CSGT không làm thay nhiệm vụ đăng kiểm của ngành giao thông
Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, đến thời điểm này, 50 cán bộ kiểm định của lực lượng CSGT tăng cường cho công tác đăng kiểm đã bắt tay vào công việc. Trong đó, 30 cán bộ được tăng cường cho 10 trung tâm tại Hà Nội và 20 người cho 9 trung tâm ở TP.HCM.
Đồng thời, vị đại diện Cục CSGT khẳng định, các ý kiến trái chiều cho rằng lực lượng công an đang từng bước làm thay việc của Bộ GTVT là không đúng. Việc tăng cường chỉ là tạm thời theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an.
“Theo thống kê, năm 2022 cả nước có 474.284 xe đăng ký lần đầu, từ 1/1- 8/3 năm nay đã có 62.809 xe đăng ký mới. Nếu thực hiện bỏ quy định xe đăng ký lần đầu sẽ giảm áp lực rất lớn cho công tác đăng kiểm”, Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết.
Chưa bao giờ đi đăng kiểm "vật vã" như bây giờ
Những người sử dụng ô tô trên cả nước nói chung và khu vực Hà Nội nói riêng đều phải thốt lên là chưa bao giờ mang xe đi đăng kiểm vất vả, mất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc như bây giờ, và tình trạng này có thể kéo dài thêm kha khá thời gian nữa.
Cánh lái xe mệt mỏi, người nằm nghỉ trong xe, người thì ngồi ở bãi cỏ ngoài cổng chực chờ để mỗi lần dòng xe nhích lên vài mét còn kịp có mặt kẻo... mất chỗ.
“Ở Bắc Ninh "dễ thở" hơn một chút, nhưng vẫn phải chờ đến ngày hôm sau tôi mới được đăng kiểm. Cả tuần trước tôi ăn, nghỉ trên xe. Nhà cũng không dám về. Quần áo gọi người nhà mang đến, còn đồ ăn đến bữa đặt trên mạng. Thậm chí, ban đêm tôi cũng không dám chợp mắt vì sợ ngủ quên xe khác chèn vào”, anh Lương than thở.
Anh Lương vừa cười vừa chia sẻ thêm: “Nhiều năm nay, cứ mỗi 6 tháng tôi đi đăng kiểm một lần, nhưng chưa bao giờ thấy khổ như đợt này”.
“4 giờ sáng ngày 6/3, tôi có mặt nhưng dòng xe đã xếp hàng ra đến đường QL32. 1 giờ ngày 8/3, sau 2 ngày xếp hàng, xe mới di chuyển được vào gần khu vực cổng trung tâm đăng kiểm, cách đó hơn 1 km. Chưa bao giờ tôi gặp phải cảnh này, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và thu nhập”, anh N.M.T than thở.
"Xếp hàng từ từ 19 giờ hôm qua. Lúc tôi đến đã có 15 ô tô xếp trước. Do gia đình có việc, không chờ được, tôi gửi 100.000 đồng nhờ người bán nước xếp hộ đêm qua. 8 giờ sáng tôi được vào kiểm định nhưng xe bị lỗi đèn, lại phải đi sửa", tài xế Nguyễn Xuân Hai nói.
Nhìn các nước như Mỹ, Đức hay Nhật Bản đem xe đi đăng kiểm mà thèm
Tại Mỹ, Đức và Nhật Bản, chủ xe chỉ phải đi đăng kiểm sau một thời gian sử dụng nhất định. Việc đăng kiểm thường do các công ty tư nhân được chính phủ ủy quyền thực hiện.
Đầu tiên ở Mỹ, các quy định về đăng kiểm xe cơ giới có thể thay đổi theo luật của từng bang. Hầu hết quá trình đăng kiểm tại các bang đều liên quan đến an toàn kỹ thuật của xe và mức độ khí thải.
Về việc kiểm định kỹ thuật, phương tiện sẽ được kiểm tra các tính năng an toàn như gương chiếu hậu, hệ thống lái, dây an toàn, hệ thống phanh... Ngoài ra, tất cả các bang đều cấm việc thay đổi độ cao gầm xe, không thay đèn pha quá sáng, không lắp đèn lên nóc xe tải...
Trong khi đó, quá trình kiểm tra khí thải có thể được tiến hành tại các cơ sở tư nhân được chính phủ cấp phép. Thời gian kiểm định thường là 2 năm một lần, nhưng có thể thay đổi tùy vào khu vực.
