Thị trường ô tô, - 03/07/2021 10:21 AM
Với Hiệp định tư do thương mại Asean có hiệu lực đưa mức nhập khẩu xe về 0% cùng với đó là các hãng xe Trung Quốc thâm nhập xây dựng nhà máy ở Indonesia và Thái Lan thì dự báo sẽ có làn sóng xe Trung Quốc về thời gian tới đây.

Các hãng xe Trung Quốc xây dựng nhà máy ở nhiều nước ASEAN

Nhiều hãng xe Trung Quốc đã vào chiếm lĩnh thị trường Indonesia và xây dựng nhà máy tại đây với hai cái tên nổi trội là Wuling Motors và Dongfeng Sokon Automobile (DFSK).

Nhờ giá rẻ, các mẫu xe Trung Quốc đang nổi lên chiếm dần thị phần tại indonesia với doanh số xếp thứ 4 của Wuling Motors trong tháng 5 vừa qua với các mẫu xe đa dụng MPV và SUV được yêu thích tại đất nước vạn đảo này. Tại Indonesia, Wuling Motors có 4 mẫu xe là Confero, Cortez, Formo và Almaz. Confero chỉ có giá từ 154 – 191 triệu IDR (tương đương 248 – 307 triệu VNĐ); và đắt nhất là mẫu Almaz với giá từ 345 – 364 triệu IDR (tương đương 556 – 587 triệu VNĐ).

Wuling Almaz có kiểu dáng khá đẹp đang chiếm thị phần tại Indonesia.

Trong khi đó ở Thái Lan, thương hiệu MG của Anh Quốc được SAIC Motors của Trung Quốc mua lại cũng đang cạnh tranh quyết liệt với các hãng xe Nhật Bản tại đây khi hợp tác với Tập đoàn Charoen Pokphand của Thái Lan sản xuất mẫu bán tải Extender. Năm 2019, MG đã vượt qua Suzuki với 2,5% thị phần tại Thái Lan và đứng thứ 8 tại nước này, và đến năm 2020 thì mẫu MG HS bán được hơn 6.000 chiếc và chiếm ngôi đầu dòng SUV của Honda CR-V.

Hiện tại MG cũng tham vọng chiếm lĩnh dòng xe điện tại Thái Lan đồng thời biến nước này thành cơ sở sản xuất để xuất khẩu thương hiệu MG trên toàn thế giới và cũng là trung tâm của thị trường ô tô ở ASEAN với năng lực sản xuất 200.000 xe/năm.

Ở Thái Lan còn có một cái tên rất đáng chú ý của Trung Quốc là Great Wall Motors – hãng sản xuất bán tải và SUV lớn nhất Trung Quốc - khi đã mua lại nhà máy của General Motors sau khi tập đoàn của Mỹ rút khỏi thị trường Đông Nam Á. Đến đầu tháng 6 vừa qua, nhà máy của Great Wall đã bắt đầu đi vào sản xuất với tham vọng phủ sóng thị trường Đông Nam Á.

Nhà máy này nằm ở Rayong, có diện tích 658.800 mét vuông và công suất là khoảng 80.000 xe/năm – gấp đôi công suất nhà máy của Ford ở tỉnh Hải Dương, Việt Nam dù mới được đầu tư thêm 82 triệu USD mới đây. 40% xe của Great Wall sẽ dành cho xuất khẩu là một con số rất lớn. Hãng Great Wall sẽ cung cấp 9 mẫu xe tại thị trường Thái Lan trong vòng 3 năm tới, với hầu hết là các mẫu xe chạy điện.

Tại Malaysia, Zhejiang Geely Holdings của Trung Quốc cũng đã thâu tóm hãng xe nội địa Proton để tranh thủ hạ tầng có sẵn tại đây.

Thị trường Việt Nam sẽ có làn sóng xe Trung Quốc thâm nhập?

Sau khi các nhà máy lắp ráp ô tô của Trung Quốc tại Thái Lan và Indonesia ổn định và tăng cường công suất thì có lẽ sắp tới sẽ chứng kiến làn sóng xe Trung Quốc thâm nhập thị trường Việt Nam.

Mẫu MG ZS được bày bán tại đại lý ở Hà Nội.

Thống kê của Tổng Cục hải quan Việt Nam thì trong thời gian gần đây, lượng xe dưới 9 chỗ nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia đều liên tiếp tăng sau khi hiệp định tự do thương mại có hiệu lực đầu năm. Các thông tin về xe Trung Quốc chưa nhiều nhưng đã bắt đầu có những cái tên được giới thiệu với thị trường trong nước.

Trong đó nổi trội là cái tên MG thuộc sở hữu của SAIC Motors với nhiều mẫu xe bắt đầu ra mắt thị trường. Cụ thể, như MG ZS, MG Extender, MG HS và sắp tới đây còn sedan cỡ C của MG là MG5 có thể được giới thiệu tại Việt Nam Motor Show vào tháng 10 sau khi được nhập khẩu từ Thái Lan.

Tuy nhiên, nhiều người cũng đang khá mong chờ làn sóng này để thay đổi thêm thị trường ô tô Việt Nam. Và làn sóng xe ô tô Trung Quốc có thể tạo ra hiệu ứng như đối với xe máy tại Việt Nam cách đây hơn 10 năm với hàng loạt cái tên khuấy đảo thị tường như Lifan, Loncin.

Với cái nhìn đa chiều, anh Hải ở Quận 5 cho biết khá hào hứng với những mẫu xe này. “Có thể tôi sẽ không mua xe Trung Quốc nhưng dưới áp lực giá rẻ của các hãng xe này thì các hãng khác đang hoạt động tại Việt Nam cũng phải giảm giá, đây là điều tốt với người tiêu dùng”.

Thực tế từ thị trường xe máy hơn 10 năm trước, đinh điểm những chiếc Dream II và Wave được nhập từ Thái Lan đã có lúc lên đỉnh điểm 45 triệu đồng/chiếc trong khi giá vàng lúc đó chỉ hơn 800.000 đồng/lượng. Làm một phép tính đơn giản thì 45 triệu đồng khi đó tương đương 56 lượng vàng bây giờ và quy đổi ra có thể thấy xe máy hơn 10 năm trước đắt đỏ thế nào. Và khi xe máy Trung Quốc vào với giá chỉ từ trên dưới 10 triệu thì lúc đó các hãng xe máy Nhật Bản cũng bắt đầu phải đưa xe về lắp ráp cũng như giảm nhanh giá bán.

Cho đến thời điểm này vẫn khá ít thông tin về những chiếc ô tô Trung Quốc, đa phần người dùng vẫn e ngại chất lượng xe cùng chế độ hậu mãi. Việc bỏ một số tiền lớn vài trăm triệu để mua xe Trung Quốc chưa được kiểm chứng nhiều từ những người dùng khác khiến nhiều người vẫn rụt rè.

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.