Trên thị trường nên có nhiều loại xăng để người tiêu dùng lựa chọn chứ không nên chỉ có duy nhất một loại. Việc đề xuất loại bỏ xăng A95 và chỉ dùng xăng sinh học bị các hãng xe và chuyên gia phản ứng khá gay gắt. Họ cho rằng điều này là bất hợp lý, ngược với nguyên tắc thị trường và gây ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng (NTD).
Hãng cho phép, hãng dè chừng
Cho đến thời điểm này, nhiều người vẫn e dè với xăng sinh học E5, đặc biệt những người đi ô tô phần lớn lựa chọn xăng A95. Anh Thành Trung (quận 12, TP.HCM) cho biết: “Khi dùng xăng E5, tôi thấy động cơ vận hành bình thường nhưng dùng xăng A95 xe chạy bốc hơn. Hơn nữa xe chạy bằng xăng E5 tốn nhiên liệu hơn khoảng 1-2 lít/100 km so với xăng A95. Mặt khác, tôi vẫn còn phân vân có nên sử dụng xăng E5 hay không vì nghe nói có một số dòng xe không nên sử dụng E5, nhất là xe đời cũ mà chỉ nên sử dụng loại xăng A95. Do đó tôi sử dụng xăng A95 cho chắc ăn”.
Đại diện một công ty chuyên phân phối xe nhập khẩu cho một hãng từ châu Âu tại TP.HCM khẳng định: Chúng tôi khuyến cáo khách hàng sử dụng nhiên liệu xăng từ A95 trở lên. Bởi với loại nhiên liệu này, động cơ khai thác được tối đa sức mạnh và sự vận hành mượt mà. Còn đối với xăng E5, các mẫu xe của hãng đều chưa chạy thử nghiệm nên chưa thể đưa ra khuyến cáo với khách hàng.
Trong khi đó, ông Trần Vũ Sơn, Phó Tổng Giám đốc dịch vụ phụ tùng Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), cho biết các dòng xe của Thaco đang sản xuất, lắp ráp bán ra thị trường như Kia, Mazda, Peugeot… đều có thể sử dụng xăng sinh học E5. “Tuy vậy, chúng tôi khuyến nghị không nên sử dụng xăng có chứa hơn 10% ethanol. Mặt khác, khách hàng nên tham khảo sách hướng dẫn sử dụng xe để sử dụng nhiên liệu đúng loại, đúng cách bảo vệ tốt ô tô của mình” - ông Sơn lưu ý.
Tương tự PGS-TS Phạm Xuân Mai, cố vấn khoa học công nghệ và đào tạo của Thaco, khẳng định: “Tất cả dòng xe mà Thaco sản xuất, lắp ráp đều sử dụng tốt loại xăng E5”. Phân tích rõ hơn, ông Mai cho biết xăng E5 được pha chế từ 95% xăng A92 và 5% ethanol khan (99,5%). Thành phần 5% ethanol có trong xăng E5 thực chất là cồn công nghiệp. Do ethanol có trị số octane (RON) cao tới 108-109 nên khi pha vào xăng sẽ làm tăng trị số octane, tăng khả năng chống kích nổ của nhiên liệu.
“Thêm vào đó, hàm lượng ôxy cao hơn xăng thông dụng sẽ giúp quá trình cháy trong động cơ diễn ra triệt để hơn, tăng công suất, giảm tiêu hao nhiên liệu, đồng thời giảm thiểu phát thải các chất độc hại trong khí thải động cơ và khả năng tăng tốc của xe cũng tốt hơn. Quá trình sử dụng E5 rất thuận tiện, không cần phải điều chỉnh động cơ khi chuyển đổi giữa nhiên liệu E5 và xăng thông thường. Không làm ảnh hưởng đến tính năng và tuổi thọ của động cơ” - ông Mai chia sẻ.
Tuy vậy, PGS-TS Phạm Xuân Mai lưu ý sử dụng nhiên liệu xăng có hàm lượng ethanol cao có thể gây ảnh hưởng đến một số chi tiết kim loại, cao su, nhựa và polymer của động cơ. Vì vậy, đối với các loại xe sử dụng động cơ đời cũ trước năm 1993, acid trong xăng sinh học có thể gây ảnh hưởng đến các zoăng cao su, nhựa, polymer của động cơ.