Hiện tại, có 31 bang tại Mỹ yêu cầu kiểm tra khí thải định kỳ. Một số bang như Iowa, Florida hay Kansas không bắt buộc điều này. Quá trình đăng kiểm thường mất khoảng 2 giờ tại các cơ sở được Cục Phương tiện giao thông (DMV) cấp phép.
Tại Đức, chủ sở hữu ô tô mới không cần đăng kiểm và các loại xe khác nhau sẽ có thời hạn kiểm định khác nhau. Với ô tô mới dưới 8 chỗ, chủ xe cần đi đăng kiểm lần đầu sau 3 năm sử dụng. Sau lần kiểm định này, chủ xe tiến hành đăng kiểm định kỳ 2 năm một lần.
Quy trình đăng kiểm tại Đức bao gồm 2 phần chính: "Kiểm tra mức độ đảm bảo an toàn giao thông" và "Kiểm tra khí thải". Phần kiểm tra khí thải thường được thực hiện trước, nếu có lỗi phát sinh về cơ khí hoặc hệ thống điện tử, chủ xe có 1 tháng để khắc phục. Để tránh việc phải chờ đợi, chủ xe có thể đặt lịch trước thông qua trang web hoặc ứng dụng di động của các công ty đăng kiểm.
Tại Nhật Bản, hệ thống đăng kiểm được sử dụng để đảm bảo phương tiện đủ điều kiện lưu thông an toàn. Thời hạn đăng kiểm đối với xe mới mua là sau 3 năm, sau đó là 2 năm một lần. Ngoài ra, đây cũng là phương pháp để xác định liệu phương tiện có được độ chế hợp pháp hay không.
Người sử dụng phương tiện quá hạn đăng kiểm sẽ bị phạt theo quy định pháp luật. Các phương tiện bị thay đổi cấu trúc không phù hợp sẽ bị dán tem đỏ và cấm lưu thông.
Việc đăng kiểm phương tiện cơ giới tại Nhật Bản có thể được tiến hành tại các gara được ủy quyền hoặc trung tâm đăng kiểm đặt tại các thành phố. Các đại lý ô tô cũng có dịch vụ đăng kiểm hộ, nhưng chi phí sẽ cao hơn đôi chút.
Để đăng ký đăng kiểm, chủ phương tiện có thể đặt lịch trực tuyến qua trang web của các trung tâm kiểm định. Quá trình xếp lịch thường mất từ 2 - 3 ngày tùy từng địa phương.
Muốn trở thành đăng kiểm viên thì nên học ngành gì?
Theo Nghị định 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, đăng kiểm viên là người có đủ trình độ, kỹ năng được cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm viên để thực hiện một phần hoặc toàn bộ việc kiểm định xe cơ giới. Đăng kiểm viên gồm 2 hạng: Đăng kiểm viên xe cơ giới và đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.
Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên xe cơ giới là có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học chuyên ngành đào tạo Kỹ thuật cơ khí, trong chương trình đào tạo đại học có các nội dung sau: Lý thuyết ô tô; Cấu tạo ô tô; Kết cấu tính toán ô tô; Bảo dưỡng kỹ thuật ô tô; Động cơ đốt trong và Điện ô tô hoặc các nội dung tương đương. Trường hợp không đầy đủ các nội dung trên, có thể được đào tạo bổ sung tại các trường đại học.
Bên cạnh đó, cần có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên theo nội dung do Bộ Giao thông vận tải quy định; Có kết quả đánh giá đạt yêu cầu nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới theo quy định của Bộ Giao thông vận tải; Có giấy phép lái xe ô tô còn hiệu lực.
Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao là có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học chuyên ngành đào tạo kỹ thuật cơ khí, trong chương trình đào tạo đại học phải có đầy đủ các nội dung sau: Lý thuyết ô tô; Cấu tạo ô tô; Kết cấu tính toán ô tô; Bảo dưỡng kỹ thuật ô tô; Động cơ đốt trong và Điện ô tô hoặc các nội dung tương đương.
Bên cạnh đó, phải đáp ứng điều kiện là đăng kiểm viên xe cơ giới có kinh nghiệm tối thiểu 36 tháng, có kết quả đánh giá đạt yêu cầu nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.