Những ngày gần đây, liên tiếp các vụ cháy chung cư mini xảy ra làm dư luận không khỏi bàng hoàng, đặc biệt là vụ cháy thương tâm ở Khương Hạ (TP. Hà Nội) khiến nhiều người thiệt mạng.
Sau vụ cháy này, nhiều chủ sở hữu các khu chung cư mini đã yêu cầu người thuê nhà buộc phải di dời xe đạp điện, xe máy điện.
“Pháp luật hiện hành không có quy định về việc cấm xe đạp điện, xe máy điện dưới hầm chung cư mini, phòng trọ. Trên thực tế, cá nhân khi thuê nhà sẽ được để xe tại bãi để xe chung của khu chung cư mini (phụ thuộc vào hợp đồng thuê nhà giữa người thuê và người cho thuê)”, Luật sư Trần Xuân Tiền, trưởng văn phòng luật Đồng đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết.
“Khi ban quản lý của khu chung cư cấm xe đạp điện, xe máy điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của họ. Bởi lẽ, họ cũng phải trả một khoản tiền về các dịch vụ của chung cư nên họ được hưởng những quyền lợi giống như các cư dân sử dụng các phương tiện khác. Do vậy, việc cấm xe máy điện, xe đạp điện trong chung cư là một phản ứng có phần thái quá, tiêu cực từ một bộ phận chủ chung cư”, Luật sư Tiền chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, trong bối cảnh vụ cháy chung cư mini thương tâm ở Khương Hạ xảy ra, việc các chủ chung cư mini không đồng ý với việc xe điện được để tại nơi gửi xe cũng nhằm mục đích phòng tránh nguy cơ cháy nổ, đảm bảo an toàn cho mọi người.
Tuy nhiên, việc di chuyển xe đạp điện, xe máy điện nếu không được sự đồng ý của người sở hữu thì là trái quy định pháp luật.
Theo quy định tại Điều 158 Bộ luật dân sự, chỉ chủ sở hữu mới có quyền định đoạt tài sản. Điều 163 Bộ luật cũng quy định rõ:"Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản". Nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu mà người cho thuê tự ý di chuyển xe, đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, hầu hết mọi người đều không đồng tình với nội quy cấm các loại phương tiện xe điện vì điều này ảnh hưởng tới rất lớn tới sinh hoạt của các cư dân, họ phải loay hoay tìm chỗ gửi xe…