Đỉnh điểm là gần đây, sau một đêm, tại ngã tư Mai Chí Thọ - Lương Định Của có một thùng container xuất hiện không rõ mục đích gây ra cản trở không ít với người đi đường
Hay ở Hà Nội, khu chung cư N01 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng (Đống Đa) đã được chủ đầu tư quy hoạch phần diện tích làm sân chơi, phục vụ mục đích chung của cư dân. Tuy nhiên, thời gian qua, khoảng không gian này đã bị lấn chiếm bởi 1 container làm kho chưa đồ đạc, trong đó có cả xăng dầu..., phục vụ vào nhiều mục đích riêng của một số đối tượng
Không chỉ container lấn chiếm vỉa hè, nhiều hộ kinh doanh còn thực hiện hành vi lấn chiếm cả lòng đường, buộc người đi bộ tham gia giao thông trên phần đường cùng các phương tiện xe cơ giới khác. Tình trạng vỉa hè, lòng đường trở thành nơi kinh doanh buôn bán xảy ở hầu khắp các địa bàn quận, huyện.
Theo thống kê, hiện nay, phần lớn các tuyến đường chính trong nội đô Hà Nội đều trong tình trạng bị tái lấn chiếm vỉa hè, gây mất an toàn giao thông, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường. Tại khu vực ngoại thành, các sạp hàng hoa quả đặt ngay dưới lòng đường, khách hàng bất chấp nguy hiểm vô tư đi ngược chiều, vượt dải phân cách để mua bán là cảnh không hiếm thấy. Hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán quanh khu vực trung tâm Hà Nội đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự an toàn giao thông. Những người tham gia giao thông khi đi qua những tuyến phố này luôn cảm thấy bức xúc, bất an.
Bên cạnh việc thi hành các biện pháp mạnh tay khi xử phạt những cá nhân, tập thể chống đối, cố tình vi phạm việc lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường thì cũng cần phải tuyên truyền, giáo dục một cách sâu rộng trong quần chúng nhân dân thông qua các phương tiện truyền thông, để người dân hiểu, thấm nhuần và thực hiện một cách nghiêm túc, kể cả khi không có sự hiện diện của lực lượng chức năng.
Theo quy định tại Điều 35 Luật giao thông đường bộ 2008: Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Trong một số trường hợp vẫn cho phép tổ chức một số hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ. Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác phải do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Đặc biệt, nghiêm cấm các hành vi sau: Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ; phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ; đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ; đổ rác hoặc phế thải không đúng nơi quy định; xây, đặt bục, bệ trái phép trên đường; …
Vấn nạn lấn chiếm vỉa hè trên không chỉ là trách nhiệm của riêng bất kỳ tổ chức hay cơ quan nào, mà là chính mỗi cá nhân cần thay đổi ý thức. Thay đổi ý thức ở đây, chính là thay đổi cả ý thức người bán hàng và cả người có nhu cầu mua hàng ở vỉa hè góp phần tạo nên một xã hội sạch đẹp hơn.