Thị Trường, - 26/07/2017 10:43 PM
Các hãng xe Nhật Bản tham gia thị trường Việt Nam từ rất sớm. Hiện có 8 hãng xe của Nhật đã có mặt tại Việt Nam. Cùng CafeAuto điểm qua những nét cơ bản về các hãng xe này.

1.Toyota

cac-hang-xe-nhat-co-mat-tai-viet-nam

Công ty Toyota Motor Corporation được thành lập ngày 28/8/1937. Nói đến các hãng xe hơi Nhật Bản, không thể không nhắc tới Toyota. Nhiều năm liền, hãng xe này luôn dẫn đầu trong các thương hiệu ô tô nổi tiếng thế giới. Hiện tại, Toyota đang ở vị trí thứ 8 trong số những thương hiệu đắt giá nhất toàn cầu và là hãng ô tô duy nhất luôn có mặt trong các bảng xếp hạng đánh giá xe hơi trên thế giới. 

Toyota gia nhập thị trường Việt Nam năm 1995. Toyota được xem là thương hiệu hàng đầu, ăn sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng Việt, bởi sự bền bỉ, tiết kiệm, kiểu dáng đẹp mắt và đặc biệt là giữ giá…, phù hợp với tâm lý mua xe của người Việt Nam.

Tại Việt Nam, Toyota phân phối 10 dòng xe từ model cỡ nhỏ đến dòng SUV, MPV và xe chở khách 16 chỗ, bao gồm Toyota Yaris, Vios, Corolla Altis, Camry, Innova, Land Cruiser, Land Cruiser Prado, Fortuner, Hilux và Hiace. Trong đó, Vios, Innova và Fortuner là 3 mẫu xe bán chạy nhất và luôn góp mặt trong top 10 ô tô bán tốt nhất hàng tháng ở Việt Nam.

2. Mitsubishi                         

cac-hang-xe-nhat-co-mat-tai-viet-nam

Gia nhập thị trường Việt Nam năm 1994, Mitsubishi là hãng xe đầu liên sản xuất ô tô tại Việt Nam. Với tiêu chí cạnh tranh, sáng tạo và luôn hướng về khách hàng cùng những chiến lược đúng đắn, Mitsubishi Việt Nam luôn được đánh giá là công ty lắp ráp và phân phối ô tô có uy tín tại Việt Nam.

Mitsubishi là một tập đoàn công nghiệp lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực tại Nhật Bản, bao gồm tàu biển, công nghệ, giáo dục, hàng không… Do đó, các dòng xe ô tô của Mitsubishi là sự kết hợp đầy đủ của tất cả các lĩnh vực mà Mitsubishi tham gia. Đặc biệt, phân khúc thị trường của Mitsubishi cũng khá đa dạng, hướng đến nhiều đối tượng người sử dụng bằng các sản phẩm như Mirage, Attrage, Outlander, Outlander Sport, Pajero, Pajero Sport và Triton với mức giá từ 400 triệu đồng đến 2,3 tỷ đồng. Với động cơ mạnh mẽ, êm ái và hoạt động cực kỳ trơn tru, Mitsubishi khẳng định vị thế là một trong số những hãng xe hơi lớn nhất toàn cầu.

3. Nissan

cac-hang-xe-nhat-co-mat-tai-viet-nam

Là một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 Nhật Bản. Thành lập năm 1919, Nissan đã gây dựng tên tuổi bằng những tiêu chí như: động cơ bền bỉ, tiết kiệm nhiên liệu, khung gầm vững chắc và nay còn được trang bị thêm những tính năng hiện đại, công nghệ tiên tiến.

Tại Việt Nam, Nissan thành lập Công ty TNHH Nissan Việt Nam vào năm 2008 và bắt đầu tiến hành nhập khẩu và phân phối ô tô Nissan vào năm 2009. Đến năm 2010, Nissan Việt Nam bắt đầu lắp ráp mẫu xe Nissan Grand Livina tại thị trường nội địa và phát triển hệ thống đại lý độc quyền mới trên toàn quốc. Nissan đồng thời cũng nhập khẩu và phân phối nhiều mẫu xe của Nissan tại Việt Nam bao gồm: mẫu xe biểu tượng 370Z, Teana, Murano, Juke, X-trail và Navara…

4. Mazda

Mazda được thành lập năm 1920, từng thuộc sự quản lý của Tập đoàn Ford Motor. Sản phẩm của Mazda đều được đánh giá cao trong thiết kế và có mức giá hợp lý, hướng đến nhiều đối tượng. Mazda chính thức hiện diện tại Việt Nam năm 1994, với các dòng xe Mazda 323, 626 và 929. Hiện tại, các sản phẩm của Mazda chủ yếu tập trung vào xe gia đình với các mẫu xe thông dụng như Mazda2, Mazda3, Mazda6, CX-5 (compact crossover), CX-9 và BT-50 (xe bán tải). Mặc dù không nổi tiếng như các đồng hương khác, nhưng Mazda cũng đã góp phần làm nên tên tuổi của xe hơi Nhật Bản.

5. Honda

cac-hang-xe-nhat-co-mat-tai-viet-nam

Trên thế giới, Honda thể hiện được ưu thế trong việc tiết kiệm nhiên liệu, sự êm ái, bền bỉ, an toàn và sở hữu một mức giá phải chăng. Tại thị trường Việt Nam, Honda cũng là một trong các hãng xe hơi Nhật Bản phổ biến với các dòng xe City, Civic, Accord, SUV như CR-V, minivan như Odyssey.