“Còn đối với các xe có động cơ sản xuất sau năm 1993 thì điều này gần như là không xảy ra. Nguyên nhân do vật liệu của động cơ, đặc biệt là hệ thống cung cấp nhiên liệu đã được cải tiến” - ông Mai khẳng định.
Tôn trọng quyền lựa chọn của khách hàng
Theo ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia về công nghệ ô tô, từng có thời gian dài sống và làm việc ở Đức và Mỹ, ở các nước trên thế giới việc sử dụng xăng sinh học đã rất phổ biến để bảo vệ môi trường. Tại các nước châu Âu, xăng sinh học sử dụng là E10 (10% ethanol), ngoài ra còn có xăng khoáng A98, A101. Dù có giá rẻ hơn xăng khoáng A98, A101 nhưng xăng sinh học E10 vẫn được khách hàng lựa chọn ít hơn xăng khoáng. Ví dụ ở Đức, xăng sinh học E10 chỉ chiếm khoảng 20% thị phần nhiên liệu.
Theo ông Đồng, các động cơ xe máy, ô tô hiện nay đều sử dụng tốt nhiên liệu sinh học nhưng việc sử dụng ít là do thói quen tiêu dùng. Hơn nữa, trong quá trình sử dụng họ thấy sử dụng nhiên liệu nào xe vận hành tốt hơn thì họ lựa chọn.
“Không nên khai tử xăng A95. Nếu áp đặt NTD phải sử dụng xăng sinh học, thị trường sẽ tạo nên thế độc quyền, khi đó lợi bất cập hại. Nguồn cung xăng sinh học E5 sẽ không đủ đáp ứng, giá nguyên liệu tăng cao và khi chỉ một số ít nhà cung cấp thì giá xăng E5 sẽ tăng cao, người mua chịu thiệt” - ông Đồng phân tích.
Tuy ủng hộ xăng sinh học E5 nhưng PGS-TS Phạm Xuân Mai cũng phản đối đề xuất khai tử xăng A95. Ông cho rằng nên sử dụng song song xăng E5 với xăng A95, A98… để NTD có quyền lựa chọn. “Khuyến khích sử dụng xăng E5 để bảo vệ môi trường hiện nay là hết sức cần thiết nhưng phải có chính sách kích cầu, thay đổi ý thức tiêu dùng chứ không thể áp đặt người dân” - ông Mai nhấn mạnh.
Phản ứng của khách hàng là thước đo
Kỹ sư Lê Văn Tạch nêu quan điểm hiện tại xăng A95 đang được sử dụng tốt và phù hợp với nhiều loại xe. Do vậy, việc đề xuất khai tử xăng khoáng A95 gây ngạc nhiên. “Vì thông thường bỏ đi phải có sự lựa chọn tốt hơn cho người dùng nhưng rõ ràng chưa tốt bằng. Bằng chứng là nhiều khách hàng khi đến gara của tôi thời gian qua phàn nàn về chất lượng xăng E5, như không khởi động được hoặc khi dừng đèn đỏ hay tự động tắt máy khi dùng loại xăng này” - kỹ sư Lê Văn Tạch dẫn chứng.
Cũng theo ông Tạch, các hãng xe trước khi sản xuất chế tạo đều xác định dòng xe đó sẽ hoạt động tốt nhất với loại nhiên liệu nào và đưa ra khuyến cáo đối với người dùng sử dụng loại xăng đó. Trên thị trường có nhiều loại xe, trong đó có nhiều loại xe sử dụng được xăng E5, còn nhiều loại xe như BMW, Audi, Lexus, Mercedes… thì được thiết kế tính toán dùng xăng A95 là tốt nhất. Hoặc đối với nhiều dòng xe cũ cũng sẽ không phù hợp khi sử dụng xăng E5.
Vị kỹ sư này cũng cho rằng nếu người dùng không sử dụng đúng loại xăng được khuyến cáo, xăng có chất lượng thấp hơn so với nhà sản xuất thiết kế sẽ khiến động cơ của xe hoạt động không hết công suất. Thậm chí còn có thể gây hỏng hóc, giảm tuổi thọ của động cơ.
“Phản ứng của NTD là thước đo quan trọng vì họ hằng ngày sử dụng. Khi thay bằng một loại xăng khác thì cần có đánh giá một cách cụ thể, rõ ràng, minh chứng một cách thuyết phục, giải đáp băn khoăn, nghi ngờ của NTD về xăng E5” - kỹ sư Tạch đề xuất.
|
(Theo Pháp Luật)