Thông tin ban đầu, vào thời điểm trên, xe tải mang BKS 51C - 480.30 (do tài xế Trương Trung Quý, 49 tuổi, ngụ TP. HCM điều khiển) di chuyển xuống đèo Mimosa (hướng từ trung TP. Đà Lạt đi huyện Đức Trọng) đến Km 277+900 bất ngờ tông liên tiếp vào nhiều xe đi cùng chiều và hướng ngược lại.
Cú va chạm liên hoàn đã khiến hai chiếc xe Toyota bị hư hỏng nặng phần đầu và đuôi xe. Sau khi tông liên tiếp vào các phương tiện khác, xe tải văng xuống khu nhà kính bên đường. Rất may những người liên quan đến vụ tai nạn chỉ bị thương nhẹ, không có thương vong.
Lực lượng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng đã có mặt phong tỏa hiện trường, phân luồng các phương tiện lưu thông qua đèo Mimosa và làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Bên cạnh đó, công an cũng lấy mẫu test nồng độ cồn và ma tuý đối với tài xế xe tải để làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Được biết, sau khi đèo Prenn đóng cửa để nâng cấp mở rộng, phần lớn phương tiện ra vào TP. Đà Lạt chuyển hướng lưu thông theo đèo Mimosa (một lượng nhỏ di chuyển theo hướng hồ Tuyền Lâm) gây ra áp lực giao thông lớn lên đây. Mặt đường đèo Mimosa khu vực xảy ra tai nạn cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng và chuẩn bị được nâng cấp, sửa chữa.
Chất lượng thân vỏ của xe Toyota có thật sự kém sau vụ tại nạn trên đèo Mimosa?
Nhìn vào những bức ảnh đăng tải đầy trên các mạng xã hội về vụ tai nạn trên đèo Mimosa vừa mới đây, không khó để nhận thấy một trong số chiếc xe của Toyota hầu như bẹp dúm. Điều này khiến nhiều người tự đặt câu hỏi, phải chăng ngành công nghiệp ô tô đang đi giật lùi về mặt công nghệ thân vỏ?
Thực tế, trong giai đoạn đầu, các nhà sản xuất đã xuất xưởng những mẫu xe với thân vỏ rất cứng, hầu như không biến dạng nhiều khi va chạm. Hệ quả tất yếu của đặc tính này là toàn bộ lực va chạm đều tác động lên người lái. Ở thời điểm đó, tỉ lệ hành khách tử vong trong các vụ tai nạn là rất lớn.
Ở các xe ô tô đời mới, các vùng biến dạng thường được đặt phía trước và phía sau xe, sẽ hấp thụ lực tác động từ các vụ đâm thông qua việc biến dạng vật liệu, thứ không hề có ở những chiếc xe đời cũ. Điều đặc biệt nằm ở chỗ trong khi hầu hết các thành phần xung quanh được thiết kế để biến dạng dễ dàng, toàn bộ khoang lái chính lại sẽ được gia cố cứng cáp hơn rất nhiều nhằm bảo vệ hành khách bên trong.
Vùng biến dạng sẽ giúp trì hoãn va chạm. Thay vì để hai chủ thể cứng đập thẳng vào nhau, vùng biến dạng sẽ hãm va chạm, tăng thời gian từ lúc va chạm bắt đầu đến khi xe dừng hẳn. Điều này sẽ giúp cho tác động giảm đi đáng kể.
Bên cạnh đó, những tổ chức quản lý các quy chuẩn thử nghiệm va chạm như IIHS, NHTSA hay Euro NCAP cũng mạnh dạn nâng cấp các phép thử an toàn ngày càng khó vượt qua hơn. Thậm chí, những quy định bảo vệ người đi bộ hà khắc – đặc biệt là tại châu Âu – đã ảnh hưởng rất lớn tới thiết kế của những chiếc xe hiện đại.
Với yêu cầu như thế, các nhà sản xuất cũng phải tính cả tới việc bảo đảm phần đầu và đuôi mỗi chiếc xe phải đủ độ mềm và tính đàn hồi nhất định để tránh gây thương tích nặng dẫn tới tử vong cho người đi bộ hay xe thô sơ khi có va chạm. Dù phần ca-pô và cốp xe sau đã bị đâm bẹp hẳn nhưng khoang lái vẫn giữ nguyên hình dáng – thử nghiệm cho thấy rõ hiệu quả của vùng biến dạng.