Ngày 2/4, tại tọa đàm về thu phí không dừng, ông Nguyễn Viết Huy - Phó vụ trưởng Đối tác công tư PPP (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, tốc độ triển khai việc này khá chậm, hiện chỉ có khoảng 720.000 xe dán thẻ trong tổng số 3,5 triệu ôtô trên toàn quốc.
Tỷ lệ xe sử dụng thẻ cũng chưa đạt yêu cầu vì chỉ khoảng 30% số xe đã dán thẻ sử dụng dịch vụ này, các phương tiện còn lại đã dán thẻ song không dùng. "Nguyên nhân do người dân cảm thấy chưa thuận tiện", ông Huy đánh giá.
Về công tác lắp đặt các trạm thu phí không dừng trên toàn quốc, giai đoạn một đã hoàn thành 26 trạm trong tổng số 28 trạm; 33 trạm giai đoạn 2 sẽ hoàn thành trong năm 2019 và hiện Tổng cục Đường bộ đang đấu thầu.
Thẻ VETC được dán trên kính xe và trừ tiền vào tài khoản thẻ của chủ xe khi qua trạm thu phí. Ảnh: Đoàn Loan
Ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty thu phí tự động (VETC) - nhà cung cấp dịch vụ cho hay, số lượng thẻ dán trên xe chưa đạt kỳ vọng của dự án và yêu cầu của Bộ Giao thông do nhiều người e ngại sử dụng công nghệ mới tại Việt Nam, người dân chưa hiểu rõ thuận lợi khi xe lưu thông qua trạm. Có lái xe còn nghĩ khi dán thẻ sẽ bị "giám sát" lộ trình trên toàn quốc nên không muốn dán thẻ trên xe.
Lý do nữa là trạm thu phí không dừng chưa đầy đủ ở trạm cửa ngõ thủ đô Hà Nội và TPHCM, trong khi các thành phố này có lượng xe nhiều hơn các TP khác. Tại miền Trung, các trạm đã thực hiện thu phí tự động nên phương tiện ở miền Trung đã dán gần hết.
"Chỉ có 30% số xe dán thẻ sử dụng trả phí khi qua trạm thu phí là do chủ phương tiện e ngại, chưa dám tìm hiểu công nghệ mới. Nếu chủ xe đã dùng thì rất ít người bỏ", ông Vinh nói.
Ông Trần Văn Thế, Phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Đèo Cả, nêu vấn đề, khách hàng phải trả tiền trước vào thẻ, bình quân mỗi ôtô nạp từ 500.000 thì lượng tiền của hơn 3 triệu tài khoản sẽ rất lớn, "vậy đơn vị cung cấp dịch vụ VETC có trả lãi cho người dùng không? Số tiền lãi qua đêm ai sẽ được hưởng?".
Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), VETC không phải tổ chức tín dụng nên không được phép trả lãi các khoản tiền mà người chuyển khoản trả trước cho thẻ thu phí.
Hơn nữa, người sử dụng chuyển tiền vào tài khoản trả trước là phục vụ lợi ích cho chính họ, giúp đi qua trạm thu phí không dừng, giảm thiểu thời gian chờ cũng như giảm ô nhiễm môi trường; trả trước thẻ thu phí tương tự việc người dân trả trước tiền điện thoại đều không được tính lãi.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, mức lãi suất không kỳ hạn là 0,5% một năm thì số tiền lãi phí lưu thông hàng ngày của các xe không lớn.
Ông Nguyễn Viết Thanh, Phó vụ trưởng Khoa học Công nghệ, môi trường(Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, để hạn chế các bất cập hiện nay, cơ quan này đang xem xét 3 đề xuất.
Đầu tiên, thay vì chủ xe phải nạp tiền trước vào tài khoản, nay cơ quan chức năng nghiên cứu thu phí theo cả 2 hình thức vừa trả trước vừa trả sau.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành các quy định hướng dẫn về mở tài khoản thu phí, liên kết giữa các tài khoản cũng như xử lý lãi phát sinh. Cuối cùng là nghiên cứu các làn ưu tiên và phương tiện dán thẻ được lưu thông trên làn đó.
Dịch vụ thu phí tự động đường bộ VETC áp dụng công nghệ RFID, sử dụng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới có gắn thẻ định danh được dán lên kính hoặc đèn xe. Từ thẻ gắn trên kính xe, thiết bị đọc gắn tại trạm thu phí sẽ trừ tiền của chủ xe. Chủ xe có thể nạp tiền vào tài khoản bằng tiền mặt, Internet banking...
Hệ thống thu phí không dừng giúp người sử dụng biết mình phải đóng bao nhiêu tiền, cơ quan quản lý có thể giám sát số thu và lượng xe tại các trạm BOT. Hệ thống cũng có thể ghi nhận thông tin để phát hiện biển số xe giả, xe hết hạn đăng kiểm, xe vi phạm giao thông...
Theo Vnexpress