So với công nghệ mâm thép cũ kỹ, mâm hợp kim nói chung cho thấy sự vượt trội về nhiều. Đó là trọng lượng nhẹ hơn, thiết kế mở cho phép tản nhiệt phanh hiệu quả hơn, chống ăn mòn tốt hơn và đóng góp nhiều hơn vào mặt thẩm mỹ của xe. Với những ưu điểm trên, công nghệ này được coi là một trong những bước tiến quan trọng nhất trong lĩnh vực xe hơi. Và người đi tiên phong trong việc sử dụng vành hợp kim nhôm cũng là một tên tuổi, nổi tiếng với những chiếc xe nhanh nhất thế giới. Đó chính là Bugatti.
Mọi thứ được manh nha hình thành vào năm 1920 khi nhà thiết kế xe đua Harry A. Miller nảy ra ý tưởng chế tạo những bộ mâm từ nhôm. Một tiền đề cho ý tưởng này chính là sự ra đời của quy trình điện phân để sản xuất nhôm. Thế nhưng, Miller không thể cho ra đời những bộ vành hợp kim nhôm dù ông vẫn sở hữu bằng sáng chế cho ý tưởng nói trên.
Và Ettore Bugatti đã hiện thực hóa được ý tưởng này bằng những chiếc khuôn do ông tự phát triển. Cụ thể, năm 1924 chứng kiến sự ra đời của chiếc xe đầu tiên mang bộ mâm hợp kim nhôm. Khi đó, Bugatti muốn chấm dứt việc sử dụng các loại mâm chấu nhỏ truyền thống. Chính xác thì Bugatti đã trình làng một kết cấu hoàn chỉnh, bao gồm vành 8 chấu tráng nhôm tích hợp niềng tháo rời và phanh tang trống. Đây cũng chính là công thức thành công được áp dụng trên mẫu xe đua huyền thoại Type 35.
Về tổng thể, phát minh của Bugatti cho thấy sự tổng hòa của nhiều yếu tố: thẩm mỹ, sự đơn giản và tính đột phá. Người sáng lập của Bugatti đặt nhiều hy vọng vào loại vành mới sẽ giúp cải thiện thành tích trên đường đua. Giải đấu đầu tiên mà nó góp mặt chính là Gran Prix Lyon 1924. Tuy nhiên, do những vấn đề kỹ thuật, một số chiếc xe đã không thể hoàn thành cuộc đua. Nhưng có một sự thật là các sự cố đó không xuất phát từ những chiếc mâm mà là do những chiếc lốp.
Dù khởi đầu không như ý song mâm hợp kim nhôm ngày càng chứng minh được giá trị của mình và không ngừng tiến hóa để trở nên tốt hơn. Bằng việc áp dụng nhiều kiểu thiết kế phức tạp, Bugatti có thể làm giảm nhiễu động không khí cũng như lục cản ở bánh xe và vòm bánh xe. Điều đó có nghĩa là hiệu năng khí động học của chiếc xe đã được cải thiện. Không những vậy, khả năng làm mát cũng được nâng cao, nhờ đó gia tăng hiệu suất làm việc của phanh.
Trong khi đó, thiết kế niềng tách rời cho phép chiếc xe vào cua ở tốc độ cao hơn. Với một điểm gá ở trung tâm, bộ vành này cũng giúp rút ngắn thời gian khi các tay đua ghé vào khu vực kỹ thuật. Ngoài ra, trọng lượng nhẹ hơn cũng giúp cải thiện khả năng xử lý và cho phép thực hiện nhiều tùy biến chuyên biệt ở hệ thống treo. Tóm lại, với hàng loạt điểm đột phá, mâm hợp kim nhôm đã giúp hãng xe nước Pháp thống trị các đường đua trong giai đoạn 1925-1930.
Chứng kiến những thành công mà Bugatti gặt hái, những nhà sản xuất xe hơi khác tất nhiên là không thể ngó lơ mâm hợp kim nhôm. Theo thời gian, công nghệ này ngày càng trở nên phổ biến và không ngừng được cải tiến. Mâm nhôm ngày càng nhẹ và cứng, đồng thời chúng được sản xuất dựa trên phương pháp đúc thay vì tráng như trước. Thậm chí, một số loại vành còn được chế tác từ những khối nhôm đặc. Ngoài nhôm, người ta còn dùng hợp kim ma-giê để sản xuất các bộ mâm dành cho xe hơi, chủ yếu là xe hiệu suất cao.
Bên cạnh mâm tráng nhôm, Ettrore Bugatti còn nắm giữ hơn 500 bằng sáng chế độc đáo khác. Thế mới thấy đóng góp của ông đối với lịch sử phát triển ngành công nghiêp ô tô là to lớn đến nhường nào. Sau 95 năm, nhiều phát kiến của người đàn ông gốc Ý này vẫn là những tiêu chuẩn để cả thế giới noi theo.
Ngày nay, thú chơi độ bánh lớn, thay mâm cho xế yêu không còn quá xa lạ với người sở hữu ô tô. Vậy Spacer là gì?