Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu ô tô sang Việt Nam, trước đây Đài Loan luôn nằm trong danh sách với hàng loạt mẫu xe ăn khách. Những mẫu xe này chủ yếu mang thương hiệu Nhật Bản (được sản xuất tại Đài Loan) như: Toyota Camry 2.0, Caroline Altis, Honda CR-V hay Nissan Teena 2.0,... Thời kỳ cao điểm, có tới hàng ngàn xe nhập khẩu mỗi năm thông qua các công ty thương mại Việt Nam.
Song, khi Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương ra đời (tháng 4/2011), quy định DN nhập khẩu ô tô phải có Giấy ủy quyền chính hãng thì những mẫu xe có nguồn gốc Đài Loan giảm hẳn.
Xe Đài Loan khó bán ở Việt Nam
Từ năm 2012 trở đi, ô tô Đài Loan nhập khẩu về Việt Nam chỉ còn các thương hiệu nội địa. Trong đó, thương hiệu được nhiều người Việt biết đến là Luxgen của Công ty Yu Lon Motor.
Chiếc Luxgen SUV 7 chỗ (U7) đời 2012 đã từng được nhập vào VN
Ra mắt thị trường Việt Nam vào năm 2010, Luxgen được phân phối chính hãng với một loạt sản phẩm, thuộc những phân khúc quan trọng, bao gồm SUV, Crossover, Sedan, MPV. Đặc điểm chung của các mẫu xe này là đều có thiết kế khá đẹp mắt, trang bị hiện đại với những công nghệ tiên tiến.
Chẳng hạn như mẫu Luxgen SUV 7 chỗ (U7) đời 2012 có những trang bị khá hiện đại, ngang ngửa với những chiếc xe sang thời đó, như động cơ tăng áp, hệ thống đèn pha bi-xenon, có khả năng chiếu sáng theo góc cua, tự động bật/tắt, ghế lái được trang bị hệ thống sưởi ấm, tích hợp chức năng mát xa,... cùng hàng loạt tính năng an toàn thời thượng như cảnh báo chệch làn, cảnh báo điểm mù, hỗ trợ quan sát ban đêm, camera 360 độ,...
Tuy nhiên, xe thương hiệu Đài Loan vẫn khó bán ở Việt Nam. Có mấy lý do khiến người tiêu dùng còn băn khoăn, đó là giá bán cao ngang ngửa xe Nhật, Hàn, trong khi thương hiệu còn lạ lẫm và chất lượng vẫn chưa được kiểm chứng.
Những ai đã chạy thử chiếc Luxgen U7 đều có nhiều lời khen hơn chê, như xe đẹp, chạy ổn định, cách âm tốt,... Nhưng với giá bán hơn 1 tỷ đồng thì nhiều người lại quyết định mua một chiếc Hyundai Santa Fe hay Kia Sorento, cùng phân khúc, giá ngang bằng và chất lượng, thương hiệu đã được thừa nhận. Chính vì vậy, mà xe thương hiệu Đài Loan không thể cạnh tranh được.
Theo Công ty CPTM Kylin-gx668, từ khi nhận phân phối Luxgen vào năm 2015, mỗi năm chỉ tiêu thụ được khoảng 200 chiếc các loại. Doanh số khá nhỏ và gần như không có lợi nhuận bởi chi phí hoạt động đại lý, chi phí mua linh phụ kiện phục vụ cho bảo dưỡng sửa chữa, bị tồn kho lớn.
Đến đầu năm 2018, xe Đài Loan không còn nằm trong danh sách nhập khẩu về Việt Nam. Lý do là bị Nghị định 116 chặn lại. Những mẫu xe nhập khẩu từ Đài Loan đến nay vẫn không có được Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại do các cơ quan chức năng Đài Loan cấp. Vì vậy, không thể nhập khẩu về Việt Nam. Tuy nhiên, nhà phân phối cho biết vẫn đang chờ đợi. Thời gian tới, khi quy định tại Nghị định 116 được nới lỏng, họ sẽ tiếp tục nhập khẩu về.
Mặc dù vậy, con đường để xe Đài Loan thâm nhập vào Việt Nam khá gập ghềnh. So với xe Nhật, xe Đài ngày càng mất lợi thế. Thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ Đài Loan về Việt Nam hiện ở mức từ 50% trở lên, khiến giá xe khá cao. Trong khi xe Nhật sản xuất tại Đông Nam Á nhập về Việt Nam được hưởng thuế suất 0%, vì vậy có giá cạnh tranh hơn.
Giá trị công nghiệp mà ngành ô tô Đài Loan mang lại hàng năm khoảng 20 tỷ USD
Nhưng theo nhà phân phối, phía đối tác là Công ty Yu Lon Motor tại Đài Loan cam kết sẽ hỗ trợ để có thể đẩy mạnh mở rộng hệ thống phân phối, bảo hành bảo dưỡng và tăng doanh số bán xe Luxgen trong thời gian tới.
80% xe tiêu thụ nội địa
Ngành công nghiệp ô tô Đài Loan hình thành từ năm 1957, trải qua hơn 60 năm phát triển, đến nay đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kỹ thuật chế tạo và sản xuất đạt được trình độ nhất định.
Hiện Đài Loan có một loạt DN sản xuất ô tô lớn như: China Motor, Yu Lon Motor, Kuo Zui Motor, SYM, For Lio Ho Motor, Ching Chung Motor, Isuzu, Auto 21, Honda Taiwan, Formosa,... Cùng với đó là hơn 2.000 DN sản xuất linh kiện ô tô.
Sản lượng ô tô Đài Loan mỗi năm đạt khoảng 600.000 xe các loại, trong đó tiêu thụ nội địa hơn 400.000 xe, còn lại xuất khẩu. Đài Loan đã sản xuất được các loại xe con 4 chỗ, 7 chỗ, xe tải và có thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc cộng với khu vực Đông Nam Á. Giá trị công nghiệp mà ngành ô tô Đài Loan mang lại hàng năm vào khoảng 20 tỷ USD, với hàng trăm nghìn chỗ làm việc.
Điều đáng nói, kể từ khi gia nhập WTO năm 2002, thị phần ô tô của các DN Đài Loan tại thị trường nội địa đã tăng từ 60% lên 80%. Chất lượng chế tạo của các DN được nâng cao, người tiêu dùng có lòng tin đối với thương hiệu nội địa. Cùng với việc các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc phải qua cải tiến, thiết kế, mới có thể tiêu thụ được tại Đài Loan đã giúp công nghiệp ô tô Đài Loan duy trì sức cạnh tranh của mình.
Với sự nỗ lực bao năm qua của các DN, chất lượng chế tạo ô tô Đài Loan đến nay đã tiếp cận được với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến. Còn gia nhập WTO đã thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô Đài Loan vượt ra khỏi cục diện hạn chế ở thị trường tại chỗ, mở hướng ra thế giới.
Theo Vietnamnet
Chuỗi sự kiện triển lãm 6 trong 1 được tổ chức tại Taiwan là nơi kết nối giao thương trong lĩnh vực ô tô, xe máy có quy mô lớn nhất Châu Á.