Cảm giác lái thế nào?
Đây gần như là chủ đề luôn được nhắc đến trong mọi cuộc tranh luận chọn xe. Người hỏi thì hỏi chiếc xe có cảm giác lái thế nào, còn những người trả lời thì đánh giá từ chán đến tốt. Nhưng, cảm giác lái là gì thì đôi khi đến chính chúng ta cũng khó có thể định nghĩa. Người này nghĩ cảm giác lái tốt là vô lăng phải nặng, nhưng người kia lại cho rằng ngồi trên xe phải thấy chắn chắn. Ngay cụm từ “cảm giác” đã thể hiện rõ sự mơ hồ của nó. Vậy, với một thứ không rõ ràng và mỗi người có một định nghĩa hay quan niệm khác nhau, thì liệu câu hỏi đã có lời giải đáp chính xác?
Tuy nhiên, vẫn có những tiêu chí nhất định để một người biết được mình cần gì khi nói đến cảm giác lái. Tiêu chí đầu tiên tất nhiên là lái. Có thể hiểu nôm na là mức độ phản ứng chính xác từ bánh xe truyền lên vô lăng và khả năng cân bằng của xe. Một chiếc xe được cho là lái hay khi người lái có thể cảm nhận chi tiết sự dịch chuyển của xe qua từng cú đánh lái, qua đó biết được những gì đang diễn ra giữa bánh xe và mặt đường. Ngoài ra, một chiếc xe cân bằng tốt, ít chòng chành cũng đem lại ấn tượng tích cực về cảm giác lái. Tiêu chí tiếp theo là sức mạnh động cơ. Một cỗ máy mạnh mẽ đủ sức kéo lưng dính ghế kết hợp hộp số với thuật toán thông minh giúp bước chuyển số mượt mà sẽ luôn mang lại cảm giác phấn khích cho người cầm lái và sự thoải mái trong suốt quá trình vận hành.
Khi đã biết cách để đánh giá chiếc xe có đáp ứng được yêu cầu của mình về cảm giác lái hay không thì người dùng sẽ nhận ra mình đang có những mong muốn vô hạn với số tiền giới hạn vì họ đã hỏi…..
Chiếc xe có vận hành êm ái không?
Cảm giác êm ái có được nhờ hệ thống treo được điều chỉnh để có thể dập tắt nhanh các dao động giúp chiếc xe không bị xóc, việc lái xe trở nên êm dịu và người ngồi trong xe có được trải nghiệm thoải mái. Nhưng, dù không đi quá sâu vào kỹ thuật, chúng ta cũng nên biết rằng cảm giác lái và vận hành êm ái có thể được coi là sự đánh đổi của nhau. Cụ thể, như đã định nghĩa ở trên, chiếc xe có cảm giác lái hay là chiếc xe có khả năng cân bằng tốt; và để có sự cân bằng tốt này thì hệ thống treo của xe sẽ được thiết lập để trở nên cứng hơn. Và một lẽ dĩ nhiên, xe sẽ xóc hơn.
Thông thường, một chiếc xe được làm ra sẽ theo một phong cách nhất định, ưu tiên trải nghiệm người lái (cảm giác lái) hoặc tập trung vào trải nghiệm của hành khách (sự êm ái). Do đó, người dùng không nên kỳ vọng sẽ tìm được mẫu xe có đầy đủ các yếu tố: phản hồi vô lăng tốt, khả năng cân bằng tốt và cảm giác êm ái. Trên thực tế, có những mẫu xe đáp ứng được cả ba điểm này. Nhưng sự đắt đỏ của công nghệ được áp dụng trên nó, ví dụ như hệ thống treo thích ứng (Adaptive suspension), sẽ làm cho chiếc xe có giá không hề dễ chịu với đại đa số người dùng.
Xe dùng có bền, có hay hỏng vặt không?
Nói về độ bền thì lại gợi nhớ đến câu chuyện kinh điển giữa xe Nhật và xe Hàn. Từ rất lâu và cho đến tận bây giờ, vẫn có quan niệm cho rằng những chiếc xe của các thương hiệu đến từ Hàn Quốc không thể bền bằng đối thủ của mình. Nhưng đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy, chỉ cần sử dụng và bảo dưỡng đúng cách, những chiếc xe bị cho là kém bền này vẫn chạy hàng vạn ki-lô-mét mà không gặp bất cứ vấn đề gì. Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ khác để chứng minh cho tính đúng đắn của câu thành ngữ “Của bền tại người”. Sẽ không có chiếc xe bền hay không bền, mà chỉ có cách sử dụng hợp lý hay không hợp lý.
Còn hỏng vặt thường sẽ gọi tên các thiết bị điện tử. Đã từng có nhận xét về xe của hãng T rằng xe không có gì để mà hỏng. Nghe thì có vẻ châm biếm; nhưng cũng rất đúng, nhất là với những thị trường có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam. Càng ít trang bị điện tử, chiếc xe sẽ càng ít nguy cơ hỏng vặt. Thế nhưng, khi chọn xe thì đa số lại lấy “option” ra để làm tiêu chí để chứng minh xe này hơn xe kia, dù rằng có thể tùy chọn đó không thực sự hữu dụng hoặc họ cũng không dùng đến. Thêm một lần nữa, người dùng lại phải biết chấp nhận đánh đổi, nhiều trang bị và nhiều nguy cơ gặp hỏng vặt.
Trên đây là ba thắc mắc phổ biến nhất, đặc biệt là với những khách hàng mua xe lần đầu; nhưng những tư vấn được nhận lại thì dường như lại ít có giá trị cho việc quyết định mua. Trong khuôn khổ bài viết, rất khó để phân tích ngọn nghành chi tiết từng yếu tố; tuy nhiên, để chọn được chiếc xe ưng ý thì người dùng trước tiên nên làm rõ mục đích sử dụng (đi làm hay đi chơi), thứ tự các ưu tiên (cần khoang chứa đồ rộng, cảm giác lái thể thao hay nhiều trang bị) và sau đó đi chạy thử trực tiếp để tìm ra đúng chiếc xe mà mình cần. Việc tham khảo sẽ hợp lý hơn khi hỏi về các vấn đề liên quan đến kinh nghiệm vận hành hay bảo dưỡng.
Mua xe năm nay hay chờ sang năm 2018 khi thuế nhập khẩu về 0% là vấn đề được độc giả nghi vấn nhiều nhất trên VnExpress.