Luật Phòng chống tác hại của rượu bia vừa chính thức có hiệu lực từ 1-1-2020. Một trong những quy định quan trọng tại luật này là nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, thay vì quy định ngưỡng nồng độ cồn trong máu như trước đây.
Quy định trên thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, áp dụng vào thực tiễn, nhiều người dân băn khoăn rằng sau khi uống rượu, bia bao lâu thì được phép lái xe, tức sau uống rượu bia bao lâu thì trong máu không còn nồng độ cồn.
Về vấn đề này, Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên – Trung tâm Chống độc cho biết, về mặt khoa học, bất kể nồng độ cồn trong máu ở mức nào, kể cả nồng độ thấp thì cũng ít nhiều làm ảnh hưởng đến thần kinh. Do đó, tốt nhất là đã uống rượu bia thì không lái xe.
Ethanol hay rượu là một chất độc, gây tổn thương não, nhất là hệ thần kinh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đặc biệt, nếu uống với lượng lớn, lạm dụng rượu thì rất dễ bị ngộ độc.
Nhưng để trả lời câu hỏi “sau khi uống rượu, bia bao lâu thì nồng độ cồn trong máu không còn, tức được phép lái xe theo quy định của luật?”, bác sĩ Nguyên cho rằng, rất khó để trả lời chính xác.
Cụ thể, thời gian từ lúc uống rượu đến khi kiểm tra để ra được xét nghiệm âm tính (trong máu không còn nồng độ cồn) phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: lượng rượu đã uống, loại rượu mình uống, sức khỏe của từng người, nồng độ rượu mình uống, uống càng nhiều thì nồng độ càng cao.
Thậm chí, cùng một loại rượu, cùng một người uống nhưng thời điểm uống khác nhau, chẳng hạn người uống rượu lúc đang đói thì sự hấp thụ rượu của cơ thể cũng khác (nhanh hơn) so với uống rượu khi đã ăn no; uống rượu lúc cơ thể khỏe mạnh thì sự hấp thu rượu cũng khác so với lúc yếu, mệt mỏi…
“Chúng ta phải cẩn thận, vì có những người uống rượu tối hôm trước mà tối hôm sau vẫn còn dương tính trong máu và hơi thở. Cách tốt nhất là hạn chế tối đa số lần uống rượu, hạn chế tối đa lượng rượu chúng ta uống. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người”- bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.
Theo ANTĐ