Do mức phạt cao, giá trị chiếc xe không lớn, nhiều người vi phạm giao thông sẵn sàng bỏ luôn xe và không chấp hành nộp phạt.

Cộng với hàng chục nghìn xe vô chủ khác, các bãi trông giữ xe vi phạm trên địa bàn TP.HCM ngày càng quá tải, trong khi thủ tục xử lý đối với những chiếc xe này rất phức tạp, mất nhiều thời gian.

Vì sao có những người thà bỏ luôn xe máy chứ không chịu đóng phạt?

Sau cuộc nhậu vào tối thứ 7, ông V.T.N chạy xe máy về nhà trọ tại quận 7 (TP.HCM) trong tình trạng hơi men chếnh choáng. Trên đường Nguyễn Trãi, ông N bị Tổ tuần tra kiểm soát thuộc CSGT Quận 5 đã yêu cầu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn.

Với mức vi phạm 0,5 miligam/1 lít khí thở, ông N phải chịu mức phạt 8 triệu đồng và bị tạm giữ phương tiện 7 ngày và tước giấy phép lái xe đến 24 tháng.

Tuy nhiên, chiếc xe máy hiệu Honda Wave Alpha dùng hơn chục năm nếu có bán cũng không được 5 triệu đồng nên ông N đã ngậm ngùi quyết định bỏ luôn chiếc xe và mua một chiếc xe cũ với giá hơn 3 triệu đồng một chút để làm phương tiện đi lại.

Thêm một trường hợp điển hình tương tự khác, anh T.L, trú tại TP.HCM từng vi phạm giao thông và bị CSGT Công an quận 3 giữ phương tiện chia sẻ: “Cách đây vài tháng, tôi bị giữ xe vì vi phạm nồng độ cồn, mức phạt cao quá, tôi không xin xỏ được nên tôi quyết định bỏ xe luôn”.

Anh L cho biết thêm: “Chiếc xe máy đã mua lại với giá hơn 6 triệu đồng và đi được gần 5 năm nay, giờ bị phạt tới 7 triệu đồng thì thôi bỏ luôn, mua xe mới chứ tiền đâu mà đóng phạt”.

“Đối với những phương tiện này toàn xe cũ, giá trị không lớn, trong khi mức phạt lại cao, nên chủ xe thường bỏ luôn. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp xe không có giấy tờ, đăng ký, xe gian, xe nghi tang vật của vụ án nào đó cũng làm người vi phạm bỏ luôn xe”, BTV của CafeAuto chia sẻ quan điểm với các bạn đọc.

Lãnh đạo một đội CSGT phụ trách địa bàn trung tâm TP.HCM cho biết, ở đội cũng gặp nhiều trường hợp người vi phạm không đến đóng phạt để nhận lại xe sau khi bị lập biên bản.

Anh còn chia sẻ thêm: “Có người vi phạm ngay khi bị thổi đã than thở, nói cho xe CSGT luôn rồi không xuất trình các giấy tờ liên quan. Về nguyên tắc, CSGT sẽ lập biên bản, tạm giữ xe, ghi nhận tại thời điểm kiểm tra người vi phạm không xuất trình được các giấy tờ. Chiếc xe giá trị không quá cao, như vậy là biết người vi phạm sẽ không đến lấy lại xe”.

Quá tải bãi trông giữ xe vi phạm, hàng nghìn xe phơi nắng mưa

Mới đây, trên các bài báo được đăng tải, các kho bãi tạm giữ xe vi phạm của các quận trong TP.HCM cho thấy, có hàng nghìn xe máy đang nằm lộ thiên phơi mưa, phơi nắng. Nhiều xe máy bỏ quá lâu bám đầy bụi bặm, bong tróc bởi nắng mưa. Do diện tích chật nên nhiều xe máy được xếp chồng lên nhau để tăng diện tích bãi chứa.

Hiệntại, công an quận đang triển khai làm thủ tục thanh lý. Trong thời gian này, đơn vị phải trích ngân sách thực hiện đăng tin, thông báo tìm chủ phương tiện.

Việc chủ xe không đến làm thủ tục xử lý, nhận lại xe khiến cơ quan chức năng khó khăn trong công tác bảo quản. Xe bị giữ lâu ngày phải rút hết xăng để phòng tránh cháy, nổ. Mùi xăng, hóa chất để lâu ngày cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của người làm nhiệm vụ bảo quản phương tiện vi phạm.

