Thị Trường, - 02/03/2019 03:06 PM
Đức là cái nôi của nền công nghiệp ôtô, là nơi khai sinh và đặt nền móng phát triển ngành ôtô thế giới.

Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức đóng góp nhiều cho sự thịnh vượng của lục địa già. Quốc gia này đứng đầu khu vực khi có hơn 110 tỷ phú đô-la. Với hơn 80 triệu dân và sở hữu hàng loạt thương hiệu hàng đầu thế giới, Đức nổi danh về chất lượng sản phẩm. Năm 2017, theo khảo sát và nghiên cứu của Statista với gần 50.000 người, hàng hóa được dập nhãn "Made in Germany" có độ tin cậy cao nhất với số điểm 100 tuyệt đối.

Bảng xếp hạng 20 quốc gia có hàng hóa được tin tưởng nhất thế giới năm 2017. Nguồn: statista.

Trở lại câu chuyện xe hơi. Trong giới mê xe Việt Nam vẫn truyền nhau một câu chuyện kinh điển. Tại một buổi họp báo ở Nga, phóng viên đứng lên hỏi: "Thưa các ông, tại sao xe Toyota ít hỏng vặt còn BMW lại hay hỏng thế?". Giám đốc truyền thông BMW trả lời: "Thưa anh, mỗi chiếc Toyota có khoảng 30.000 chi tiết, tính đến mức nhỏ nhất là con ốc. Trên BMW là 50.000. Vì thế, xe Toyota không thể hỏng những gì nó không có".

"Tính xác thực của câu chuyện trên vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng ít nhất nó chứng tỏ rằng khái niệm tốt-xấu là tương đối, tùy theo cách nhìn. Không thể bắt một chiếc xe này giống chiếc xe khác, khi chúng không cùng đẳng cấp", giám đốc kinh doanh của một hãng xe sang tại Việt Nam nhận định.

Từ khi khai sinh, người Đức luôn dẫn đầu phân khúc xe sang toàn cầu. Thị phần lên tới 80% vào 2018, theo số liệu của ResearchandMarket, vượt xa rất nhiều các đối thủ Nhật hay Mỹ. Trong đó BMW chiếm thị phần áp đảo ở châu Âu, nơi khắt khe nhất thế giới với điển hình là sự rút lui của các hãng xe sang Nhật.

Một minh chứng nữa về tính dẫn dắt của công nghiệp ôtô Đức, nếu để ý tới thực tiễn các hãng siêu sang lớn nhất thế giới. Hầu hết khai sinh ở Anh, nhưng lại đang do người Đức điều hành. Như cách Rolls-Royce đang thuộc BMW. Phía dưới vẻ cổ điển truyền thống là hàng loạt công nghệ hiện đại nhất thế giới được đưa lên Rolls-Royce, tới mức hãng này từng mô tả trong lần ra mắt chiếc Ghost năm 2013: "Hệ thống treo xử lý trong 2,5 phần nghìn giây nên chúng tôi biết được sự thay đổi ngay cả khi bạn chỉ vừa nhấc mông".

Ôtô Đức từ khi khai sinh, là hình mẫu dẫn dắt các trào lưu thiết kế, công nghệ và an toàn của thế giới. Quora trích dẫn ý kiến một chuyên gia khi được hỏi "Xe Đức có gì đặc biệt" rằng: "Người Đức luôn đặt cao tính sáng tạo. Mỗi thế hệ xe mới ra đời đều xoay quanh điều cốt lõi là nó có gì khác biệt hay không. Thậm chí, các hãng xe Đức gửi cho đối thủ những gì mình sẽ làm, để mỗi người tìm hướng đi riêng và không bao giờ lặp lại".

Trong xếp hạng an toàn, xe Đức cũng luôn chiếm tỷ lệ cao nhất. Bảng tổng sắp của cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ NHTSA cho các mẫu xe sang an toàn nhất 2018 có 40% đến từ đất nước này.

