Bạn cần nắm vững những kinh nghiệm lái xe máy dưới đây để bảo vệ cho bản thân và phương tiện, hạn chế xảy ra va chạm, tai nạn trong những ngày cận Tết Quý Mão 2023.

Luôn đội mũ bảo hiểm khi lái xe máy

Mũ bảo hiểm là người đồng hành giúp bảo vệ phần đầu của bạn được an toàn, hạn chế tổn thương nhất nếu không may xảy ra tai nạn. Tuyệt đối không nên đội mũ kém chất lượng và phải đội mũ đúng cách.

Đội mũ bảo hiểm là quy định trong Bộ Luật giao thông đường bộ bắt buộc người tham gia lưu thông bằng xe máy phải tuân thủ, dù di chuyển trong hẻm nhỏ hay đường lớn.

Theo nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy điện, xe gắn máy hoặc đội mũ sai quy định đối với người điều khiển, người ngồi trên xe sẽ bị xử phạt từ 200.000 - 300.000 VNĐ.

Luôn mang theo đầy đủ giấy tờ xe khi điều khiển phương tiện

Khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, bạn phải mang đầy đủ giấy tờ Luật giao thông đường bộ đã quy định, bao gồm: Giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, bảo hiểm xe và cả căn cước công dân hoặc chứng minh thư.

Việc mang đầy đủ giấy tờ sẽ giúp bạn chứng minh được mình có đủ điều kiện để điều khiển phương tiện, tránh những rắc rối khi cảnh sát giao thông kiểm tra. Theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008, mức phạt không mang đầy đủ giấy tờ xe từ 100.000 - 200.000 VNĐ.

Lái xe máy đúng tốc độ cho phép

Căn cứ Thông tư 31/2019/TT-BGTVT tốc độ tối đa cho phép của xe máy tại khu đông dân cư là 50 km/h. Trên các tuyến đường hiện nay đều có biển giới hạn tốc độ, không khó khăn để bạn biết chính xác tốc độ giới hạn. Nắm bắt và tuân thủ những quy định tốc độ xe máy khi tham gia giao thông là cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, tránh bị xử phạt do vi phạm luật.

Theo nghị định 100/2019/NĐ-CP, cá nhân điều khiển xe máy đi quá tốc độ cho phép sẽ bị xử phạt từ 600.000 - 1.000.000 VNĐ. Cũng theo quy định tại Điểm b Khoản 7 Điều 6 Nghị định này, điều khiển xe quá tốc độ cho phép gây tai nạn giao thông sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000 - 3.000.000 VNĐ. Trường hợp chạy xe quá tốc độ, gây tai nạn nghiêm trọng, tỷ lệ thương tật của người bị hại lớn, bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015.

Tuân thủ nghiêm các tín hiệu đèn giao thông

Ở Việt Nam, lỗi vi phạm giao thông đường bộ hay mắc nhất chính là không tuân thủ đèn tín hiệu, cụ thể: Đèn đỏ là dừng xe, đèn vàng là đi chậm để dừng xe song nhiều người vẫn bất chấp quy định để vượt đèn vàng.

Dựa trên Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy hay xe máy điện vượt đèn vàng hoặc đèn đỏ sẽ bị xử phạt hành chính từ 600.000 - 1.000.000 VNĐ và có thể bị tạm quyền sử dụng giấy phép lái xe trong vòng từ 1 đến 3 tháng.

Nếu vượt đèn đỏ gây tai nạn giao thông, bạn sẽ bị tạm giữ giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng. Vì vậy kinh nghiệm lái xe máy trong thành phố bạn cần lưu tâm là dừng xe khi đèn vàng, tuyệt đối không cố vượt đèn vàng hay đèn đỏ.

Sử dụng đèn xe máy đúng cách, đúng nơi

Kinh nghiệm lái xe máy trong thành phố an toàn là bạn phải phân biệt và hiểu rõ chức năng cũng như cách sử dụng hệ thống đèn xe, bao gồm: Đèn pha, đèn cốt và đèn ban ngày.

Đèn cốt để chiếu ánh sáng trong phạm vi gần, tập trung chủ yếu vào phần mặt đường. Đèn pha có công suất chiếu sáng cao, được sử dụng khi cần mở rộng phạm vi chiếu sáng, giúp người điều khiển nhìn rõ các chướng ngại từ xa.

Cường độ chiếu sáng mạnh của đèn pha sẽ khiến người đi ngược chiều khó chịu, thậm chí gây ra tai nạn vì chói mắt. Do đó, người lái chỉ nên sử dụng đèn pha ở đoạn đường vắng, thiếu ánh sáng. Tham khảo cách sử dụng đèn pha xe máy đúng luật, văn minh và an toàn sẽ giúp ích cho bạn.

Bên cạnh cụm đèn pha-cốt, khi điều khiển xe máy trong thành phố bạn cần sử dụng hiệu quả đèn xi nhan. Đèn xi nhan sẽ được sử dụng trong các trường hợp như: Chuyển làn đường; chuyển hướng rẽ trái, phải, quay đầu; kết hợp còi xe để xin vượt. 

Khi sử dụng đèn xi-nhan để chuyển hướng hay xin vượt, người lái không nên bật quá sớm hay tắt quá muộn, rất dễ gây hiểu lầm cho các phương tiện khác. Tốt nhất, bạn nên bật xi nhan xin vượt hoặc chuyển hướng trước khoảng 20 – 30 mét và tắt sau khoảng 5 – 10 mét. 

Tập thói quen quan sát gương chiếu hậu

Gương chiếu hậu giúp người lái xe quan sát được những phương tiện lưu thông phía sau xe và chủ động điều khiển để đảm bảo an toàn trước khi vượt hay qua đường, tránh các tai nạn bất ngờ. Xe máy ít nhất phải lắp một gương chiếu hậu bên trái.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe máy không có gương chiếu hậu bên trái hoặc chiếu hậu không mang lại tác dụng sẽ bị xử phạt 100.000 - 200.000 VNĐ. Ngoài ra trong một số trường hợp, chủ xe máy không lắp gương chiếu hậu còn có thể bị giữ xe từ 7 ngày đến tối đa 2 tháng căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Tuyệt đối không uống rượu bia khi tham gia giao thông

Thực trạng tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông ngày càng tăng cao. Rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra đều xuất phát từ nguyên nhân người lái xe có uống rượu bia khi điều khiển phương tiện.

Hiện nay Luật pháp Việt Nam phạt rất nặng các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi lái xe. Theo nghị định 100/2019/NĐ-CP mức phạt tiền sẽ từ 2.000.000 thậm chí lên đến 8.000.000 VNĐ, tuỳ vào mức độ vi phạm. Bên cạnh đó, người vi phạm sẽ bị tạm tịch thu giấy phép lái xe.

  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: bichhang82@gmail.com; Đường dây nóng: 0903.762.768.