"Quá lãng phí! Công an cần phải tham mưu cho ủy ban chỉ đạo các ngành chức năng có chính sách, hướng dẫn thực hiện sao cho đúng pháp luật, thuận tiện cho người dân, chứ cứ để xe giam giữ như hiện nay thì vừa lãng phí tài sản, bến bãi", bạn đọc Trương Quang Hiên đề xuất.

Cùng nói về thực trạng trên, bạn đọc Mai Anh dẫn chứng: "Chúng ta cứ thử lên ngay đường dẫn ở cầu Phú Mỹ phía quận 7 sẽ thấy bãi xe tang vật hoành tráng của Công an quận 7 bỏ như đống phế liệu, do xe giá trị thấp và người vi phạm bỏ luôn thay vì đến làm thủ tục nộp phạt lấy xe".

“Số xe này quy ra tiền ban đầu quả là một con số không hề nhỏ. Nhà nước nên sớm thanh lý hoặc có phương cách xử lý nhằm tránh lãng phí của cải người dân cũng như ngân sách nhà nước", bạn đọc Dang Hai cùng bày tỏ.

Phương tiện mà người vi phạm bỏ lại sẽ được xử lý như thế nào?

Khi chiếc xe được xác định vô chủ, công an sẽ tiêu hủy hoặc tịch thu, đấu giá chiếc xe. Tuy nhiên, quy trình tịch thu, đấu giá, tiêu hủy hiện khá phức tạp, nên tính từ thời điểm xe bị tạm giữ đến khi xử lý được, ít nhất mất hơn một năm. Khi đó, những chiếc xe đã thành đống sắt vụn, số tiền thanh lý xe không đủ trả chi phí vận chuyển xe đi bán, chưa nói gì đến phí trông giữ phương tiện.

Theo tìm hiểu của CafeAuto, hiện nay, các đội CSGT tại TP.HCM đang phải trông coi nhiều phương tiện đã quá thời hạn tạm giữ theo quy định mà người vi phạm không đến nhận. Theo quy định, nếu đã quá thời hạn tạm giữ mà không biết rõ chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến giải quyết để nhận lại xe vi phạm hành chính thì CSGT sẽ tiến hành các thủ tục để ra quyết định tịch thu phương tiện sung vào công quỹ Nhà nước.

Các xe thuộc diện thanh lý sẽ được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết danh sách nơi công cộng, đăng lên trang thông tin điện tử của Công an thành phố trước khi chuyển sang Trung tâm Bán đấu giá tài sản để định giá, đưa ra bán đấu giá.

Bên cạnh đó. để tránh việc xe vi phạm nằm bãi quá lâu, tồn đọng, cần cho phép cảnh sát giao thông có giải pháp rút gọn thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý để có thể mang xe vi phạm bán đấu giá, sung công quỹ nhanh hơn.

Mức kịch khung, giam bằng bao lâu khi vi phạm nồng độ cồn năm 2023?

Tạm giữ xe (hay tạm giữ phương tiện) là một hình thức xử phạt được quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Người có thẩm quyền xử phạt nồng độ cồn được phép tạm giữ phương tiện tối đa đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm nồng độ cồn kể trên.

Hiện hành, mức phạt nồng độ cồn khi lái xe được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) cụ thể như sau:

Phạt vi phạm nồng độ cồn đối với ô tô

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, về mức xử phạt nồng độ cồn đối với ô tô, tài xế ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn có thể bị phạt tiền cao nhất tới 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 năm.

Phạt vi phạm nồng độ cồn đối với xe máy

Đại diện lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP.HCM cho biết, CSGT xử phạt vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ).

Tùy vào mức nồng độ cồn vi phạm mà tài xế xe máy, ô tô, xe đạp, máy kéo, xe máy chuyện dùng sẽ bị CSGT xử lý, lập biên bản với các mức phạt khác nhau. Mức vi phạm nồng độ cồn nặng nhất, thì bị phạt kịch khung từ 6 - 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng đối với người lái xe máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng.

Phạt vi phạm nồng độ cồn đối với xe đạp

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, về xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ quy định:

Vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, bị phạt từ 80.000 - 100.000 đồng. Vi phạm nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/1 lít khí thở, bị phạt từ 300.000 - 400.000 đồng. Vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, bị phạt 400.000 - 600.000 đồng.

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Gửi thông tin

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến MXH ô tô - xe máy và golf tại Việt Nam xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.