Tin xe, - 02/11/2020 03:55 PM
Porsche đã hoàn tất lắp đặt và chính thức đưa vào sử dụng hệ thống sạc điện cho ô tô đầu tiên tại Hà Nội, một phần trong nỗ lực dọn đường cho mẫu xe thể thao chạy điện Taycan.

Đây cũng là động thái mới nhất của các hãng ô tô trong việc thúc đẩy sự phổ biến của xe chạy điện thân thiện môi trường tại Việt Nam. Các trạm sạc không chỉ phục vụ xe thuần điện (EV) mà còn rất cần thiết cho các xe hybrid cắm-sạc (PHEV) vốn bắt đầu phổ biến tại Việt Nam.

Điểm sạc tại Hà Nội của Porsche sử dụng hai thiết bị sạc loại dùng dòng điện xoay chiều 3 pha với công suất 22kW. Đây là thiết bị khác với trạm sạc nhanh (HPC) với công suất lớn mà Porsche đã lắp đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Trạm sạc HPC có công suất 175 kW, cho phép xe Taycan nạp điện từ mức 5% đến 80% pin chỉ trong 22,5 phút (thay vì cần tới 4 giờ như bộ sạc tại Hà Nội). Tuy nhiên, dù sử dụng lựa chọn nào, người dùng đều sẽ nạp điện nhanh hơn nhiều so với việc sử dụng nguồn điện tại gia (thông qua bộ sạc đi kèm của xe) – thường vào khoảng 12 tiếng với điện 220v hoặc 24 tiếng với điện 110v.

Ngoài hai điểm sạc nói trên, Porsche cũng cho biết về lâu dài sẽ lắp đặt các trạm sạc điện có công suất tối đa lên đến 350 kW nhằm đón đầu xu hướng ô tô điện hóa tại thị trường Việt Nam. Với lựa chọn này, xe Taycan có thể sạc đầy pin chỉ trong vòng 93 phút, hoặc thậm chí chỉ mất 4 phút để có đủ lượng điện cho phép đi được 100km – rất lý tưởng cho việc nạp nhanh giữa hành trình.

Tổng Giám đốc Porsche Việt Nam Andreas Klingler nhận định, Việt Nam với đặc thù là một nước có dân số trẻ, dễ tiếp nhận các sản phẩm công nghệ cao nên lĩnh vực di chuyển sử dụng điện năng thay cho các nhiên liệu hóa thạch truyền thống sẽ trở nên phổ biến trong tương lai. 

Ngoài Porsche, Mitsubishi cũng đã lắp ráp trạm sạc ô tô điện tại Đà Nẵng, một phần trong dự án thí điểm hợp tác với Bộ Công Thương Việt Nam. Trước đó, GM Việt Nam (hiện thuộc VinFast) cũng đã mang xe điện Bolt EV và giải pháp trạm sạc đến với người dùng Việt Nam trong khuôn khổ Triển lãm ô tô Việt Nam năm 2017. 

Tuy nhiên, việc triển khai các trạm sạc trên diện rộng tại Việt Nam không đơn giản. Theo Tổng Giám đốc Audi Việt Nam Laurent Genet, với chi phí lắp đặt một cột sạc chuyên dụng có thể lên tới 80.000 USD, việc triển khai rộng rãi mạng lưới sạc nhanh là thách thức lớn về tài chính. Bên cạnh đó, việc đảm bảo được một chuẩn sạc đồng nhất cũng như nguồn cung cấp điện phù hợp cho các trạm cũng không dễ dàng. Do đó, một lộ trình thống nhất về việc triển khai hạ tầng sạc trên quy mô toàn quốc, với những quy chuẩn rõ ràng về kỹ thuật là rất cần thiết. Trong đó, các nhà sản xuất cần có sự hợp tác và chia sẻ. Hiện nay, Audi cũng đang cân nhắc việc triển khai các trạm sạc riêng tại Việt Nam.

Cũng theo các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, bên cạnh xây dựng hạ tầng kỹ thuật, việc chia sẻ kiến thức đặc thù về sử dụng xe điện cũng rất quan trọng. Tương tự như với xăng hay dầu diesel lâu nay, sử dụng năng lượng điện cũng cần tuân thủ theo các nguyên tắc nhất định, qua đó đảm bảo an toàn cho người dùng cũng như kéo dài tuổi thọ và tối ưu trải nghiệm đối với những chiếc xe. 

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Gửi thông tin

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến MXH ô tô - xe máy và golf tại Việt Nam xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.