Vào đầu những năm 80, các công ty như Porsche, Fiat và Pontiac đã sản xuất những chiếc xe động cơ đặt giữa nhỏ hơn và giá cả phải chăng hơn như 914, X1/9 và Fiero.
Toyota cũng đã cho ra đời mẫu xe thể thao động cơ đặt giữa của riêng mình mang tên MR. Mẫu xe này được sản xuất tại Nhật Bản từ năm 1984 đến năm 2007 và được bán trên toàn cầu với nhiều tên khác nhau.
Thế hệ thứ ba của những chiếc xe thể thao này được gọi là MR-S ở Nhật Bản; MR2 Spyder ở Mỹ; MR Roadster ở Pháp và Bỉ, và MR2 Roadster ở phần còn lại của châu Âu.
MR2 tại Mỹ là viết tắt của mẫu xe MR động cơ đặt giữa, dẫn động cầu sau và hai chỗ ngồi. MR2 Spyder được thiết kế để mang lại hiệu suất cao nhưng vẫn tiết kiệm nhiên liệu. Mẫu xe này được sản xuất từ năm 2000 đến năm 2007.
Toyota MR2 Spyder nhẹ hơn, nhanh hơn và hướng đến hiệu suất cao hơn so với các xe thể thao sản xuất hàng loạt khác. Thế nhưng, MR2 Spyder được coi là một trong những chiếc xe nguy hiểm nhất thế giới.
Dưới đây là những phân tích, bình luận của trang Hot Cars về mẫu xe danh tiếng nhưng lại tai tiếng này:
Giải mã sự nguy hiểm của Toyota MR2 Spyder?
Toyota đã kết hợp các tính năng xe thể thao thông thường với công nghệ mới nhất để tạo ra MR2 Spyder. Động cơ đặt giữa kết hợp với tỷ lệ chiều dài cơ sở lớn đã mang lại cho chiếc xe này sự nhanh nhẹn và phản ứng cực nhanh.
Tuy nhiên, cách bố trí này cũng tạo cho chiếc xe một thứ gì đó rất nguy hiểm, thiên lệch trọng lượng phía sau đã trở thành yếu tố góp phần chính gây ra hiện tượng trượt trượt bánh sau (oversteer) khi vào cua, đặc biệt là khi đường ướt, trơn trượt.
Top Speed gọi Spyder là một trong những chiếc xe nhanh nhẹn nhất trên đường phố. Động cơ của chiếc xe thậm chí quá mạnh so với trọng lượng nhẹ của chiếc xe Spyder, điều này đòi hỏi kỹ năng cao hơn điều để khiển được chiếc xe này. Chỉ một giây mất tập trung, mọi việc có thể đã quá muộn.
Việc đặt động cơ ở giữa có vẻ là một thiết kế ổn vì điều này giúp chiếc xe tăng tốc nhanh hơn và có khả năng xử lý ổn định (điều này phù hợp với Spyder). Nhưng nó có thể gây nguy hiểm hơn cho chính người điều khiển xe nếu chiếc xe không may lao ra khỏi mặt đường và đâm vào một chướng ngại vật nào đó.
Thiếu trang bị an toàn
Chính việc đẩy giá bán xuống thấp để tiếp cận với nhiều hơn đối tượng trẻ đã khiến chiếc MR2 Spyder bị cắt giảm đáng kể các trang bị an toàn, thậm chí đến mức nghèo nàn đối với một chiếc xe thể thao.
Hệ thống kiểm soát an toàn chủ động chỉ có kiểm soát ổn định điện tử, phanh ABS tiêu chuẩn và 2 túi khí phía trước cho người lái và hành khách. Không có phanh khẩn cấp tự động hoặc hỗ trợ giữ làn đường. Hệ thống cảnh báo điểm mù, camera lùi, túi khí rèm hai bên và một loạt cảnh báo va chạm, cảnh báo người lái cũng không được trang bị trên chiếc xe này.
Với danh sách cực kỳ ít các tính năng an toàn trên một chiếc xe thể thao dành cho giới trẻ - những người chưa quá quá nhiều kinh nghiệm lái xe, dễ hiểu tại sao MR2 Spyder được coi là một trong những chiếc xe nguy hiểm nhất thế giới.
Trang Hot Cars còn đưa ra phân tích rằng: “Ngồi trên chiếc MR2 Spyder cực kỳ phấn khích, một lượng adrenaline và testosterone của lái xe tăng lên ngay khi chiếc xe mới lăn bánh. Nó gần như làm bạn mù quáng trước những mối đe dọa đang ở phía trước”.
Nguy hiểm như vậy, nhưng đối với giới trẻ, họ lại thích cảm giác mà MR2 Spyder mang lại. Do vậy, dù là một trong những chiếc xe nguy hiểm nhất thế giới thì mẫu xe này vẫn là chiếc xe thể thao thành công nhất.