Kỹ thuật xe ô tô, - 22/09/2022 03:45 PM
Tư thế lái ảnh hưởng không ít đến một số vấn đề khi lái xe. Vì vậy, việc ngồi đúng tư thế là điều cần thiết khi điều khiển ô tô. Ngoài việc mang đến sự thoải mái cho người cầm lái mà còn giúp cho người cầm lái dễ dàng kiểm soát mọi việc và giảm thiểu những nguy hiểm tiềm ẩn.

Tư thế ngồi vào ghế phải luôn sao cho hợp lý: ngồi thẳng, lưng áp sát vào tựa lưng và không để khoảng trống nào giữa hông và ghế xe. Khi điều khiển xe, các bộ phận khác trên cơ thể bạn nên được giữ cố định, riêng cánh tay và chân là cần di chuyển. Nếu đã ngồi vào ghế lái đúng cách những bạn thấy cần sự điều chỉnh thì lúc này hãy bắt đầu điều chỉnh ghế lái của bạn và không điều chỉnh hay di chuyển cơ thể của mình.

1.    Độ cao của ghế lái

Nhiều người cho rằng việc điều chỉnh ghế lái hoàn toàn đơn giản thế nhưng nếu điều chỉnh không đúng cách sẽ khiến người lái rơi vào tình trạng mệt mỏi, hạn chế tầm nhìn dẫn những hậu quả khó có thể lường trước được. Việc điều chỉnh độ cao của ghế lái phù hợp sẽ giúp người cầm tay lái có khả năng quan sát tốt, có cái nhìn toàn diện và đầy đủ ở phía trước lẫn cả hai bên. 

Nên điều chỉnh độ cao ghế sao cho phần hông ngang hoặc cao hơn so với đầu gối để đảm bảo độ thoải mái và tránh những tác động lâu dài lên cơ thể. Sau khi điều chỉnh, đảm bảo khuỷu tay vừa chạm vào bệ cửa và khi bạn co chân sát vào ghế, phần đầu gối không chạm vào mép dưới vô lăng .

Trường hợp sau khi điều chỉnh đến mức tối đa và xe không hỗ trợ chức năng nâng hạ ghế lái hay chiều cao sau chỉnh vẫn còn quá thấp, giải pháp cho tình huống này là trang bị thêm các loại đệm ngồi gắn ngoài. Hiện nay, các loại điểm cao cấp này không chỉ mang đến cảm giác êm ái mà còn có khả năng giảm rung động và giảm lực tác động lên cơ thể, qua đó bảo vệ sức khỏe và tăng độ thoải mái khi chạy đường dài.

2.    Khoảng cách từ ghế lái đến bàn đạp phanh

Việc làm quen với hành trình chân phanh sẽ giúp bạn đảm bảo việc điều chỉnh khoảng cách ghế ngồi đúng nhất vì thế bạn nên khởi động xe rồi đạp hết chân phanh vài lần. Tiếp đó, hãy điều chỉnh khoảng cách ghế sao cho khi đạp hết hành trình chân phanh, đầu gối vẫn còn một khoảng gập nhẹ (lý tưởng nhất là 120 độ).

Khi đạp hết phanh mà chân bạn duỗi thẳng hoặc gót chân nhấc lên khi đạp hết hành trình phanh tức là ghế lái đã chỉnh quá xa. Lúc bấy giờ tác dụng của lực đòn bẩy và mất cảm giác với hành trình chân phanh, chân ga sẽ làm giảm đi. Ngược lại, đầu gối người lái sẽ dễ chạm vào phần mép dưới vô lăng, gây khó chịu và cản trở các thao tác xử lý nếu chỉnh ghế lái quá gần.

Quy tắc 2 ngón tay: cho 2 ngón tay vào khe hở giữa rìa ghế và mặt trong đồng gối. Nếu bạn cảm thấy 2 ngón không thể cho vào khe hở lúc này bạn cần điều chỉnh ghế ra xa hơn. Cách điều chỉnh này vừa đảm bảo khoảng cách giữa mặt trong đầu gối và đệm ngồi của xe để quá trình tuần hoàn máu của cơ thể tốt hơn.

3. Độ nghiêng của tựa lưng

Đặt tay lên vị trí cao nhất của vô lăng, phần giữa lưng phải tiếp xúc với tựa lưng của ghế sau đó điều chỉnh góc của tựa lưng sao cho khuỷu tay vẫn hơi gập xuống, cánh tay song song với sàn xe thì góc ngã lưng là phù hợp nhất.

Bạn cần điều chỉnh dựng thẳng tựa lưng hơn nếu thấy vai của bạn nhấc lên khi xoay vô lăng nghĩa là tựa lưng bị nghiêng hơi nhiều.

Theo PhysioMed, góc ngã tựa lưng lý tưởng nhất là 100 – 110 độ vì ở góc này các đĩa đệm ở lưng chịu ít áp lực nhất. Khi tựa lưng được điều chỉnh thích hợp, người lái sẽ dễ dàng chạm tới vô lăng bằng cả 2 tay và khuỷu tay vẫn được gập nhẹ thoải mái.

