Nhiều độc giả phân vân hành vi "vượt đèn vàng" có giống "vượt đèn đỏ" và nếu mức phạt giống nhau thì có cần thiết phát sinh đèn vàng.
Theo Nghị định 46/2016 quy định, phạt tiền 1,2-2 triệu đồng đối với người điều khiển ôtô và 300.000-400.000 đồng với xe máy trong trường hợp "không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông". Nghị định không có khái niệm vượt đèn vàng, mà chỉ có khái niệm không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu.
Vậy như thế nào là không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu?
Theo Quy chuẩn 41/2016, tín hiệu vàng: báo hiệu sự thay đổi tín hiệu từ xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn "Vạch dừng xe". Nếu không có vạch sơn "Vạch dừng xe", thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn "Vạch dừng xe", nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau."
Như vậy, khi tín hiệu vàng bật sáng thì tài xế phải dừng xe. Nếu cố tình chạy tiếp sẽ phạm lỗi không tuân thủ hiệu lệnh đèn tín hiệu lệnh.
Cục CSGT cũng khẳng định việc phạt tài xế vượt đèn vàng là phù hợp với luật giao thông cũng như tương tự cách quy định trên thế giới.
Tuy nhiên cũng có ngoại lệ, đó là trường hợp những xe tới sát hoặc vượt qua vạch dừng đèn mới chuyển sang vàng thì được đi tiếp. Quy định này khiến nhiều tài xế thắc mắc, "thế nào là tới sát", "nếu dừng đột ngột có thể gây tai nạn cho xe phía sau thì phải làm thế nào"?
Nhiều tài xế cho rằng, vấn đề này chỉ được giải quyết khi cả CSGT và tài xế đều có cách nhìn nhận chung về tình huống. Nếu cả hai thấy rằng việc vượt qua là an toàn cho xe khác thì sẽ không bị xử phạt.
Thực tế, trường hợp này chỉ áp dụng cho những tình huống ngã tư không có đèn đếm giây. Ở những ngã tư có đếm giây, tài xế hoàn toàn có thể làm chủ chân ga để biết mình nên đi tiếp hay vượt thì an toàn hơn, trừ những người cố tình tăng ga để vượt, trường hợp này sẽ bị xử phạt.
Theo Vnexpress