Doanh nghiệp vận tải du lịch kiệt quệ
Đó là tình trạng chung diễn ra hiện nay đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải hành khách sau gần nửa năm hoạt động cầm chứng với 4 tháng nằm yên tại chỗ vì dịch bệnh bùng phát. Nhiều doanh nghiệp đã đứng trên bờ vực phá sản, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động tại các tỉnh thành có dịch vụ du lịch phát triển.
Các đầu xe hoạt động vận tải hành khách vẫn nằm im sau dịch bệnh.
Từ các loại hình vận tải bằng xe 16 chỗ cho đến vận tải hành khách liên tỉnh đều cho biết đã kiệt quệ vì chi phí phát sinh trong khi gần nửa năm không làm ăn được gì.
Anh Nguyễn Quang Long ở Đà Năng cho biết, trước đó đã vay ngân hàng đầu tư 4 đầu xe liên kết với các trung tâm dịch vụ lữ hành ký kết hợp đồng đưa đón khách du lịch thì đến nay khoản vay này đang trở thành gánh nặng vô cùng lớn. “Lợi thế ở tỉnh có lượng khách du lịch đông nên mình cũng mạnh dạn đầu tư xe hoạt động, đợt dịch năm ngoái ảnh hưởng tương đối ít khi trong nước kiểm soát tốt tình hình nhưng đợt dịch bùng phát mạnh từ tháng 4 vừa qua khiến mọi việc đình trệ quá lâu và vượt ngoài tầm kiểm soát của tôi”.
Anh Long nói thêm, “tính đến nay đã 5-6 tháng có hoạt động được gì đâu trong khi chi phí lãi vay và gốc vẫn đều đặn đến cũng như các khoản dùng để duy trì đội xe. Gần đây các hoạt động vận tải đã được phép hoạt động trở lại nhưng nhìn chung vẫn chỉ là cầm chừng khi khách rất thưa thớt, đặc biệt là khách du lịch khi đến giờ làm gì có ai tâm trạng mà đi chơi”.
Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) thì hoạt động vận tải hàng hóa thời gian qua chỉ đạt khoảng 40% trong khi đó vận tải hành khách chỉ ở mức 20%, đây là tỷ lệ rất thấp và khả năng hồi phục có thể mất khoảng 2-3 năm sau khi công bố hết dịch.
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải
Cho đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã lên phương án hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải trong đó nổi bật là 2 phương án: Đề xuất giảm lệ phí cấp giấy đăng kiểm xe ô tô còn 0 đồng và miễn, giảm phí sử dụng đường bộ.
Đối với phương án giảm lệ phó cấp giấy đăng kiểm phương tiện, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài Chính xem xét giảm lệ phí đăng kiểm đối với phương tiện xe cơ giới cấp lần đầu trong 4 tháng cuối năm về mức 0 đồng.
Hoạt động tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới
Với phương án giảm giá dịch vụ đăng kiểm cũng được đề xuất tuy nhiên đến nay phương án này đang vấp phải sự phản đối từ các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Cục Đăng kiểm đã gửi văn bản xin ý kiến 251 Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước để xin ý kiến về phương án giảm giá dịch vụ đăng kiểm nhưng chỉ có 121 Trung tâm phản hồi với 18 đồng ý và 95 phản đối với lý do các Trung tâm này cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vì không có phương tiện đến kiểm định trong thời gian qua và hầu hết đều đang thua lỗ.
Đối với phương án miễn giảm phí sử dụng đường bộ thì Bộ GTVT cũng đề xuất giảm 30% mức phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách và 10% mức phí đối với xe kinh doanh vận tải. Các phương tiện kinh doanh vận tải phải dừng hoạt động từ 30 ngày trở lên đã được miễn 100% phí sử dụng đường bộ trong thời gian dừng hoạt động.
Bên cạnh sự hỗ trợ này từ cơ quan quản lý, các doanh nghiệp đang đề xuất các chính sách khác bao gồm giảm lãi suất ngân hàng, không xử phạt xe quá hạn đăng kiểm, giãn nợ, kéo dài thời gian miễn đóng bảo hiểm…"Chúng tôi cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, cùng hỗ trợ nhau để hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, thực tế mà nói chúng tôi hoạt động ổn định trở lại cũng là góp phần giúp các đơn vị khác hoạt động trở lại bình thường, mọi thứ đều liên kết chặt chẽ với nhau tại thời điểm này", anh Long nói thêm.