một chiếc xe ô tô có thể đến tay người tiêu dùng bao gồm rất nhiều những loại thuế phí.

Trong khu vực châu Á, có thể nói Ấn Độ là vương quốc của xe giá rẻ. Tuy nhiên, sau 1/1/2018 thì xe được sản xuất tại Ấn Độ hay các quốc gia ngoài ASEAN sẽ không nằm trong hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để cắt giảm thuế quan.

Do vậy, mẫu xe đó mặc dù giá xuất xưởng có rẻ thì giá thành sau khi đưa về quốc gia nhập khẩu và đến tay người tiêu dùng thì nó không còn rẻ nữa. Đặc biệt, trong bối cảnh các xe nhập khẩu thuộc khu vực ASEAN được áp dụng thuế 0%.

Chúng tôi đã phân tích và tính toán, nếu không sản xuất và lắp ráp các mẫu xe này tại Việt Nam thì sẽ không còn cơ hội cạnh tranh với các dòng xe cỡ nhỏ cùng phân loại được sản xuất trong khu vực ASEAN.

Dòng xe nhỏ này nằm trong dòng sản phẩm ưu tiên của chúng tôi trong thời gian tới. Là dòng xe nhỏ gọn và thân thiện môi trường và cũng là xu hướng hiện nay của nhiều người khi chuyển từ xe to cồng kềnh có giá cao sang xe nhỏ, giá thành phù hợp. Việc chúng tôi quyết định sản xuất xe nhỏ tại Việt Nam vừa hướng tới người tiêu dùng cũng như tăng sự cạnh tranh với các đối thủ./.

Theo VOV

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.