4. Điều chỉnh bơm lưng 

Bơm tựa lưng (lumbar support) đây là thành phần có khả năng điều chỉnh nhô ra, thụt vào bên trong tựa lưng ghế. Phần bơm lưng này có chức năng điều chỉnh phần lõm phía lưng dưới của người lái, từ đó giúp người lái tăng độ thoải mái và bảo vệ cột sống về lâu dài. 

Trong năm nay trở lại đây, vì tính hữu dụng cũng như đặc tính cạnh tranh của ngành ô tô công nghiệp, khi sở hữu một con xe với giá khoảng 600 triệu thì tính năng này đã được tích hợp với ghế lái chỉnh điện. Trước đây, thật khó để sở hữu tính năng này vì điều chỉnh này chỉ dành cho những mẫu xe sang trọng, đẳng cấp.

Chỉ với hai bước đơn giản là bạn đã có để điều chỉnh bơm hơi tựa lưng. 

+ Bước 1:  điều chỉnh phần bơm lưng lên/xuống để khớp với đoạn lõm ở lưng người lái. 

+ Bước 2: điều chỉnh phần nhô ra/thụt vào của bơm tựa lưng vừa đủ để lấp kín phần lõm này. 

Lưu ý: Hãy cân nhắc mua thêm gối tựa gắn rời nếu xe bạn không có phần điều chỉnh này để hỗ lưng khi lái xe, đặc biệt là khi đi đường dài.

5. Điều chỉnh vô lăng

Một yếu tố cũng ảnh hưởng lớn để tư thế lái là vị trí của vô lăng. Nút điều chỉnh thường được bố trí ngay phía dưới vô lăng, chỉ cần ấn nút điều hướng (với các xe trang bị vô lăng chỉnh điện) hoặc kéo lẫy (vô lăng chỉnh cơ) để điều chỉnh khoảng cách, độ cao, thấp của vô lăng (một số xe không cho phép điều chỉnh khoảng cách từ vô lăng đến người lái).

Hãy tưởng tượng vô lăng là mặt đồng hồ. Người lái nên đặt tay vào vô lăng ở vị trí 3 giờ và 9 giờ, đây là tư thế chuẩn nhất, vị trí này giúp người cầm lái thoải mái hơn, không bị mỏi hoặc cứng người.  Ngoài ra, tình huống bất ngờ cần đánh lái gấp thì việc cầm vô-lăng ở vị trí 3-9h sẽ làm cho thao tác đánh lái linh hoạt hơn và xử lý chính xác hơn. 

Tránh thói quen cầm vô lăng quá cao hoặc quá thấp hay cầm một tay khi điều khiển xe. Để tạo tư thế lái thoải mái nhất, người lái điều chỉnh khoảng cách tầm 25-30cm tính từ phần vai ngực đến vô lăng, khuỷu tay tạo góc nghiêng 120 độ là hợp lý nhất. Với khoảng cách này, túi khí sẽ hoạt động hiệu quá và giảm thiểu đi nguy hiểm gây chấn thương cho người lái trong những tình huống khi xảy ra va chạm.

Ngoài những hướng dẫn trên, bạn cũng có thể dựa vào tầm mắt sau khi đã chỉnh độ cao ghế lái để đảm bảo tầm quan sát tốt nhất đến bảng đồng hồ tốc độ của xe.

6. Đeo dây an toàn đúng cách

Khi với lấy dây an toàn, bạn nên kết hợp xoay cả cơ thể với cánh tay ở xa dây để lấy dây an toàn. Nhiều người có thói quen khi với lấy dây an toàn chỉ dùng cánh tay gần nhất hoặc chỉ xoay mỗi vai, về lâu dài điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Không được để dây an toàn phía trên bụng vì nó sẽ gây áp lực lớn lên các cơ quan nội tạng bên trong và dây sẽ không được bám vào phần khung xương chậu vững chắc. Dây an toàn phải được thắt qua vai và dưới bụng để khi có va chạm, phần dây ngang sẽ giữ chặt lấy khung xương chậu và đảm bảo an toàn cho người đeo.

Theo Nghị định 100 từ 30/12/2019, hành khách ngồi ở tất cả các vị trí trên xe đều phải thắt dây an toàn để đảm bảo khả năng bảo vệ tối ưu khi xảy ra va chạm, gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng.

7. Độ cao của tựa đầu

Độ cao của tựa đầu khi điều chỉnh ghế lái không cần thiết trong suy nghĩ của nhiều người cầm lái. Tuy nhiên, để giảm thiểu chấn thương ở cố khi xảy ra chạm từ phía sau thì đây là chi tiết đóng vai trò quan trọng. 

Cách để điều chỉnh tựa đầu đúng cách là phần mép trên của đầu người lái sẽ cao ngang với phần mép trên của tựa đầu với khoảng cách 2-3cm được tính từ phần tựa đầu đến gáy. Điều này sẽ phát huy tối ưu hiệu quả của tựa đầu, giúp người lái không cảm thấy bị đau mỏi cổ và hạn chế được chấn thương khi gặp tai nạn.

  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: bichhang82@gmail.com; Đường dây nóng: 0903.762.768.