Gia nhập thị trường Việt Nam năm 2005 và bắt đầu hoạt động kinh doanh ô tô từ năm 2006, chỉ sau hơn 1 năm, Honda Việt Nam đã xây dựng thành công nhà máy, xây dựng mạng lưới đại lý, các chương trình đào tạo bán hàng, dịch vụ, lái xe an toàn cho nhân viên các đại lý và ra mắt mẫu xe đầu tiên là Honda Civic vào tháng 8/2006. Hiện Honda đã có chỗ đứng nhất định tại thị trường Việt Nam, cũng như trên thế giới.

6. Suzuki

cac-hang-xe-nhat-co-mat-tai-viet-nam

Tập đoàn Suzuki được thành lập tháng 3/1909 ở Hamamatsu (Nhật Bản) với tên gọi Suzuki Loom Manufacturing Company. Ban đầu, là một công ty chuyên sản xuất khung dệt đóng góp lớn cho ngành tơ lụa khổng lồ của Nhật Bản. Sau đó, Suzuki gia nhập ngành kinh doanh xe máy với sản phẩm đầu tiên là xe đạp gắn máy nhãn hiệu “Power Free” sản xuất năm 1952 và tham gia vào ngành công nghiệp ô tô từ năm 1955 với nhãn hiệu xe hơi “Suzulight”, góp phần vào sự ra đời của cuộc cách mạng ô tô ở Nhật Bản.

Năm 1996, Suzuki chính thức đặt chân vào Việt Nam với mục tiêu trở thành một trong những hãng xe hàng đầu tại thị trường đầy tiềm năng này. Được đón nhận nồng nhiệt bởi người dân Việt với dòng sản phẩm sành điệu Suzuki Viva, Sport, Công ty Việt Nam Suzuki tiếp tục cho ra mắt những dòng sản phẩm chất lượng trong những năm sau đó. Hiện tại, Suzuki đang phân phối các dòng xe ô tô du lịch như Ciaz, Ertiga, Vitara và Swift.

Với nỗ lực không ngừng, các loại xe ô tô thương hiệu Suzuki đã tạo dựng được uy tín với các đặc trưng nổi trội, như bền, tốt, dễ bảo trì và sửa chữa, đồng thời hoạt động không chỉ như những cộng sự đắc lực trong công việc, mà còn như những người bạn thân thiết trong cuộc sống.

7. Subaru

cac-hang-xe-nhat-co-mat-tai-viet-nam

Fuji Heavy Industries bắt đầu với tên Phòng thí nghiệm nghiên cứu máy bay năm 1915, do Chikuhei Nakajima lãnh đạo. Năm 1950, Fuji Sangyo được chia thành 12 tập đoàn nhỏ hơn theo Đạo luật Thỏa thuận tín dụng doanh nghiệp năm 1950 của Chính phủ Nhật Bản – đạo luật chống zaibatsu. Giữa năm 1953 và 1955, 4 trong số các tập đoàn và tổng công ty mới được thành lập đã quyết định sáp nhập để tạo thành Fuji Heavy Industries.

Bắt nguồn từ một tập đoàn lớn chuyên nghiên cứu máy bay tại Nhật Bản, trải qua nhiều chuyển biến trong giai đoạn 1915 - 1955 với các đợt phân chia. Đến giữa giai đoạn 1953 -1955, các tập đoàn nhỏ được phân chia trước đó quyết định sáp nhập và thành lập công ty Fuji Heavy Industries. Lúc này, CEO của Fuji Heavy Industries là Kenji Kita muốn công ty mới này tham gia sản xuất xe ô tô và nhanh chóng bắt đầu kế hoạch xây dựng một chiếc xe với mã phát triển là P-1, ông đã đặt tên công ty bằng chữ tiếng Nhật mà ông “cực kỳ yêu thích với cả trái tim mình”: Subaru - tên của cụm sao Tua Rua trong tiếng Nhật. Chiếc xe Subaru đầu tiên được đặt tên là Subaru 1500.

Tại Việt Nam, Subaru thâm nhập thị trường từ cuối năm 2009. Những mẫu xe của Subaru mang về Việt Nam luôn được đánh giá cao ở khả năng vận hành mạnh mẽ, ổn định. Các trang bị tiện nghi, an toàn vượt xa các đối thủ cùng phân khúc.

8. Isuzu

cac-hang-xe-nhat-co-mat-tai-viet-nam

Công ty được hình thành từ năm 1916 sau nhiều biến cố và đổi tên, đến năm 1934, Bộ trưởng Bộ Công thương đã đặt tên cho chiếc xe tải là Isuzu, với nghĩa là “fifty bells” (50 cái chuông), tương tự tên của một dòng sông ở Nhật Bản. Cho tới năm 1949, tên của công ty chính thức được đổi thành Isuzu Motors Ltd.

Tại Việt Nam, Công ty TNHH Ô tô Isuzu Việt Nam được thành lập năm 1995, là doanh nghiệp liên doanh Việt Nam – Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp và phân phối các sản phẩm xe thương mại nhãn hiệu Isuzu – thương hiệu hàng đầu thế giới về xe thương mại và động cơ diesel. Công ty Isuzu Việt Nam hiện cung cấp cho thị trường các sản phẩm đa dạng đáp ứng nhu cầu khách hàng, bao gồm các dòng xe tải nhẹ, xe tải trung, xe tải nặng, khung gầm xe bus và xe bán tải. Các dòng sản phẩm này đang được phân phối thông qua hệ thống đại lý chính thức (I-mark salon) trải dài từ Bắc đến Nam của Isuzu Việt Nam. Bên cạnh đó, hệ thống I-mark salon còn thực hiện các dịch vụ sửa chữa, bảo hành – bảo dưỡng và cung cấp phụ tùng chính hãng.

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.