Các câu hỏi như: “xe A nên mua phiên bản nào, có nên cố thêm vài chục triệu hay trăm triệu để mua phiên bản cao, nên mua bản thấp của mẫu xe cỡ C hay mua bản cao của xe cỡ B,… liên tục xuất hiện trên các diễn đàn.
Mỗi người sẽ có mỗi quan điểm khác nhau, nhưng một số quan điểm và tiêu chí được nhiều người tán thành dưới đây hi vọng sẽ khiến các khách hàng đưa ra quyết định đúng đắn.
Sử dụng gia đình – Luôn mua xe bản cao cấp
“Đã mua xe là phải mua bản đủ” Anh Tùng 26 tuổi là chủ một tiệm chụp ảnh cưới với thu nhập trung bình 100 - 150tr/tháng chia sẻ. Anh đã từng sở hữu qua 2 dòng xe, ban đầu là mẫu Mitsubishi Outlander 2.0 STD (bản thấp nhất), tiếp theo là Honda CR-V phiên bản L (cao cấp nhất). Dù chưa có nhà nhưng anh đã quyết định mua xe để phục vụ công việc.
Là một người thường xuyên sử dụng xe, ngoài nhu cầu di chuyển, anh cần một chiếc xe có đầy đủ các tính năng và tiện nghi tối ưu. Do đó, khi mua chiếc xe đầu anh đã chi khá nhiều tiền cho việc trang bị thêm đồ chơi để tận hưởng trọn vẹn thú vui lái xe. Nhưng chỉ 3 tháng, anh quyết định đổi xe vì những phiền toái do các món phụ kiện mang lại.
Lần tiếp theo đổi xe, anh rút kinh nghiệm lần trước và đã chọn phiên bản cao cấp nhất của dòng Honda CR-V. Với các trang bị giải trí và công nghệ hay ho cùng thiết kế cách điệu đã mang đến sự hài lòng cho chủ nhân.
“Từ nay về sau nếu tiếp tục đổi những dòng xe khác, mình vẫn sẽ chọn phiên bản cao cấp nhất. Vì đã có được tầm tiền mua đến phân khúc đó, cố thêm 10-20% nữa để đổi lại những thứ tốt nhất của dòng xe khiến mình không bị hụt hẫng khi mua về”
Vừa sử dụng gia đình vừa kinh doanh - Mua xe phiên bản thấp hoặc trung bình
Ở một khía cạnh khác, anh Hữu 35 tuổi là một nhân viên bảo hiểm nhân thọ, mức thu nhập tuy không bằng anh Cường nhưng cũng thuộc dạng khá giả ở TP.HCM. Tần suất sử dụng xe của anh không nhiều, chủ yếu vẫn sử dụng xe máy để di chuyển vì cơ quan anh ở gần nhà. Tuy nhiên bố mẹ anh ở cách thành phố chỉ hơn 100km nên thi thoảng anh vẫn thường thuê xe để về.
Sau khi hoàn thành căn chung cư cho gia đình, chiếc ô tô là điều đầu tiên anh nghĩ đến. Anh mua một chiếc Toyota Innova – phiên bản G (bản trung bình) theo hình thức trả góp, sau đó dùng xe cho thuê để chi trả tiền góp hàng tháng, mặt khác anh vẫn có xe sử dụng mỗi khi cần.
Như vậy anh chỉ phải tốn chi phí ban đầu, tiền thu được từ việc cho thuê xe có khi không đủ trả góp nhưng bù vào không nhiều. Mặt khác khách hàng thuê xe của anh chủ yếu là người thân quen, thế nên anh quyết định không chọn phiên bản thấp nhất, mà chọn một bản số tự động ở mức vừa phải để nâng cao trải nghiệm của gia đình cũng như khách hàng thuê xe.
Thời điểm hiện tại là thế, nhưng sau này nếu dư dả mua xe chỉ để sử dụng gia đình, anh vẫn muốn một chiếc xe có đầy đủ tiện nghi cao cấp, ít nhất sự thoả mãn tối đa. “Vì đôi lúc có cơ hội ngồi lên phiên bản cao cấp của Innova tôi vẫn có một chút tiếc nuối” Anh Hữu chia sẽ.
Mua xe để kinh doanh – Chọn phiên bản thấp
Để kinh doanh, ưu tiên hàng đầu là tiết kiệm nhiên liệu, chi phí bảo trì thấp, thanh khoản cao, chi phí đầu tư thấp. Với các tiêu chí trên, Anh Hà ngụ tại Long An đã chọn mẫu Hyundai i10 phiên bản Base. Cũng giống anh Hà, Anh Long cũng chọn cho mình mẫu Mitsubishi Xpander MT.
“Xác định lái xe là một nghề chính để kiếm cơm, rẻ là lựa chọn tốt nhất cho bất kì ai xác định theo nghề này”. Hai anh cho lời khuyên.