Năm nay, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã bổ sung Nhóm công tác về ô tô - xe máy, trước thực trạng khó khăn trầm trọng của các doanh nghiệp trong ngành này.
Theo đánh giá của Nhóm ô tô - xe máy, ngành công nghiệp này là mô hình kinh doanh đa tầng (gồm nhà cung cấp, nhà sản xuất, các đại lý phân phối) và có đóng góp đáng kể vào GDP của các quốc gia. Theo các ước tính khác nhau, đóng góp này tại Việt Nam là 3 - 5%, thấp hơn so với mức 10% của Thái Lan – nơi ngành công nghiệp ô tô, xe máy có chiến lược phù hợp với thương mại và tăng trưởng xuất khẩu. Dẫu vậy, tại Việt Nam, báo cáo của Nhóm công tác cũng cho rằng, có nhiều cơ hội để ngành công nghiệp này phát triển lớn mạnh hơn. Vì vậy, không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của ngành công nghiệp ô tô - xe máy tại Việt Nam.
Đóng góp của lĩnh vực này không chỉ thể hiện ở việc tạo ra khoảng 125.000 việc làm trực tiếp trong chuỗi kinh doanh, mà quan trọng hơn là đem lại nguồn thu thuế không nhỏ cho ngân sách nhà nước thông qua hoạt động của các doanh nghiệp ô tô - xe máy.
Theo thống kê của VAMA, trong 8 tháng đầu năm 2011, có khoảng 27.100 xe nguyên chiếc được nhập khẩu và 40.229 bộ linh kiện được lắp ráp, mang lại 1,323 tỷ USD tiền thuế cho ngân sách. Trong cùng thời gian đó của năm 2012, chỉ có 9.509 xe nguyên chiếc nhập khẩu và 21.030 bộ linh kiện được lắp ráp ở Việt Nam, với số tiền thuế là 456 triệu USD. Sự sụt giảm này còn chưa tính tới ảnh hưởng từ các doanh nghiệp xe máy.
Tuy nhiên, hiện tại, ngành công nghiệp ô tô - xe máy không phải là đối tượng của bất kỳ chính sách khuyến khích đầu tư nào theo như định hướng phát triển nền công nghiệp công nghệ cao. Vì vậy, Nhóm công tác đề nghị bổ sung ngành công nghiệp ô tô - xe máy vào nhóm công nghệ cao, để ngành được nhận các cơ chế khuyến khích phát triển tương đương khác. “Thông lệ quốc tế và thực tế cho thấy, ngành ô tô - xe máy đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kỹ thuật, công nghệ của nhiều quốc gia. Ngoài ra, sự phát triển của ngành cũng liên quan chặt chẽ với sự phát triển về trình độ, kỹ năng, bí quyết công nghệ quốc gia và cuối cùng là hệ thống giáo dục. Số lượng kỹ sư của một quốc gia là thước đo quan trọng về khả năng đổi mới và năng lực cạnh tranh của quốc gia đó”, Báo cáo của Nhóm công tác về ô tô - xe máy viết.
Đặc biệt, đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ để chế tạo một số bộ phận giá trị cao, như động cơ, phụ tùng động cơ, hệ thống điện, sẽ có ý nghĩa quan trọng giúp Việt Nam chuyển từ lợi thế đơn thuần về chi phí sang lợi thế bền vững về công nghệ. Luyện kim, cơ khí và sản xuất bộ phận có độ chính xác cao là những quy trình chế tạo quan trọng của ngành ô tô - xe máy, nhưng hoạt động này tại Việt Nam còn chậm phát triển do thiếu bí quyết công nghệ. Nếu có cơ chế khuyến khích mạnh, thì sẽ giảm rủi ro gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới và từng bước giúp Việt Nam phát huy lợi thế nhóm được khu vực thừa nhận.
Nhóm công tác cũng cho rằng, để tăng tỷ lệ nội địa hóa, Việt Nam cần cho phép các nhà sản xuất chi tiết ô tô - xe máy có chất lượng hoạt động trong các khu chế xuất và cho phép họ bán một phần sản lượng ở Việt Nam, cho họ hưởng các quyền xuất khẩu tương tự như đối với các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) nổi tiếng thế giới tại Việt Nam để làm lợi cho ngành công nghiệp trong nước.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp ô tô - xe máy, nhiều kiến nghị thực hiện trong ngắn hạn và dài hạn đã được đưa ra rất cụ thể.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cho rằng, việc tham vấn và thảo luận trước với các doanh nghiệp trong ngành sẽ giúp các chính sách của Chính phủ thực tế hơn và được thực thi tốt hơn. Đồng thời, nên xem xét việc áp dụng các phương pháp thử nghiệm và triển khai thí điểm chính sách/đề xuất, vì đây là cách làm hiệu quả nhất. Việc chia sẻ kế hoạch và lộ trình phát triển cụ thể cho ngành đến năm 2025 với các nhà sản xuất thiết bị gốc và các hiệp hội trong ngành để thu hút các nhà đầu tư cũng được khuyến nghị.
Mục tiêu nội địa hóa linh kiện 35-45% trong hơn 20 năm không thành nhưng nhiều hãng như VinFast, Trường Hải, TC Motor đang đầu tư lớn để thay đổi.
Ngành công nghiệp ôtô của Thái Lan thiệt hại nặng do đại dịch covid-19, xuất khẩu giảm mạnh trên toàn thị trường song xuất khẩu sang Việt Nam lại tăng ngược...
Hãng xe điện chiếm 35,4% tổng số xe xuất khẩu trong quý II, dẫn đầu toàn ngành tại quốc gia này.
Mong muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô, nhưng lại áp dụng chính sách thuế, phí cao, trong khi thu nhập người dân thấp khiến giấc mơ ô tô trở nên xa tầm với.
Nếu công nghiệp hỗ trợ không phát triển, chỉ quen với nhập linh kiện về lắp ráp như hiện nay, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ khó tồn tại sau năm 2025 và thị trường sẽ bị thôn tính.