Theo Cục Đăng kiểm, các loại ô tô, xe máy sản xuất, lắp ráp hay nhập khẩu từ năm 2017 đều đã đáp ứng tiêu chuẩn Euro 4 với ô tô và Euro 3 với xe máy theo lộ trình Quyết định 49/QĐ-TTg về tiêu chuẩn khí thải của Chính phủ.
Tuy nhiên, đang có khoảng 51 - 52 triệu ô tô, xe máy tại Việt Nam chưa có bộ lọc do sản xuất trước năm 2017. Theo đại diện Cục Đăng kiểm, nếu ban hành quy định bắt buộc lắp màng lọc khí thải thì phải hậu kiểm được. Trong khi đó, Việt Nam hiện vẫn chưa có quy định về kiểm soát khí thải xe máy, và xe máy chưa phải đăng kiểm.
Bên cạnh đó, với hơn 200 trung tâm đăng kiểm trên cả nước như hiện nay thì không thể đáp ứng được nhu cầu, nếu muốn thực hiện phải tận dụng các cơ sở bảo dưỡng của chính các hãng xe máy. Ngoài ra, nhiều người lao động có thu nhập thấp nên việc lắp thêm màng lọc trị giá vài trăm đến cả triệu đồng cũng là chuyện không dễ dàng.
Thêm một đề xuất đáng chú ý trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ là đề xuất mở rộng đối tượng đối với xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành vào nội dung kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Nếu được Quốc hội thông qua, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ lộ trình cụ thể để triển khai công tác kiểm định khí thải đối với mô tô, xe gắn máy đang lưu hành.
Cũng từ tháng 6/2020, tất cả các loại bằng lái xe cấp ra sẽ phải thực hiện in mã hai chiều (QR) vào Giấy phép lái xe (GPLX). Việc sử dụng mã QR để đọc, giải mã nhanh thông tin trên GPLX và liên kết với hệ thống thông tin quản lý bằng lái xe để xác minh tính xác thực và tra cứu thông tin của bằng lái.