Hàng loạt những sai lầm về chiến lược phát triển đã khiến Ford không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đóng cửa các nhà máy sản xuất của hãng ở Ấn Độ sau 25 năm hoạt động.

Sau khi cân nhắc về tương lai của hãng trong vài năm qua và mất chiếc phao cứu sinh là hợp đồng liên doanh với ông lớn nội địa Mahindra & Mahindra vào cuối năm ngoái, Ford Motor đã buộc phải chấm dứt công việc làm ăn tại Ấn Độ. Đáng buồn thay, thị trường ô tô lớn thứ năm thế giới đã trở thành nghĩa địa cho các nhà sản xuất ô tô nổi tiếng của Mỹ, bắt đầu từ General Motors vào năm 2017, sau đó là Harley-Davidson vào năm ngoái và bây giờ là Ford. Có một điều trớ trêu là Ford bắt đầu kinh doanh tại Ấn Độ vào năm 1995 thông qua sự hợp tác với chính Mahindra & Mahindra.

Ford tháo chạy khỏi Ấn Độ: Vì đâu nên nỗi?

ford ấn độ

Đã hơn 25 năm kể từ khi Ford gia nhập thị trường Ấn Độ. Sau một phần tư thế kỷ, hãng đã xây dựng được hai nhà máy, một ở Chennai, phía nam Ấn Độ và một ở Sanand, Gujarat ở phía tây. Trong suốt thời gian hoạt động tại Ấn Độ, Ford liên tục đối mặt với tình trạng mức cầu thấp đối với các dòng xe của hãng và việc không tận dụng được hết công suất của các nhà máy. Để duy trì chưa đến 2% thị phần xe du lịch tại đất nước tỷ dân, Ford phải gánh chịu khoản lỗ hoạt động hơn 2 tỷ đô la trong 10 năm qua và chi phí phi hoạt động 0,8 tỷ đô la vào năm 2019.

Khi Ford quyết định kinh doanh tại Ấn Độ vào năm 1995, đây không chỉ là một dấu hiệu tích cực thúc đẩy nền kinh tế Ấn Độ mà còn là một tin tuyệt vời cho những khách hàng và những người đam mê ô tô tại nước này, vốn chỉ có vài lựa chọn xe hơi ít ỏi. Vào đầu những năm 2000, GDP của Ấn Độ đã tăng gấp đôi và đây là thị trường phát triển nhanh thứ 11 trên thế giới. Với nhu cầu của khách hàng thay đổi nhanh chóng, Ford lại không có sự nhanh nhạy cần thiết. Chiếc xe đầu tiên mà Ford tung ra là Escort, đây là một sản phẩm không được đầu tư đúng mức và đã bị khách hàng tại Ấn Độ quay lưng vì giá bán đắt và động cơ tệ hại.

ford escort

Năm 1999, Ford ra mắt chiếc sedan cỡ nhỏ có tên Ikon và là một trong số ít những điểm sáng của Ford tại Ấn Độ. Chiếc xe này đã tồn tại qua hai thế hệ trong khoảng thời gian 12 năm. Nổi tiếng vì trải nghiệm lái hàng đầu, Ford Ikon có nhược điểm lớn là chi phí bảo trì khổng lồ. Không những vậy, chiếc xe còn đắt gần gấp đôi các đối thủ trực tiếp. Trong suốt một thời gian dài, Ford không tìm ra được một công thức thành công mới tại Ấn Độ cho tới khi ra mắt chiếc hatchback Figo. Ford Figo có một mức giá bán hợp lý và chi phí bảo dưỡng thấp nhưng hãng lại mất khá nhiều thời gian mới thuyết phục được người Ấn Độ chọn mua chiếc xe này. Tới năm 2013, Ford cuối cùng đã hiểu được nhu cầu của thị trường khi tung mẫu CUV đô thị huyền thoại Ford EcoSport. Chiếc SUV này đã trở thành chiếc xe bán chạy nhất của Ford và dẫn đầu phân khúc trong một thời gian dài cho tới khi hãng ô tô lớn nước Mỹ quyết định dứt áo ra đi khỏi Ấn Độ.

ford ecosport ấn độ

Do lỗ ngày càng nhiều, Ford không đủ khả năng để vận hành hai nhà máy của hãng tại quốc gia Nam Á. Vì vậy, việc lắp ráp xe ở Sanand sẽ dừng lại vào quý 4 năm 2021 và việc sản xuất xe và động cơ ở Chennai sẽ chấm dứt vào quý 2 năm 2022.

Mặc dù Ấn Độ đang và sẽ vẫn là nơi có lực lượng lao động lớn thứ hai của Ford trên toàn cầu sau Hoa Kỳ, khoảng 4.000 nhân viên dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi quá trình tái cơ cấu. Ford không hoàn toàn rời khỏi Ấn Độ vì họ sẽ tiếp tục duy trì các kế hoạch Giải pháp Kinh doanh của Ford (Ford Business Solutions) và sản xuất động cơ tại Sanand để xuất khẩu ra nước ngoài. Ford cũng sẽ hỗ trợ các hoạt động dịch vụ, phụ tùng hậu mãi và bảo hành. Nhưng trên thực tế, mạng lưới dịch vụ sẽ thu hẹp nhanh chóng khi các đại lý Ford không còn xe để bán.

ford ikon

Ford đã ngừng sản xuất các sản phẩm hiện tại của mình như Figo, Aspire, Freestyle, EcoSport, Everest và sẽ chuyển sang thị trường ngách là nhập khẩu các dòng xe như Mustang coupe, Mustang Mach-E, và xe bán tải Ranger. Kế hoạch dài hạn của công ty là tập trung vào xe điện và xe hybrid trong thập kỷ này. Trước đó, Ford cũng rút khỏi Brazil vào tháng Một năm nay và đóng cửa ba nhà máy sản xuất.

ford ranger

Tương tự như tại Ấn Độ, Ford Việt Nam đã ngừng bán tất cả các dòng xe không phải SUV hay bán tải từ năm 2020 do doanh số rất kém. Đáng chú ý, dòng xe Ford Tourneo mới ra mắt thị trường nước ta từ cuối năm 2019 đã bị Ford khai tử vào tháng 5 vừa qua. Lý do được đưa ra vì đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đế ngành du lịch, vận tải khách sạn vốn là tập khách hàng mục tiêu của Ford Tourneo tại Việt Nam. Hiện tại, dòng xe gồng gánh doanh số của Ford chỉ còn Ranger khi riêng mẫu xe này đã đóng góp 13.291 xe (47%) vào tổng số 24.660 xe bán ra của hãng. Trong khi đó, Ford EcoSport sau một thời gian dài ‘xưng vương’ trong phân khúc CUV đã chứng kiến doanh số tụt dốc không phanh vì sự xuất hiện của các dòng xe trẻ trung, nhiều trang bị hơn như Kia Seltos, Toyota Corolla Cross, Hyundai Kona. Cả năm 2020, Ford EcoSport chỉ bán được 2.813 xe (giảm gần 30% so với năm 2019), xếp thứ 4 phân khúc. Xét về doanh số từng thương hiệu trên thị trường, Ford đứng vị trí số 7, chỉ hơn Honda, Thaco Truck, Suzuki và kém xa so với VinFast (29.485 xe) dù hãng xe Việt Nam mới bắt đầu kinh doanh được 3 năm.

doanh số ô tô 2020

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.