Nhắc đến những chiếc SUV hầm hố, bền bỉ với khả năng chinh phục mọi loại địa hình mà bỏ qua Nissan Patrol là một thiếu sót vô cùng lớn. Tên tuổi của Patrol gắn liền với giải đua Dakar Rally danh tiếng, cũng như với tư cách là một chiếc SUV được sử dụng rất nhiều trong các cơ quan, chính quyền tầm cỡ thế giới, ví dụ như Liên Hợp Quốc, dành riêng cho những hoạt động tại các vùng nhạy cảm về chính trị, nơi đòi hỏi sự bền bỉ và cơ động cao. Tại nhiều thị trường trên thế giới, Nissan Patrol là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Toyota Land Cruiser.
Mẫu Nissan Armada thế hệ thứ 2 ra mắt cách đây vài tháng chính là phiên bản Patrol dành cho thị trường Bắc Mỹ và một số nước Trung Đông. Tại Việt Nam, chưa có thông tin và dự định nào của Nissan về việc phân phối dòng xe này mà thay vào đó, nó được bán ra dưới “mác” xe hạng sang Infiniti với model QX80, tất nhiên là ở một phân khúc khác.
Nhìn từ bên ngoài, vẫn là vóc dáng đồ sộ, bề thế của dòng SUV full-size với kết cấu body-on-frame cho ưu điểm về cấu tạo đơn giản, dễ sửa chữa và thay thế cũng như khả năng chống lại lực xoắn thân xe lớn - ưu điểm vô cùng quý giá với những chiếc SUV off-road.
Tổng thể chiếc xe không có quá nhiều khác biệt so với người anh em hạng sang Infiniti QX80, ngoại trừ những chi tiết thể hiện đúng "tầm" của từng chiếc xe trong phân khúc. Cản trước khá trung tính với thiết kế mặt ca lăng quen thuộc trên nhiều mẫu Nissan khác, phần thân và đuôi xe cũng vậy: chủ yếu là những đường thẳng, không cắt xẻ táo bạo và bắt mắt như đàn anh QX80. Mặc dù vậy, cụm đèn LED cũng như chất liệu chrome bóng đã kết hợp hài hòa với đường nét mạch lạc trên thân xe, đem đến ngoại hình có thể nói là khá ổn và đúng chất cho một chiếc SUV cỡ lớn tầm trung.
Tuy nhiên, những trang bị trong hệ thống lái có thể làm thất vọng đôi chút cho những fan của dòng xe Nissan Petrol khi nhiều option mang thiên hướng off-road như khóa vi sai trước sau, hệ thống ngắt thanh chống nghiêng trong hệ thống treo (tăng khả năng di chuyển lên xuống theo phương thẳng đứng của trục bánh xe), hệ thống treo thủy lực HBMC... đều đã được Nissan loại bỏ trong danh sách tùy chọn. Mặc dù vậy, đây vẫn là mẫu xe thừa đủ khả năng trở thành một chiếc đa dụng vừa có khả năng vượt địa hình ấn tượng, vừa đủ rộng rãi thoải mái cho gia đình trong những hành trình mỗi cuối tuần.
Nissan Armada sở hữu nhiều thứ mà các đối thủ cùng phân khúc không có, hoặc có nhưng mờ nhạt. Những mẫu xe đến từ GM như Chevrolet Suburban/Tahoe hay GMC Yukon...không thể cho ta cảm giác rally đường trường thừa hưởng từ những chiếc Patrol huyền thoại, còn đối thủ đồng hương Toyota Sequoia thì ngày một già nua và ế ẩm, ngay cả chiếc Land Cruiser khá ăn khách cũng đã ở thế hệ đương thời từ năm 2007 và mức giá khởi điểm cũng đắt hơn Armada khá nhiều.
Về khoang nội thất, nếu không dựa vào chất liệu và logo trên vô lăng thì rất khó để phân biệt giữa Armada và đàn anh hạng sang QX80 vì mọi chi tiết dường như đều tương đồng. Ngoài trang bị hàng ghế sau với ba chỗ ngồi tiêu chuẩn, phiên bản cao cấp nhất của Armada là Platinum đưa ra tùy chọn ghế thương gia với chỉ hai chỗ và trang bị tương tự như hàng ghế trước. Tuy nhiên dù với 3 hàng ghế tiêu chuẩn với sức chứa tối đa là 8 người, Nissan Armada lại có nhược điểm ở khoang chứa đồ khá hẹp với sàn cao, dễ làm cho hành lí bị rung xóc khi di chuyển - đánh đổi cho không gian chứa lốp dự phòng dưới gầm xe. Nhìn chung, thiết kế và mức độ thoải mái trong khoang nội thất không phải điểm mạnh của Nissan Armada so với các đối thủ.
Hiện tại Nissan chưa công bố giá bán chính thức cho Armada thế hệ mới, nhưng mức giá khởi điểm được dự đoán sẽ vào khoảng 45.000 USD cho phiên bản tiêu chuẩn, rẻ hơn khá nhiều so với mức trên 85.000 USD của Land Cruiser.