Lúc đó quả thực bối rối nên đã phân trần rằng “bữa nay công an đang bắt dây an toàn đó, phải đeo vào chứ không bị phạt lại mất vui” rồi tôi nhanh chóng lái sang một câu chuyện khác. Nhưng trong suốt chuyến đi ấy dường như tôi đơn độc.
Dù không phải là người quá can đảm và mạnh mẽ để có thể bảo ban ai đó làm theo ý nghĩ của mình. Nhưng những tình huống tiêu cực cứ luôn hiện lên trong đầu, thôi thúc tôi phải nói về tầm quan trọng của việc đeo dây an toàn. Mặc dù tôi biết tất cả đều đã rõ được hiệu quả của nó.
Thay đổi quan điểm và thói quen của ai đó chưa bao giờ là dễ dàng. Những ví dụ dẫn chứng nhanh chóng bị xua đi bởi những lý lẽ như: Vướng víu, thắt bụng, không thoải mái, có đi nhanh đâu mà sợ, hay sống chết có số,…
Ừ thì tuỳ mỗi người, tôi cũng không muốn một mình đối đầu với tất cả. Chuyến đi vẫn diễn ra suôn sẻ nhưng tôi vẫn thấy “ngượng” mỗi khi để tiếng “tạch” vang lên ở vị trí ghế của mình.
Thực tế, những định kiến trên vẫn xuất hiện trên phần đông những người sử dụng ô tô ở Việt Nam. Ngay cả trong gia đình, vợ, bố, mẹ hay anh, chị, em,… Khi ngồi lên xe mình đều phải là người chủ động nhắc nhở. Đôi khi cũng nhận được những cái cau mày hay tặc lưỡi. Trong mắt mọi người tôi luôn là người kỹ tính, khó ở hay là sợ chết.
Những nghiên cứu, con số hay những thử nghiệm liên quan đến dây đai an toàn liên tục xuất hiện trên các trang mạng. Hầu hết mọi người đều đã xem và cũng rõ được tầm quan trọng của dây đai trên ô tô. Nhưng có thực hiện hay không là ở một khía cạnh khác.
Có lần sếp tôi từng nói, hầu hết sẽ ít ai nhận ra bài học từ những sai lầm của người khác, mà họ chỉ thực sự tiếp thu khi chính họ mắc sai lầm. Câu nói đó gần như hoàn toàn đúng với bản thân tôi. Nhưng với việc này, để nhận ra được bài học và thay đổi phải chăng là quá lớn.
Còn nhớ cách đây 13 năm trước. Luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người sử dụng xe máy được ban hành. Thời điểm đó, ai cũng bàn tán xôn xao, có số phản đối với những lý do như lãng phí, không cần thiết,… Và đến nay, ai ra đường không đội mũ phải chăng là kẻ lập dị.