Nhiều dân cho biết, với lượng phương tiện như ở nước ta, cùng với tình trạng thương xuyên tắc đường, việc bật đèn xe cả vào ban ngày sẽ gây ra nguồn nhiệt rất lớn từ hàng ngàn bóng đèn tỏa ra. Đó là chưa kể lượng nhiên liệu sẽ tiêu hao và chi phí bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đèn sẽ làm tăng chi phí hàng ngày của người dân.
“Đi đường đèn phản xạ vào mắt tất nhiên là khó chịu rồi nhìn rất chói. Các nước có sương mù thì mới cần bật đèn ban ngày chứ như mình bật đèn ban ngày chẳng được cái gì cả”.
“Nếu đi xe mà bật đèn ban ngày sẽ chiếu vào người khác rất khó chịu. Mình lái xe nhiều, bật đèn ban ngày sẽ tốn rất nhiều điện ở ắc quy”.
“Tôi không ủng hộ việc đấy, thời tiết ở Việt Nam nắng thế này mà bật đèn lên chẳng ý nghĩa gì cả, có quá đủ ánh sáng để tham gia giao thông rồi cần gì phải đèn”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đồng tình với đề xuất bật đèn xe máy vào ban ngày khi lưu thông của Bộ GTVT. Vì khi đi trong đường hầm, trong ngõ, đường khuất với nhiều khúc cua, người tham gia giao thông sẽ nhìn vào đèn xe để nhận biết phương tiện đối diện, từ đó tránh được việc phải bấm còi xe, gây ô nhiễm tiếng ồn.
Anh Hải Đăng, trú tại Đống Đa cho biết: “Tôi đồng tình với đề xuất xe máy phải bật đèn ban ngày vì khi vào trong ngõ, khúc cua đỡ phải bấm còi, người đối diện thấy ánh đèn của mình sẽ chú ý hơn, kể cả khi sang đường người đi bộ sẽ né tránh mình được tốt hơn”.
Sau gần 3 năm, quy định xe máy phải bật đèn nhận diện khi tham gia giao thông lại được tái đề xuất, dù trước đó đã gây ra những phản ứng trái chiều từ phía dư luận. Hiện nay, xe máy đang là phương tiện di chuyển chính của người dân.
Trong khu vực Asean, chỉ còn 3 nước là Lào, Campuchia và Việt Nam là chưa thực hiện quy định về đèn nhận diện ban ngày của xe máy. Được biết, đa số các quốc gia ở châu Âu đều đang áp dụng bật đèn xe ban ngày để tham gia giao thông. Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về giao thông vào năm 2014 và cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung trong Công ước Quốc tế.