Điểm mấu chốt cho tính chất lượng là các hãng Đức rất hạn chế lắp ráp bên ngoài châu Âu. Nếu có thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn rất khắt khe. Ví dụ như những bộ phận quan trọng nhất như khung gầm, động cơ, truyền động hầu hết đều được sản xuất ở Đức. Rồi sau đó, phụ tùng được lắp ráp tại chỗ hoặc vận chuyển linh kiện đến các nhà máy ở khắp nơi trên thế giới và cho ra một chiếc xe thành phẩm. Đây là lý do mà mỗi chiếc xe hơi thương hiệu Đức luôn được đánh giá cao về vận hành cũng như sự an toàn.

"Chất lượng của xe Đức là thứ đã được minh chứng hàng trăm năm qua. Nó sẽ là tốt nếu bạn là người quan tâm tới sự khác biệt, đẳng cấp và an toàn của bản thân. Mỗi hãng Đức có một cách riêng để chinh phục người dùng. Chẳng hạn thích cảm giác lái, đam mê tốc độ và là người giàu cá tính, bạn nên chọn BMW", Thanh Tùng, một nhân viên tư vấn bán hàng có thâm niên 10 năm ở Hà Nội nói.

Trong các hãng xe Đức, BMW là trường hợp đặc biệt, một trong những hãng xe có bề dày lịch sử lâu đời với 103 năm hình thành và phát triển. BMW có trụ sở đặt tại thành phố Munich, thủ phủ bang Bavaria. Hãng xe có biệt danh "Cánh quạt xứ Bavaria" lại khởi điểm là một công ty sản xuất động cơ máy bay. Điều này giúp cho các kỹ sư của BMW có được một nền tảng tốt nhất về thế nào là một động cơ hiệu năng cao.

Những chiếc BMW có khả năng lái thú vị và không phải ngẫu nhiên hãng này lấy slogan "Sheer Driving Pleasure". BMW thế hệ mới áp dụng nhiều công nghệ cao cấp. Như khung gầm ma trận Cluster Architecture (CLAR). Cấu trúc này sử dụng nhiều loại vật liệu nhẹ từ nhôm và hợp kim, giúp thân xe nhẹ hơn nhưng vẫn đảm bảo độ cứng. Bên cạnh đó, các mẫu xe cũng được trang bị nhiều công nghệ an toàn tiên tiến.

Một trong những mẫu xe tạo nên danh tiếng BMW là dòng sedan serie 5. Trải qua gần 50 năm tồn tại và phát triển với bảy thế hệ, gần 8 triệu chiếc BMW serie 5 đã lăn bánh khắp toàn cầu. Tại Việt Nam, Thaco mới đây đã giới thiệu chiếc BMW serie 5 thế hệ thứ bảy với tên mã G30. Đây cũng là mẫu xe được phát triển từ hệ khung gầm CLAR. Trọng lượng khung serie 5 thế hệ mới nhẹ hơn tới 46 kg so với thế hệ trước đó. Nhưng chiều dài thân xe tăng tới 30 mm, rộng hơn 6 mm và cao hơn 2 mm.

BMW Serie 5 G30 ra mắt tại Việt Nam hồi tháng 1 vừa qua

Xe được phân phối với hai phiên bản 520i và 530i. Trong đó, chiếc 520i sử dụng động cơ 1.6 cho công suất 170 mã lực và mô-men xoắn cực đại 250 Nm. Phiên bản cao cấp hơn, 530i sử dụng động cơ 2.0 cho công suất 252 mã lực và mô-men xoắn cực đại 350 Nm.

Những công nghệ hiện đại nhất được BMW đưa lên chiếc xe con cưng của mình như đèn pha thích ứng full-LED. Ở nội thất, người lái được trải nghiệm hệ thống điều khiển giải trí bằng cử chỉ Gesture Control. Ngoài ra, xe còn được trang bị hộp số tự động 8 cấp và chìa khoá hiển thị thông minh Display Key tương tự như BMW serie 7.

Giá bán của hai phiên bản 520i và 530i lần lượt là 2,389 tỷ đồng và 3,069 tỷ đồng.

"Đó là giá của đam mê", Thanh Tùng nói.

Theo Vnexpress

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.