Tin xe, - 12/08/2017 06:18 PM
Trong nỗ lực xây dựng chiến lược mới cho ngành công nghiệp ô tô, cần xây dựng được các gói chính sách sao cho giảm được chi phí sản xuất, từ đó giảm được giá ô tô, đem lại lợi ích cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Ngày 10-8 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo Phát triển cụm công nghiệp ô tô trên thế giới và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam. Một trong những vấn đề được thảo luận sôi nổi là Việt Nam có thể giảm giá thành ô tô lắp ráp trong nước hay không và bằng cách nào?

Nội địa hóa cao nhất chỉ 37%

TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM, nhận xét công nghiệp ô tô Việt Nam đã thất bại trong quá khứ, hiện tại vẫn thất bại và tương lai chưa biết có thành công hay không. Trong nỗ lực xây dựng một chiến lược mới cho ngành công nghiệp quan trọng này, phải xây dựng được các gói chính sách sao cho giảm được chi phí sản xuất, từ đó giảm được giá ô tô, đem lại lợi ích cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng để duy trì hoạt động, tiến tới phát triển ngành công nghiệp ô tô trong tương lai.

Giá thành lắp ráp ô tô ở Việt Nam cao hơn 10%-20% so với Indonesia và Thái Lan Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Dưới góc độ nhà sản xuất, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Tiểu ban Chính sách Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cho biết một chiếc ô tô được cấu thành bởi 30.000 chi tiết khác nhau, doanh nghiệp (DN) chỉ sản xuất một số cụm chi tiết lớn, 70%-80% phải mua từ các DN ở nước ngoài nên rất tốn kém. Tại Toyota, dòng đạt tỉ lệ nội địa hóa cao nhất là Innova với 37%, tức là giá trị xe 10.000 USD thì có 3.700 USD được sản xuất ở Việt Nam. Để giảm giá thành sản xuất phải nâng tỉ lệ nội địa hóa trong khi điều kiện để nâng tỉ lệ nội địa hóa là phải có dung lượng thị trường đủ lớn. Giá thành lắp ráp từ Việt Nam cao hơn 10%-20% so với xe sản xuất từ Indonesia và Thái Lan. Giá đến tay người sở hữu còn đắt đỏ hơn do chính sách thuế, phí trước bạ rất cao từ chủ trương hạn chế sử dụng ô tô.

Tuy nhiên, ở góc độ quản lý, ông Dương Văn Hùng, Cục Đầu tư nước ngoài, cho rằng sản lượng tiêu thụ không phải là lý do tiên quyết để DN có vốn đầu tư nước ngoài đặt trung tâm nghiên cứu phát triển tại Việt Nam hoặc nâng cao tỉ lệ nội địa hóa. Các DN thường lờ đi vấn đề này, ngay cả khi có cam kết với Chính phủ Việt Nam mà không hiểu lý do vì sao họ không thực hiện. Với cách làm như vậy, nếu các chuyên gia nước ngoài rút đi thì người Việt không thể làm gì được trong công nghiệp ô tô.

Mò mẫm tìm đường

Ông Nguyễn Tiến Hán, Phó trưởng Khoa Công nghệ ô tô Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, nhìn nhận muốn có ngành công nghiệp ô tô phải đầu tư vào con người, từ đó mới giải quyết được vấn đề công nghệ, tỉ lệ nội địa hóa... "Chúng tôi mỗi năm có 1.000 sinh viên tốt nghiệp, chủ yếu đi làm thuê cho nước ngoài. Phải có những DN Việt Nam mạnh, sử dụng lao động trình độ cao mới tổ chức và phát triển được. Ta chưa có mà chỉ trông chờ đi mua, đi vay thì không thể làm nên công nghiệp ô tô được" - ông Hán nêu quan điểm.

Là DN dẫn đầu về sản lượng ô tô tiêu thụ trong nước, ông Vũ Quang Long, Công ty Thaco Trường Hải, thừa nhận đã kiến nghị từ rất lâu và rất nhiều về các giải pháp cho công nghiệp ô tô, khó khăn ai cũng biết nhưng chưa làm được gì. Năng lực cạnh tranh của ô tô Việt Nam thua ngay từ chi phí trong nước. Chẳng hạn, chi phí nhập khẩu mỗi xe từ Thái Lan về Việt Nam là 5 triệu đồng thì xe của Trường Hải sản xuất ở miền Trung chuyển ra Hà Nội, TP HCM đã mất 3-4 triệu đồng. Hoặc DN xin cơ chế hỗ trợ nhưng chờ mãi không được bộ ngành chấp thuận. Đến khi triển khai rồi bộ mới có ý kiến. Do đó, không đủ điều kiện hưởng ưu đãi vì thiết bị được nhập về trước ngày có cơ chế. Chính sách của nhà nước hiện chưa đồng bộ, rõ ràng. 98% dân số chưa có ô tô nhưng lại hạn chế tiêu thụ ô tô vì sợ tắc đường. Trong khi đó, đầu tư hạ tầng giao thông gọi vốn xã hội hóa phải chờ đủ dung lượng xe, nhà đầu tư mới bỏ tiền làm đường.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp - đánh giá bài học thành công của các quốc gia sản xuất ô tô là hình thành các cụm công nghiệp ô tô để phát triển công nghiệp phụ trợ, từ đó cung cấp linh, phụ kiện cho các DN sản xuất, lắp ráp ô tô để giảm giá thành. "Việc hình thành nên các cụm này là một trong số các nội dung đã được phê duyệt trong Chương trình hành động hợp tác công nghiệp Việt - Nhật. Tuy đây không phải vấn đề quá nóng nhưng là hướng tiếp cận xem xét cho tầm nhìn phát triển lâu dài" - bà Thúy nói.

Theo Người lao động

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Gửi thông tin

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến MXH ô tô - xe máy và golf tại Việt Nam xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.