“Vang bóng một thời”
Trở lại những năm đầu thập niên 2000, việc sở hữu một chiếc xe máy chính hiệu là điều quá xa vời với người dân. Người ta chỉ biết đứng từ xa để trầm trồ những con “ngựa sắt" chứ việc tất tay mang về thì đảm bảo gia đình nhịn ăn 4, 5 tháng liền. Cũng đúng thôi, 20 đến 30 triệu thời đó đâu phải là con số nhỏ.
May mắn thay, “Wave Tàu” xuất hiện như một sự cứu rỗi. Dù mới du nhập nhưng chiếc xe này có thể đánh bật mọi đối thủ và chễm chệ trên “ngôi vương” một cách nhanh chóng nhất. Cái tên mà hơn chục năm sau người ta khó mà quên được.
Mọi tầng lớp từ công nhân viên chức, xe ôm, bình dân…đều đua nhau tậu một chiếc để sử dụng. 10 cửa hàng thì hết 9 đều nhập “đứa con cưng” này về bán. Những mẫu xe “chính hiệu” của Honda, Suzuki ngậm ngùi nhường lại sân chơi cho đối thủ của mình. Cơn sốt Wave Tàu chưa bao giờ lại trở nên nóng và nhộn nhịp như vậy.
Mẫu mã “nhái” chẳng khác gì những chiếc xe máy chính hiệu của những hãng xe lớn. Tuy bị chê là không chính hiệu nhưng chất lượng lại chẳng kém cạnh gì. Nếu ai đã từng sử dụng những chiếc Wave Tàu đời đầu thì không thể chê vào đâu được. Rồi trang bị, thiết kế đảm bảo đẹp không thua gì xe zin.
Chưa kể, giá cả rẻ không thể tưởng. Những mẫu xe Tàu này chỉ bằng nửa số tiền xe zin. Dao động từ 12 đến 14 triệu đồng mà thôi. Vừa sức đối với những người có thu nhập trung bình vào thời đó. Người ta có thể mua xe máy mà không còn e dè vấn đề tiền bạc.
Có thể nói, nhờ những chiếc như Wave Tàu, dân Việt mới bắt đầu phổ biến dùng xe máy. Xem đó là một phương tiện đi lại thông dụng nhất hằng ngày. Từ từ ổn định kinh tế, trước khi chuyển sang những phương tiện đắt tiền hơn.
Ngoài ra, sự xâm nhập của xe Tàu một lần nữa cảnh tỉnh các ông lớn đến từ Nhật bấy lau nay làm mưa làm gió ở thị trường Việt. Buộc họ phải nhìn nhận cách tiếp cận thị trường, giá cả mới đáp ứng lợi ích của khách Việt. Đây không chỉ là sân chơi dành riêng cho Honda, Suzuki, Yamaha…khách hàng xứ này mới chính là nhân tố quan trọng nhất. Chứ không thể tự do làm luật theo ý của mình.
“Ngai vàng” mục ruỗng
Công lớn là thế nhưng đáng buồn thay, Wave Tàu không thể duy trì địa vị của mình trong ngành công nghiệp nóng hổi này. Thị trường, nhận thức của khách hàng cũng như tiềm lực của các ông lớn đã làm cái tên này bị suy yếu. Quan trọng hơn cả, chính nó đã tự nhấn chìm bản thân vào dòng xoáy quên lãng.
Honda không chịu đứng yên trước cái tên dám qua mặt mình bằng cách nhái chính họ. Từ những chiếc Wave Thái có giá gần 30 triệu đồng, Honda đã cho ra đời Wave Alpha lốc đen đời đầu và hạ giá xuống 11 triệu đồng. Mức giá thấp khó tin đối với một chiếc xe Nhật vào thời bấy giờ.
Và rồi chuyện gì đến cũng phải đến, các mẫu xe Nhật cũng theo đó giảm giá sát sàn. Việc lựa chọn những chiếc xe thương hiệu lâu đời và hàng nhái với mức giá như nhau, thì chắc ai cũng biết câu trả lời. Giá trị thương hiệu không chỉ để chơi. Nó phát huy tác dụng rất lớn trong các cuộc cạnh tranh thoáng chốc. “Wave Tàu, Dream Tàu” là những minh chứng rõ ràng nhất.
Thêm nữa, kinh tế khá khẩm lên thì nhận thức của khách hàng cũng theo đó mà thay đổi. Dân thành phố người ta đã biết thế nào là xe máy zin, hãng nào mới có tiếng tốt trong thế giới xe máy. Dần dần ai cũng tránh hoặc bán tống bán tháo xe Tàu, cái tên nổi tiếng với việc “ăn cắp” công nghệ của người khác.
Tuy nhiên, điều đáng quan trọng nhất làm mẫu xe này dần đi vào quên lãng đó chính là bản thân nó. Chất lượng những chiếc Wave Tàu giảm dần theo từng lô sản xuất. Người ta chỉ chú trọng đến việc “nhái” cái mã bên ngoài, ảo tưởng rằng khách hàng vẫn còn mê xe giá rẻ mà không chịu chú trọng phát triển chất lượng.
Việc hỏng hóc và sủa chữa liên tục khiến khách hàng dần chán với xe Tàu. Với những người chưa có điều kiện, dù muốn mua xe máy ngay nhưng họ vẫn cố nhịn, tích góp thêm chút ít để mua được những chiếc xe Nhật đã qua sử dụng. “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, cũ nhưng vẫn tốt chán hơn so với Wave Tàu lắm bệnh.
Hiện nay, ở những khu vực thành phố lớn, việc tìm kiếm những chiếc Wave Tàu quả thật như mò kim đáy bể. Cái tên này chỉ nhắc nhớ người ta về những tháng năm thiếu thốn mọi thứ chứ chẳng ai muốn sống với nó.
Họa chăng, trở về những vùng quê nghèo mới bắt gặp nó. Người ta sử dụng như là một phương tiện để đi lại ở những con đường phức tạp, dù hư hỏng cũng không sao. Còn những chiếc xe tay ga, xe xịn được bảo quản kỹ ở nhà và sử dụng khi có dịp đặc biệt mà thôi.
Xe máy Hàn Quốc, Trung Quốc vốn không được ưa chuộng tại Việt Nam, một phần vì cái bóng quá lớn của các hãng xe Nhật Bản, một phần vì chất lượng xe không ổn định. Những năm gần đây, xe máy nhập về từ Hàn Quốc hay Trung Quốc đã được chú ý hơn nhờ mức giá hợp lý và chất lượng được cải thiện
Kinh tế ngày càng phát triển, đời sống ngày càng được nâng cao khiến thị hiếu của người dân cũng dần thay đổi. Những chiếc xe máy Tàu giá rẻ thời trước vốn là hình ảnh quen thuộc ngoài đường nay đã trở thành hàng hiếm của cánh chơi xe cổ.