Tình trạng cướp đường, lấn làn sang cả bên đường ngược chiều không hiếm gặp.
Cướp đường là một cụm từ được tự đặt ra trong giới lái xe khi thấy tài xế khác không đi theo làn đường quy định và thấy khoảng trống lập tức chuyển làn, tạt đầu xe khác để nhanh chóng vượt lên. Tình trạng lộn xộn này xuất hiện khi giao thông tại các đô thị lớn đông đúc và tài xế chỉ muốn được việc của mình với mong muốn vượt qua đám đông hỗn loạn để về đích sớm nhất.
Tật xấu này không chỉ diễn ra ở nhóm tài xế lái xe dịch vụ mà còn rất nhiều xe của gia đình đã khiến nhiều người bức xúc. Những cái đầu nóng ức chế trước hành vi này cũng trả đũa ngay bằng cách chèn ép xe cướp đường, không cho vượt với ngụ ý rằng “phải dạy cho nó một bài học về ý thức tham gia giao thông”.
Rất nhiều tình huống chèn ép giữa cả hai bên đã dẫn đến không ít vụ va chạm gây thiệt hại về tài sản và thậm chí là xuống xe giải quyết bằng mồm cũng như tay chân. Bên cướp đường thì muốn dạy cho đối phương một bài học vì dám “cà khịa” còn bên chèn ép thì cũng không muốn để “người vô ý thức” đạt được mục đích vì cướp đường được một lần thì chắc chắn sẽ có lần hai.
Tình trạng cướp đường này còn nặng nề hơn và diễn ra thường xuyên ở trên các cao tốc tại Việt Nam, với điều kiện đường thoáng đãng thì không có để nhận thấy rất nhiều xe liên tục nháy xi nhan chuyển làn vượt hết bên trái rồi bên phải bất chấp khoảng cách an toàn quy định trên cao tốc chưa được đảm bảo.
Anh Nguyễn Sỹ Hoàng ngụ ở Hà Đông nói, “Chẳng có ai gây khó dễ với anh khi chuyển làn vượt lên trong điều kiện thích hợp, các đáng nói ở đây là khi khoảng trống giữa hai xe rất thấp nhưng họ vẫn thường xuyên chen lấn, tạt đầu gây nguy hiểm cho người khác, trên cao tốc thì chuyển làn như là lạng lách, đánh võng trên đường”. Anh nói thêm, “Thực sự là rất nguy hiểm, nhất là đối với phụ nữ cầm lái bị tạt đầu thường có phản ứng xử lý không tốt dễ dẫn đến các hậu quả nặng nề”.
Một tài xế muốn cướp đường nhưng gặp sự kháng cự mạnh từ đối thủ. Video: SaiGonTV.
Hiện nay, chế tài xử phạt đối với cách hành vi cướp đường không thực sự rõ ràng, chủ yếu quy kết lỗi lấn làn ngược chiều và mức xử phạt cũng chưa đủ để răn đe nhằm thay đổi ý thức của người tham gia giao thông.
Số camera giao thông trong thời gian gần đây cũng được các cơ quan chức năng tăng cường lắp đặt một mặt phòng chống tội phạm, một mặt xử phạt nguội giảm tiêu cực cũng như bớt đi sức người của cảnh sát giao thông ttuy nhiên sự chây ỳ khi của người bị phạt vẫn còn nguyên đó và tình trạng vô ý thức của một bộ phận tài xế ô tô chưa thể thay đổi được.